Thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Ðại dịch Covid-19 đã buộc thế giới phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc hàng tỷ người vẫn thiếu khả năng tiếp cận internet gây khó khăn cho quá trình này. Làm thế nào để công nghệ trở thành động lực thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm phát triển bền vững vẫn là vấn đề của nhiều quốc gia, khu vực.

Một phụ nữ Nigeria đang cùng con học online. (Ảnh: Reuters)
Một phụ nữ Nigeria đang cùng con học online. (Ảnh: Reuters)

Theo ước tính của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), số người sử dụng internet trong năm 2021 đã tăng lên 4,9 tỷ người so với mức 4,1 tỷ người trong năm 2019, một phần do nhu cầu kết nối tăng cao trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn có hàng trăm triệu người không có kết nối mạng ổn định hoặc phải dùng chung thiết bị. Liên hợp quốc công bố báo cáo cho thấy, khoảng 2,9 tỷ người, tương đương 37% dân số thế giới, chưa có điều kiện tiếp cận internet mặc dù nhu cầu làm việc, học tập và kết nối ngày càng tăng. Ðáng chú ý, 96% trong số đó sống ở các nước đang phát triển. Tại 46 quốc gia kém phát triển nhất, khoảng 75% dân số chưa từng sử dụng internet. Cũng theo ITU, người trẻ tuổi, nam giới và người sống ở thành thị có điều kiện tiếp cận internet hơn so với người cao tuổi, phụ nữ và người sống ở nông thôn. Tình trạng nghèo đói, mù chữ, thiếu điện sinh hoạt và thiếu kỹ năng số sẽ tiếp tục nới rộng khoảng cách về kỹ thuật số trên thế giới.

Ðối mặt đại dịch Covid-19, các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng kỹ thuật số đã chứng minh khả năng phục hồi và sáng tạo, giúp bảo vệ cuộc sống và sinh kế. Trong bối cảnh thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số là xu thế tất yếu, hồi tháng 6/2020, Liên hợp quốc đã đưa ra Lộ trình hợp tác kỹ thuật số với tám hành động chính, bao gồm cả việc đạt được kết nối toàn cầu vào năm 2030. Lộ trình này nhằm làm cho quá trình chuyển đổi số trở nên công bằng, an toàn, toàn diện và hợp lý cho tất cả mọi người. Trong tuyên bố mới đây, Tổng Thư ký ITU Houlin Zhao cho biết, ITU sẽ nỗ lực bảo đảm đưa internet đến với 2,9 tỷ người còn lại. Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng thế giới nỗ lực biến công nghệ kỹ thuật số trở thành "một động lực tốt", giúp các nước đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, Liên hợp quốc cũng cảnh báo phải chống lại các mối nguy hiểm của công nghệ kỹ thuật số, từ sự lan truyền các tư tưởng thù địch và thông tin sai lệch đến các cuộc tấn công mạng và khai thác dữ liệu.

Thu hẹp khoảng cách kỹ năng kỹ thuật số vẫn là khía cạnh thiết yếu và ngày càng cấp bách của thiết lập kết nối toàn cầu. Các chính phủ và ngành công nghiệp phải hợp tác để giúp xây dựng và nâng cấp kỹ năng số của mọi người ở tất cả các quốc gia. Các chuyên gia khuyến nghị rằng, các quốc gia cần thu thập dữ liệu và bằng chứng, kiểm tra trình độ kỹ năng hiện tại, đồng thời xác định những khoảng cách số và nhu cầu của địa phương trước khi đưa ra các biện pháp chính sách hoặc bắt tay vào các sáng kiến mới. Ngoài ra, các khung kỹ năng số quốc gia phải được điều chỉnh để phản ánh thị trường lao động và khoảng cách kỹ năng của mỗi quốc gia. Các kỹ năng số và quyền truy cập internet phụ thuộc lẫn nhau, đòi hỏi phải thực hiện đồng thời kết nối chặng cuối, các biện pháp liên quan cơ sở hạ tầng khác và các sáng kiến đào tạo.

Tổng Thư ký ITU Houlin Zhao cho rằng, mọi người đều xứng đáng được tiếp cận, không chỉ các thiết bị và kết nối kỹ thuật số, mà còn cả các kỹ năng và kiến thức thiết yếu để phát triển mạnh mẽ trong thế giới công nghệ ngày nay. Trong năm qua, thế giới đã chú ý nhiều hơn đến các kỹ năng số, với việc các quốc gia xem xét chặt chẽ cung và cầu về các năng lực chính, các nhà nghiên cứu đánh giá tác động của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, trong khi các nhà hoạch định chính sách rà soát lại các khuôn khổ hiện tại và thiết kế các biện pháp can thiệp mới nhằm giải quyết khoảng cách kỹ năng số, đáp ứng yêu cầu trong tương lai ở cấp quốc gia.