Nỗ lực chuyển đổi số của Indonesia

Giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia vào năm 2021 ước tính đạt 70 tỷ USD, tương đương 40% của khu vực và dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi, lên mức 146 tỷ USD vào năm 2025. Chính phủ Indonesia ban hành hàng loạt chính sách nhằm duy trì vị thế nền kinh tế kỹ thuật số lớn nhất ASEAN.
0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế kỹ thuật số đã mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho đất nước Indonesia. Ảnh: THEMBSGROUP
Kinh tế kỹ thuật số đã mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho đất nước Indonesia. Ảnh: THEMBSGROUP

Cơ hội tăng trưởng mới

Theo hãng thông tấn Indonesia Antara, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto nhấn mạnh, với số hóa, ngày càng nhiều doanh nghiệp ở Indonesia áp dụng công nghệ kỹ thuật số để đổi mới và phát triển các công ty khởi nghiệp trên khắp cả nước. Một số “công ty kỳ lân” đã được niêm yết trên các sàn giao dịch quốc gia và thế giới. Bộ trưởng Hartarto nhấn mạnh, kinh tế kỹ thuật số đã mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, qua đó giúp cải thiện mức sống của người dân.

Indonesia đang phát triển một khuôn khổ kinh tế kỹ thuật số quốc gia nhằm khuyến khích hợp tác và thúc đẩy sức mạnh tổng hợp giữa các bên liên quan. Chính phủ đang tiếp tục tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cả vật lý lẫn kỹ thuật số, bắt đầu từ việc phát triển hệ thống cáp quang, trạm thu phát sóng di động, trung tâm dữ liệu, vệ tinh thông lượng cao, cũng như mạng 5G. Indonesia cũng là quốc gia tiên phong trong việc khai thác quỹ đạo vệ tinh Trái đất tầm thấp.

Khả năng cạnh tranh kỹ thuật số của Indonesia được cải thiện mạnh mẽ trong những năm qua nhờ dòng vốn đầu tư ổn định và việc áp dụng công nghệ nhanh chóng, nhất là trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Một báo cáo chung do East Ventures, PwC Indonesia và Katadata Insight Centre công bố mới đây cho thấy sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số Indonesia trên khắp 34 tỉnh, thành có được là nhờ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số có sẵn, nguồn nhân lực, hoạt động kinh tế kỹ thuật số và nhất là sự hỗ trợ của chính phủ. Chỉ số cạnh tranh kỹ thuật số của 34 tỉnh, thành của Indonesia duy trì đà tăng trong suốt ba năm qua, bất chấp tác động của dịch bệnh. Theo báo cáo trên, 88,7% số người được hỏi muốn mở rộng kinh doanh và đầu tư vào các khu vực của Indonesia có tiềm năng về thị trường.

Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia (Bappenas) cho biết, công nghệ kỹ thuật số có tiềm năng tạo ra 20 triệu đến 45 triệu việc làm mới cho lao động ở nước này. Bộ này cho biết, quá trình số hóa có thể khiến 2,4 triệu người dân bị mất việc làm, song sẽ cung cấp hàng chục triệu vị trí tuyển dụng mới. Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia, Suharso Monoarfa cho rằng, Indonesia cần thúc đẩy chuyển đổi kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch, bằng nhiều cách như nâng cao kỹ năng người lao động, để nền kinh tế quốc gia không chỉ phục hồi mà còn tăng trưởng hơn 5% mỗi năm.

Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia, Airlangga Hartarto cũng cho rằng, chuyển đổi kỹ thuật số là chìa khóa tăng tốc phục hồi kinh tế. Chính phủ Indonesia đã và đang sử dụng công nghệ để xử lý dịch bệnh thông qua công nghệ y tế và y tế từ xa. Ông khẳng định, Chính phủ Indonesia đã thành công trong việc ngăn chặn các làn sóng lây nhiễm sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr kéo dài, cũng như sau mùa hành hương Hajj của các tín đồ Hồi giáo Indonesia tới Thánh địa Mecca ở Saudi Arabia.

Bộ trưởng Hartarto khẳng định, một ưu tiên hàng đầu khác là phát triển nguồn nhân lực. Indonesia cần ít nhất 600.000 nhân lực kỹ thuật số chất lượng cao mỗi năm. Để đáp ứng nhu cầu này, chính phủ đang nỗ lực chuẩn bị một lực lượng lao động trẻ, đáng tin cậy bằng cách đưa công nghệ thông tin và truyền thông trở thành một phần của chương trình giảng dạy và mở rộng các chương trình đào tạo kỹ thuật số.

Những bước đi đầy tham vọng

Indonesia đã công bố Mã phản hồi nhanh quốc tế theo tiêu chuẩn Indonesia (QRIS), nhằm kết nối hệ thống thanh toán của nước này với các nước thành viên khác trong ASEAN. QRIS do Ngân hàng Trung ương Indonesia phát triển, cho phép người dùng dịch vụ thanh toán của nước này có thể chuyển tiền tới bất kỳ dịch vụ thanh toán nào khác trong ASEAN và ngược lại.

Tại lễ ra mắt QRIS, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nêu rõ, hệ thống tiên tiến này cho thấy Indonesia có thể thích ứng với nền kinh tế kỹ thuật số và không bị bỏ lại xa so các nước. Tổng thống Indonesia bày tỏ lạc quan rằng, QRIS sẽ có thể cải thiện hiệu quả chi phí cho các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như trong lĩnh vực du lịch, nhằm cung cấp hàng hóa và dịch vụ có giá trị cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Theo Ngân hàng Trung ương Indonesia, Thailand là quốc gia đầu tiên có hệ thống thanh toán liên kết hoàn toàn với QRIS. Chính phủ các nước như Malaysia, Singapore và Philippines khẳng định, sớm kết nối hệ thống thanh toán này.

Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu đưa 30 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tham gia thị trường kỹ thuật số vào năm 2024, tăng mạnh so với mức 19,5 triệu trong năm nay. Bộ Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia hối thúc các nhà bán lẻ đồ ăn tham gia kinh doanh trực tuyến, trong bối cảnh quốc gia này được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế kỹ thuật số lớn nhất Đông Nam Á với doanh thu đạt 4,5 triệu tỷ rupiah (302 tỷ USD) vào năm 2030. Tổng thống Joko Widodo mong muốn nền kinh tế kỹ thuật số khổng lồ của Indonesia phải được các nhà cung cấp đồ ăn khai thác, đồng thời yêu cầu tăng cường hướng dẫn các nhà cung cấp mặt hàng này tham gia hệ sinh thái kỹ thuật số nhằm mở rộng kinh doanh.

Nền tảng giao đồ ăn GoFood hiện có 62.700 nhà cung cấp thực phẩm, trong khi con số này lên tới 120.000 trên nền tảng đặt hàng Grab Food. Tổng thống Indonesia hy vọng rằng, tất cả 50.000 thành viên của Hiệp hội các nhà cung cấp mì gà và súp thịt viên (Papmiso) cũng sẽ kết nối kinh doanh trực tuyến trong hai năm tới. Bộ Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẵn sàng giúp đỡ các nhà cung cấp mì và súp thịt viên làm thủ tục đăng ký kinh doanh, tiếp cận các ngân hàng để được hỗ trợ vốn theo chương trình Tín dụng kinh doanh nhân dân (KUR), cũng như xin giấy phép phân phối và chứng chỉ halal.

Về nguồn nhân lực, Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia cho biết, thông qua việc ban hành một loại thị thực linh hoạt hơn, Indonesia đang nỗ lực thu hút thêm nhiều “dân du mục kỹ thuật số”, những người sử dụng internet và các thiết bị công nghệ để làm việc từ xa. Trả lời phỏng vấn Bloomberg, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno cho biết, khoảng 95% số người “du mục kỹ thuật số” được khảo sát cho biết, Indonesia là điểm đến ưu tiên hàng đầu. Trong tám tháng đầu năm 2022, hơn 3.000 “dân du mục kỹ thuật số” nhập cảnh Indonesia, chủ yếu đến từ Nga, Anh và Đức. Indonesia lên kế hoạch cấp thị thực đặc biệt 5 năm cho những người làm việc từ xa, người hay đi lại để thu hút du khách trở lại Bali và các điểm du lịch nổi tiếng khác.

Về cơ sở hạ tầng, Indonesia đang xây dựng Khu công nghiệp kỹ thuật số Nongsa (NDP) trên đảo Batam thành đặc khu kinh tế (KEK) nhằm nắm bắt các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật số và hỗ trợ phát triển kinh tế kỹ thuật số quốc gia. Thư ký Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Susiwijono Moegiarso cho biết, việc xây dựng NDP KEK là một phần trong nỗ lực chiến lược của chính phủ nhằm hỗ trợ phát triển nền kinh tế kỹ thuật số ở Indonesia và kết nối quốc tế, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Ông Moegiarso nêu rõ mục tiêu của Indonesia đưa NDP KEK trở thành một khu vực dịch vụ và kỹ thuật số thí điểm để triển khai tại các khu vực khác trên cả nước. Theo Antara, NDP KEK có tổng vốn đầu tư khoảng 3,7 tỷ USD và dự kiến thu hút 16.500 lao động vào năm 2040.

Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto nhấn mạnh rằng, Indonesia chọn vấn đề chuyển đổi kỹ thuật số là một trong những chương trình nghị sự ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong năm 2022. Ông Hartarto cho biết, Indonesia cũng thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu bao trùm hơn, nhất là thông qua số hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), mở rộng tài chính bao trùm, tăng cường phổ biến kiến thức và kỹ năng kỹ thuật số, cũng như cải cách quản trị dữ liệu toàn cầu.