Nền kinh tế Ai Cập chịu tác động nặng nề bởi các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu này bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột tại Ukraine gây bất ổn cho nguồn cung thực phẩm cũng như thị trường toàn cầu. Căng thẳng ở Trung Ðông, bao gồm cả cuộc xung đột ở Dải Gaza, đã tác động tiêu cực đến hoạt động nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Israel của Ai Cập, qua đó gây tổn hại đến việc tái xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Cairo.
Thâm hụt thương mại của Ai Cập trong năm tài chính 2022-2023 đã giảm 23,59%, chủ yếu do nhập khẩu hàng hóa phi dầu mỏ giảm mạnh. Các nhà đầu tư đã rút hàng tỷ USD khỏi dự trữ ngoại hối, không đầu tư vào nước này như dự kiến khiến Ai Cập không đạt mục tiêu đề ra trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tình trạng thiếu ngoại tệ trầm trọng cũng ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Kiều hối từ người Ai Cập ở nước ngoài, nguồn thu nhập nước ngoài lớn nhất của đất nước, đã giảm mạnh. Lạm phát gia tăng, thiếu hụt ngoại tệ, căng thẳng địa chính trị và tình trạng gián đoạn nguồn cung hàng hóa khiến nền kinh tế Ai Cập gặp nhiều khó khăn.
Ðể hỗ trợ nền kinh tế Ai Cập, WB sẽ cấp khoản vốn thông qua một chương trình toàn diện, bao gồm 3 tỷ USD dành cho các chương trình của chính phủ và 3 tỷ USD cho khu vực tư nhân. Gói hỗ trợ tài chính của WB, hiện trong quá trình phê duyệt, được hy vọng sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Ai Cập và tăng cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia vào nền kinh tế thông qua nhiều sáng kiến, nhất là chương trình Tiền tệ hóa tài sản của chính phủ.
Chính phủ Ai Cập đặt mục tiêu tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân và giúp khu vực này trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khoản vốn này sẽ được sử dụng để tăng cường quản trị các doanh nghiệp nhà nước cũng như nâng cao hiệu suất và hiệu quả quản lý nguồn lực trong khu vực công. Chính phủ đặt mức trần cho tổng đầu tư công ở mức 1.000 tỷ bảng Ai Cập (khoảng hơn 20 tỷ USD), một phần của chương trình tổng thể cho phép Ai Cập đạt được sự ổn định tiền tệ.
Danh mục đầu tư của WB tại Ai Cập hiện vượt 8 tỷ USD, với nguồn vốn được phân bổ từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế, Tập đoàn Tài chính quốc tế và Cơ quan Bảo lãnh đầu tư đa phương. Khoản cam kết 6 tỷ USD mới nhất cho thấy những nỗ lực của WB trong việc hỗ trợ chương trình nghị sự phát triển của Ai Cập và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ở nước này.
Theo đó, WB sẽ tìm kiếm các cơ hội để đưa ra những bảo đảm nhằm hỗ trợ hoạt động đầu tư vào khu vực tư nhân. WB cũng sẽ hỗ trợ các sáng kiến nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. WB vẫn cam kết hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, nhất là thông qua chương trình bảo trợ xã hội Takaful và Karama của Chính phủ Ai Cập.
Ngoài ra, chương trình Tài trợ chính sách phát triển (DPF) của WB đang được thảo luận, tập trung vào ba trụ cột chính, bao gồm nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng khả năng phục hồi kinh tế vĩ mô và hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã nâng số tiền cho vay thuộc chương trình Quỹ Mở rộng (EFF) dành cho Ai Cập từ 3 tỷ USD lên 8 tỷ USD trong vòng bốn năm. Thỏa thuận với IMF nằm trong khuôn khổ các chính sách cải cách cơ cấu tổng thể cho nền kinh tế do Chính phủ Ai Cập đề xuất.
Mục tiêu của chương trình nhằm tăng dự trữ ngoại tệ mạnh, giảm nợ trong nước và ngoài nước, bảo đảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Ai Cập, giảm lạm phát, tạo cơ hội việc làm và tăng cường các chương trình bảo trợ xã hội. Sự hợp tác hiệu quả với IMF giúp Ai Cập đạt được các mục tiêu cải cách kinh tế.
Theo Chính phủ Ai Cập, WB, Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác phát triển của Ai Cập sẽ cung cấp các khoản vay ưu đãi mới cho nước này dựa trên thỏa thuận mới với IMF. EU vừa cam kết gói cho vay và tài trợ trị giá hơn 8 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế Ai Cập. Ai Cập cũng dự kiến nộp đơn lên Quỹ môi trường toàn cầu liên quan khoản vay khác từ 1 đến 1,2 tỷ USD. Các gói tài chính đang được “rót” mạnh là động lực để Chính phủ Ai Cập thực hiện các mục tiêu cải cách kinh tế nhằm đưa nước này trở lại quỹ đạo phát triển vững chắc.