Dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác cai nghiện ma túy

Hiện nay, cả nước có hơn 196 nghìn người nghiện ma túy, trong đó có hơn 97 nghìn người nghiện đang ở ngoài xã hội, chiếm tỷ lệ 50%. Tình trạng người sử dụng chất ma túy trái phép, người nghiện ma túy ở ngoài xã hội, không được theo dõi, quản lý đã gây ra nhiều vụ phạm pháp hình sự.
0:00 / 0:00
0:00
Các học viên được đào tạo nghề trong cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.
Các học viên được đào tạo nghề trong cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.

Ðáng báo động là số đối tượng “ngáo đá” bị rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi gây ra các vụ giết người, cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông… đặc biệt nghiêm trọng, làm chết, bị thương nhiều người, ngày càng tăng, khó kiểm soát, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Công tác cai nghiện chưa bao giờ dễ dàng

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhận định: Tại Hà Nội, có hơn 17,6 nghìn người nghiện, người sử dụng ma túy, chiếm 9,2% tổng số người nghiện trên toàn quốc. Hằng năm, số người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy có mặt tại cộng đồng lớn dẫn đến nguy cơ phức tạp về trật tự an toàn xã hội, tạo ra áp lực lớn đối với công tác cai nghiện. Xu hướng sử dụng các loại ma túy tổng hợp trong giới trẻ gia tăng nhưng chưa được rà soát, đánh giá, thống kê.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2022, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đã tổ chức cai nghiện cho hơn 63 nghìn người, trong đó số tiếp nhận mới là hơn 31 nghìn người; số tái hòa nhập cộng đồng là gần 33 nghìn người; gần 15,5 nghìn người bị quản lý sau cai nghiện, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn và các tỉnh Tây Bắc, bắc miền trung.

Hiện, cả nước có 22 cơ sở điều trị các đối tượng nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thuộc ngành lao động-thương binh và xã hội quản lý tại 18 tỉnh, thành phố. 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; 13 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập. Số người hoàn thành chương trình cai nghiện, được hỗ trợ, quản lý sau cai tại cộng đồng gần 20,5 nghìn người.

Theo Nghị định số 109/2021/NÐ-CP của Chính phủ ngày 8/12/2021 về quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy, 61/63 sở y tế tỉnh, thành phố công bố 3.521 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy. Tuy nhiên, nhiều cơ sở cai nghiện không bảo đảm về cơ sở vật chất, khu lưu trú dành riêng cho người nghiện ma túy.

Công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng tại nhiều địa phương chưa được triển khai hiệu quả do thiếu các tổ chức, cá nhân, đơn vị đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực cung cấp dịch vụ cai nghiện theo quy định. Ðáng chú ý, công tác xác định tình trạng nghiện ma túy tại nhiều địa phương hiệu quả còn hạn chế; công tác sau cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy chưa có sự tham gia tích cực của gia đình và bản thân người nghiện.

Phần lớn người nghiện, sử dụng chất ma túy trái phép không có công ăn việc làm ổn định, thường xuyên vắng mặt tại địa phương hoặc tìm cách trốn tránh, chống đối việc cảm hóa, giáo dục. Công tác quản lý, tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ vốn cho những người hoàn thành chương trình cai nghiện ở một số địa phương chưa được quan tâm thực hiện hiệu quả.

Tại Sơn La, tỉnh miền núi, biên giới, nằm trên tuyến địa bàn trọng điểm Tây Bắc, hằng năm, số vụ phạm tội ma túy luôn chiếm hơn 70% tổng số vụ phạm tội trên địa bàn. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân cho biết: Toàn tỉnh có gần 2,6 nghìn người nghiện ma túy, trong đó tại cơ sở y tế là 1,5 nghìn người, trong cơ sở giam giữ là gần 1 nghìn người.

Theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, có hai hình thức cai nghiện bắt buộc và tự nguyện. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức, cá nhân, đơn vị sự nghiệp công lập nào đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Nguyên nhân, do các điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng cao; chưa có chính sách cụ thể khuyến khích cá nhân, tổ chức đăng ký cung cấp dịch vụ.

Việc tổ chức điều trị nghiện bằng thuốc thay thế còn khó khăn do chỉ điều trị được đối với nghiện các chất thuốc phiện, hê-rô-in, còn đối với ma túy tổng hợp không có hiệu quả. Việc uống thuốc phải được thực hiện hằng ngày, dưới sự giám sát của cán bộ y tế, trong khi cơ sở cấp phát thuốc xa nơi cư trú của người nghiện dẫn đến nhiều trường hợp bỏ điều trị…

Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác phòng, chống ma túy năm 2023 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung khẳng định: Thời gian qua nếu như không có sự quyết liệt, hiệu quả của Bộ Công an, kết quả trong công tác cai nghiện khó có thể giữ được kết quả. Vấn đề cai nghiện ma túy chưa khi nào là dễ dàng đối với các địa phương.

Thời gian qua nếu như không có sự quyết liệt, hiệu quả của Bộ Công an, kết quả trong công tác cai nghiện khó có thể giữ được kết quả. Vấn đề cai nghiện ma túy chưa khi nào là dễ dàng đối với các địa phương.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung

Cụ thể, các cơ sở cai nghiện ma túy hiện nay đều quá tải, mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, không ít cơ sở luôn trong tình trạng quá tải gấp ba đến bốn lần. Số người nghiện đang có xu hướng ngày càng trẻ. Cơ sở cai nghiện công lập thiếu đội ngũ y, bác sĩ, hoặc không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh cho nên không đủ điều kiện, thẩm quyền xác định tình trạng nghiện theo quy định.

Các cơ sở cai nghiện ma túy nhìn chung đều xuống cấp; đội ngũ làm công tác cai nghiện còn gặp nhiều khó khăn, số lượng thiếu, yếu. Cơ sở y tế xã, phường không bảo đảm vật chất, khu lưu trú dành riêng cho người nghiện còn thiếu; xác định được người nghiện nhưng lại không có cơ sở để đưa họ vào giám sát hoặc bắt buộc cai nghiện.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an nêu rõ: Một số địa phương, nhất là ở cơ sở cấp ủy, chính quyền chưa huy động được sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy; thiếu cơ chế vận hành, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát trong phòng, chống ma túy. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành, cơ quan thiếu chặt chẽ, còn tình trạng “khoán trắng” cho lực lượng công an.

Công tác quản lý sau cai nghiện còn hạn chế, chưa có nhiều mô hình hiệu quả giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả đối với người sau cai nghiện, người chấp hành xong án phạt tù liên quan đến ma túy; kinh phí trong công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy tại nhiều địa phương còn hạn chế…

Giảm đầu “cầu”, tấn công đầu “cung”

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung kiến nghị: Thời gian tới, cần nâng cấp chính sách cho cán bộ, nhân viên, đầu tư hạ tầng, các cơ sở cai nghiện ma túy, nhất là những tỉnh hiện nay cơ sở cai nghiện đã xuống cấp, không đáp ứng được tình hình thực tế; đồng thời, cần tiếp tục tăng cường đầu tư tài chính phục vụ công tác cai nghiện, sau cai, phòng, chống AIDS, mại dâm, ma túy, tập trung đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên; đào tạo nghề ngay trong cơ sở cai nghiện cho số đối tượng nêu trên; đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, bảo đảm hiệu quả phòng, chống ma túy ở từng cấp, địa phương…

Về phía Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, phải làm giảm đầu “cầu” của người nghiện và tấn công đầu “cung” là những ổ nhóm, đường dây tội phạm ma túy thì mới có thể hạn chế được tình trạng người nghiện gia tăng. Ðể làm được điều này, các bộ, ngành, địa phương cần phải tính toán, giải quyết những phần việc cấp bách trước, không chờ tuần tự thời gian, nhiệm vụ đặt ra theo lộ trình.

Phải làm giảm đầu “cầu” của người nghiện và tấn công đầu “cung” là những ổ nhóm, đường dây tội phạm ma túy thì mới có thể hạn chế được tình trạng người nghiện gia tăng. Ðể làm được điều này, các bộ, ngành, địa phương cần phải tính toán, giải quyết những phần việc cấp bách trước, không chờ tuần tự thời gian, nhiệm vụ đặt ra theo lộ trình.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc

Phải bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố có cơ sở cai nghiện đạt chuẩn. Việc thiếu nhân lực có thể kêu gọi, bố trí lực lượng cán bộ ngành y tế đã về hưu tham gia. Tập trung đấu tranh, triệt xóa các cơ sở, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; tăng cường phối hợp các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, ngăn chặn để họ không trở thành người nghiện và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng tại hội nghị triển khai công tác phòng, chống ma túy năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm cho rằng, chỉ có gia đình nào có người thân bị nghiện ma túy, hoặc những người đang trực tiếp làm nhiệm vụ về phòng, chống ma túy, quản lý người nghiện mới thật sự thấu hiểu phần nào những đau khổ của gia đình, người thân, cũng như nỗi vất vả, khó khăn trong công tác này. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn trong thời gian tới, cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát.

Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan, các địa phương cần giải quyết sớm những yêu cầu về đầu tư về cơ sở hạ tầng tại các cơ sở cai nghiện, nhân lực quản lý, điều hành, đáp ứng được yêu cầu trong công tác phòng, chống ma túy. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế bắt tay ngay vào rà soát các thông tư, quy định có liên quan công tác quản lý, cai nghiện, tiền chất, phòng, chống ma túy, đi kịp và đi trước một bước trong phòng, chống ma túy.

Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính sớm rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, bố trí nguồn vốn cụ thể cho những hạng mục về trụ sở, cơ sở, con người, quản lý, phòng, chống ma túy, mại dâm, cai nghiện, sau cai nghiện; lãnh đạo ở từng địa phương phải nâng cao trách nhiệm, quan tâm dành nguồn lực cho nhiệm vụ này.