Hệ thống khuyến nông đồng hành, hỗ trợ nông dân

Với phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”, trên hành trình 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống khuyến nông cả nước giữ vai trò chủ lực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới đến với bà con nông dân. Bên cạnh đó, hệ thống khuyến nông còn đóng góp quan trọng vào phát triển sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào vùng khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình “Sản xuất lúa chất lượng J02 theo chuỗi giá trị hàng hóa tại Thanh Hóa” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai tại xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc. (Ảnh TRỌNG MINH)
Mô hình “Sản xuất lúa chất lượng J02 theo chuỗi giá trị hàng hóa tại Thanh Hóa” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai tại xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc. (Ảnh TRỌNG MINH)

Thời gian qua, hệ thống khuyến nông cả nước đã triển khai nhiều chương trình, dự án về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… để từng bước giúp hàng nghìn hộ dân vùng nông thôn được hưởng lợi.

Tạo sinh kế cho người dân

Những dự án khuyến nông Trung ương triển khai ở các địa phương trong cả nước thời gian qua để lại nhiều dấu ấn tích cực, góp phần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp người nông dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo; nhiều dự án, chương trình đã mở ra hướng sản xuất mới, tạo sinh kế cho người dân vùng nông thôn. Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp các tỉnh Quảng Trị, An Giang, Thái Nguyên triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học.

Tại tỉnh Quảng Trị, qua đánh giá bước đầu, mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học khẳng định được tiềm năng phát triển, khả năng thích nghi với điều kiện chăn nuôi của địa phương. Chất lượng gà thịt thơm ngon, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.

Là một trong những hộ được chọn tham gia dự án chăn nuôi gà an toàn sinh học, ông Trần Ngọc Huynh, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) cho biết: “Thời gian trước, gia đình tôi nuôi gà theo kiểu truyền thống cho nên gặp nhiều khó khăn do kinh nghiệm ít dẫn đến chi phí cao. Từ khi tham gia chăn nuôi gà an toàn sinh học của dự án, tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách phòng, điều trị một số bệnh thường gặp… do đó hiệu quả cao hơn so với trước kia. Dự kiến mỗi năm mô hình ấp nở và đưa ra thị trường hơn 100 nghìn gà giống phục vụ chăn nuôi của người dân trên địa bàn”.

Cũng từ năm 2021, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Phú Gia, huyện Phú Vang. Trên địa bàn xã, mô hình này có tám hộ tham gia với diện tích 4 ha, bước đầu cũng đang mang lại hiệu quả tốt.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Diệt, xã Phú Gia cho biết: “Nhiều năm trước, gia đình tôi nuôi xen ghép tôm và cua vì vậy hiệu quả không cao. Sau khi được tham gia vào mô hình nuôi chuyên cua gạch, với diện tích 6 sào, gia đình tôi ước thu hoạch được khoảng hai tạ cua, giá bán từ 350 đến 400 nghìn/kg, lợi nhuận cao hơn nhiều so với trước”.

Hệ thống khuyến nông đồng hành, hỗ trợ nông dân ảnh 1

Mô hình vườn ươm cây lâm nghiệp tại xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Theo thống kê, các chương trình khuyến nông trồng trọt luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu nội dung hoạt động khuyến nông với nhiều chương trình đa dạng và gắn với định hướng ưu tiên phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, có lợi thế cạnh tranh ở từng vùng miền, địa phương. Trong đó, trọng tâm là sự chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng nhằm hướng dẫn nông dân sử dụng quỹ đất hợp lý, từ đó giảm thiệt hại do thiên tai.

Các mô hình chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng màu, rau, hoa, cây ăn quả; mô hình chuyển đổi lúa-cá, tôm-lúa vùng đất trũng tại vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long... Riêng mô hình lúa-cá được mở rộng và đạt gần 200 nghìn ha, bình quân lợi nhuận từ 60 đến 80 triệu đồng/ha.

Diện tích canh tác mô hình tôm-lúa đạt hơn 200 nghìn ha, bình quân lợi nhuận 110 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, cả nước hằng năm có hơn 100 nghìn ha chuyển đổi từ sản xuất lúa sang cây ăn quả, ngô, lạc, rau, đậu các loại, cho thu nhập cao gấp 1,5 đến 2,5 lần so với trồng lúa.

Vai trò cầu nối của khuyến nông cộng đồng

Nhằm củng cố kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo hướng mở rộng đa chức năng dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời góp phần đa dạng các hoạt động khuyến nông phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng nông sản, ngày 25/3/2022, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.

Mục tiêu là xây dựng hệ thống các tổ khuyến nông cộng đồng đáp ứng yêu cầu vùng nguyên liệu đạt chuẩn ở 13 tỉnh, thành phố và phát triển nhân rộng trên cả nước. Sau một thời gian triển khai, đến nay ở 13 tỉnh, thành phố tham gia đề án đã thành lập được 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm với tổng số 168 thành viên và 562 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng với tổng số 4.276 thành viên.

Ngoài 13 địa phương tham gia đề án thí điểm, trên cả nước đã có thêm 30 địa phương thành lập khoảng 3.500 tổ khuyến nông cộng đồng. Hiện nay, đề án tổ khuyến nông cộng đồng đã vượt ra khỏi phạm vi đề án vì nó có tác động to lớn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của từng địa phương, doanh nghiệp và nông dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng, đến nay trên địa bàn đã thành lập được 136 tổ khuyến nông cộng đồng với 1.160 thành viên tham gia. Các tổ khuyến nông cộng đồng có chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân tham gia hợp tác xã; tư vấn thành lập hợp tác xã, chuyển giao kỹ thuật; hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; thông tin thị trường kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã.

Hiện nay, cơ bản các tổ đều xây dựng từ 1-2 mô hình về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; 52 tổ đã tư vấn liên kết sản xuất, kết nối thị trường; 27 tổ tư vấn quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc; 59 tổ làm dịch vụ giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp, bảo vệ thực vật, thú y đáp ứng được từ 30% số hộ/hợp tác xã trở lên.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng: “Giúp bà con tiếp cận đến công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là trách nhiệm của khuyến nông các cấp thông qua xây dựng các mô hình trực tiếp. Vì vậy, tổ khuyến nông cộng đồng hướng tới kết nối giữa cơ quan có công nghệ, chuyển giao công nghệ đến với người sản xuất. Đồng thời, kết nối người sản xuất với thị trường thông qua doanh nghiệp”.

Tại tọa đàm giải pháp nâng cao năng lực khuyến nông cơ sở thông qua kiện toàn tổ khuyến nông cộng đồng các tỉnh phía bắc được tổ chức vào tháng 8 vừa qua tại Lạng Sơn, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng: “Khuyến nông cộng đồng đã trở thành vấn đề mang tính thời sự và được cả xã hội quan tâm.

Các địa phương khi thành lập tổ khuyến nông cộng đồng phải quan tâm đến chất lượng và đào tạo khuyến nông cộng đồng theo hướng đa chức năng, gắn với xây dựng nông dân chuyên nghiệp; xây dựng đội ngũ nông nghiệp chất lượng cao. Mặt khác, trong quá trình triển khai tổ khuyến nông cộng đồng không nên nóng vội; cần xác định rõ vai trò của hoạt động khuyến nông bao phủ được hết toàn bộ nông dân”...

Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, đến nay đã tổ chức thành công 105 hội chợ với hơn 25.000 gian hàng của gần 12.000 đơn vị tham gia trưng bày triển lãm. Trong đó có hơn 12.000 gian hàng nông nghiệp trưng bày, giới thiệu thành tựu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp thu hút hàng triệu lượt người tham quan, mua sắm và trao đổi kinh nghiệm sản xuất.