Đồng hành cùng những cha mẹ hiếm muộn

NDO - Để chạm tới giấc mơ làm cha, làm mẹ, nhiều cặp vợ chồng đã phải hy sinh bao thời gian, công sức và tài chính chỉ vì hai từ “hiếm muộn”.
0:00 / 0:00
0:00
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền tư vấn cho các cha mẹ hiếm muộn.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền tư vấn cho các cha mẹ hiếm muộn.

Vợ chồng Đại úy Lê Thanh Khương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và chị Đoàn Thị Thúy cũng đã trải qua hành trình dài 5 năm để có được đứa con đầu lòng trong niềm hạnh phúc khôn xiết.

Lấy nhau từ năm 2017, anh Khương và chị Thúy sống cảnh xa nhau để anh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới tổ quốc tại Cao Bằng. Nhưng gần 1 năm ròng rã đi lại ngược xuôi gần 400km từ Thái Bình lên Cao Bằng, đôi vợ chồng trẻ vẫn chưa thấy tín hiệu có con.

Năm 2020, anh Lê Thanh Khương được chuyển đơn vị đóng quân dưới Hòa Bình. Khoảng thời gian này, anh chị quyết tâm tìm đến các phương pháp khoa học hỗ trợ sinh sản. 2 lần thụ tinh nhân tạo, kết quả anh chị vẫn không thành công.

Hiếm muộn gần 5 năm, gia đình vợ chồng anh Khương, chị Thúy “gõ cửa” khắp mọi nơi, điều trị không biết bao nhiêu loại thuốc, từ đông y đến tây y…

Gần 5 năm dài không có con, gia đình đã tiêu tốn quá nhiều chi phí vào việc chữa trị, mọi thu nhập của vợ chồng đều dồn hết vào “hành trình tìm con”. Đã có lúc, anh Khương chị Thúy muốn từ bỏ và bàn với nhau nhận con nuôi để thỏa lấp ước mơ được làm cha mẹ.

Đến năm 2021, nhờ lời giới thiệu của chị đồng nghiệp từng “tìm con thành công” tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, vợ chồng chị Thúy lại quyết tâm vay mượn thêm tài chính để lên bệnh viện khám.

Sau khi được bác sĩ chỉ rõ nguyên nhân và tư vấn hướng điều trị, anh chị quyết định thực hiện phương pháp IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) mong sớm đón được con yêu.

Sau bao ngày tháng vất vả ngược xuôi nhưng gặp nhiều thất bại, trong lần chuyển phôi cuối, may mắn đã mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ. Sau 9 tháng thai nghén, ngày 20/8/2022, hạnh phúc như vỡ òa khi bé Bắp chào đời nặng 3,5kg cùng sự kiên cường của vợ lính.

Câu chuyện tìm con của vợ chồng Đại úy Lê Thanh Khương và chị Đoàn Thị Thúy là một trong rất nhiều câu chuyện mải miết tìm con của các cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn.

Đồng hành cùng những cha mẹ hiếm muộn ảnh 1
Vợ chồng Đại úy Lê Thanh Khương và chị Đoàn Thị Thúy đã chào đón em bé đầu lòng kháu khỉnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc chuyên môn bệnh viện, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản chia sẻ, trong quá trình thăm khám và điều trị hiếm muộn ở bệnh viện, chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp là quân nhân. Với đặc thù phải công tác xa, có rất ít thời gian để dành cho gia đình, những đứa con chính là sợi dây gắn kết giữa những người lính nơi tiền tuyến xa xôi với hậu phương nơi quê nhà.

Chính vì vậy, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội muốn được sẻ chia, hỗ trợ nhiều hơn nữa để hành trình tìm con yêu của các gia đình được thuận lợi, dễ dàng hơn.

Từ khi triển khai chương trình cho đến nay, đã có hơn 1.000 lượt quân nhân đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện, trong đó có nhiều gia đình đã đón con yêu thành công trong niềm hạnh phúc thiêng liêng của cha mẹ.

Ngoài những hỗ trợ thăm khám, 10 gia đình quân nhân nhận được miễn phí 100% thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) năm 2021 đã có những kết quả bước đầu: 2 gia đình sinh bé khoẻ mạnh, 5 gia đình đang chờ sinh và các gia đình còn lại đang chờ chuyển phôi cũng như được hỗ trợ tốt nhất để sớm có tin vui.

Tháng 12/2022 tới đây, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội sẽ công bố danh sách 10 ca miễn phí 100% thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho 10 cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn.

Đây là một trong những hoạt động nổi bật nằm trong chương trình “Hỗ trợ Quân nhân hiếm muộn-Yêu thương lan tỏa” được bệnh viện tổ chức thường niên từ năm 2021.