Đồng hành cùng người dân vùng bão lũ miền bắc

Những ngày qua, câu chuyện về cứu trợ đồng bào các tỉnh miền bắc bị thiên tai, bão lũ được người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và đồng bào cả nước nói chung nhắc đến không ngừng nghỉ. Bên cạnh những lời động viên là những hành động khẩn trương, thiết thực để đưa người dân vùng lũ sớm trở lại với cuộc sống bình thường.
0:00 / 0:00
0:00
Bốc xếp hàng hóa cứu trợ để vận chuyển ra các địa phương bị ảnh hưởng bão lũ ở miền bắc.
Bốc xếp hàng hóa cứu trợ để vận chuyển ra các địa phương bị ảnh hưởng bão lũ ở miền bắc.

Tấm lòng người dân thành phố hướng về miền bắc

Một chiều cuối tuần trong tiết trời nắng mưa bất chợt, ôngTrần Tuấn Cầu, ngụ quận Bình Tân di chuyển bằng chiếc xe lăn cũ kỹ lên trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh để ủng hộ số tiền 300.000 đồng cho bà con đang gặp bão lũ ở miền bắc.

Quãng đường từ quận Bình Tân đến địa chỉ cần đến khá xa, phía trước xe, các xấp vé số chưa bán ông Cầu cẩn thận dùng tấm ni-lông che lại sợ lỡ trời có mưa. Được cán bộ của Mặt trận Tổ quốc thành phố ghi phiếu xác nhận cẩn thận ngay tại sảnh, ông Cầu vui lắm. Ông Cầu tâm sự: "Mấy ngày nay xem ti-vi mà thấy thương bà con quá. Những lúc như thế này, thấy mình ngồi trên xe lăn vẫn còn may mắn".

Cách đây mấy ngày, cán bộ Mặt trận Tổ quốc thành phố cũng đón một người dân đặc biệt, ông Hoàng Trung Hiếu, ngụ Phường 9, Quận 10. Ông Hiếu làm nghề giao hàng, cuộc sống cũng còn chật vật nhưng đã không băn khoăn khi "trích" một phần thu nhập của mình để giúp đồng bào miền bắc. Ông Hiếu đến trụ sở lần này cũng là một công đôi việc khi một số người bạn của ông ở nước ngoài ngỏ ý nhờ ông đến gửi kinh phí trợ giúp đồng bào lũ lụt. Qua lời kể của ông Hiếu, bạn của ông là Lê Thế Đức, đang là công nhân ở bang Texas (Mỹ), khi nghe tin đồng bào đang bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 nhưng không thể trực tiếp ủng hộ đã nhờ ông chuyển giúp.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Mấy ngày qua, nhiều kiều bào ở nước ngoài đã bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc và mong muốn được đóng góp giúp đỡ thông qua sự hỗ trợ của người thân, bạn bè ở thành phố.

Với giới văn nghệ sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, sau những giờ lao động miệt mài trên sân khấu, nhiều nghệ sĩ đã đồng lòng thực hiện sự đồng hành, chia sẻ cùng người dân miền bắc. Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Kim Chi, Ban Ái hữu nghệ sĩ Thành phố Hồ Chí Minh cùng các văn nghệ sĩ, khán giả đã đến Mặt trận Tổ quốc thành phố trao 300 triệu đồng trợ giúp đồng bào các tỉnh phía bắc bị ảnh hưởng do bão số 3.

Còn Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân đã dành số tiền bán vé thu được trong hai vở diễn "Bông cánh cò", "Mẹ và người tình" thông qua Mặt trận Tổ quốc Quận 3 để giúp đỡ đồng bào miền bắc. Đoàn tuồng cổ Huỳnh Long cũng quyết định góp 50 triệu đồng sau suất hát "Thập tứ nữ anh hào"…

Nghĩa đồng bào trong gian khó

Những ngày qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã huy động đóng góp tiền của, vật chất để gửi ra chia sẻ khó khăn với đồng bào miền bắc. Những hành động đó như một hiệu ứng lan nhanh tạo thành một khối sức mạnh vững chắc, tạo thành điểm tựa cho đồng bào ở miền bắc đang ngày đêm gồng mình với những khó khăn bủa vây chồng chất.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đợt vận động, kêu gọi ủng hộ người dân các tỉnh phía bắc bị ảnh hưởng do bão số 3 nhận được sự hưởng ứng rộng rãi trong cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp và người lao động, tất cả đều đồng lòng hỗ trợ ít nhất một ngày lương. Bên cạnh tiền mặt, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân cũng đóng góp hàng hóa thiết yếu như gạo, thực phẩm, nước uống… đến Quỹ Cứu trợ Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại sảnh các cơ quan Mặt trận Tổ quốc các cấp của thành phố, hàng chục tấn hàng hóa đã, đang và tiếp tục được chuyển đến đồng bào các tỉnh phía bắc. Nhiều hình thức đồng hành, chia sẻ với đồng bào vùng lũ cũng đã được triển khai. Toàn thành phố thực hiện việc hạn chế, giảm quy mô các sự kiện, lễ hội lớn; nhiều đơn vị không tổ chức khai trương dù đã lên kế hoạch; đồng thời, dùng toàn bộ số kinh phí dự kiến tổ chức đó để ủng hộ; các sự kiện quyên góp trong lĩnh vực thể thao, giáo dục,… cũng đã được tổ chức và nhận được sự chung tay, đồng hành của các tầng lớp nhân dân.

Ngày 18/9, 20 đội hình tình nguyện (cứu trợ, vận chuyển hàng hóa, khám, phát thuốc; dọn dẹp vệ sinh môi trường,…) gồm các bạn trẻ thành phố cũng đã lên đường tham gia khắc phục hậu quả và hỗ trợ nhân dân các tỉnh miền bắc. Lên đường với những chuyến hàng là nhu yếu phẩm cần thiết từ mấy ngày trước, các tình nguyện viên thuộc Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam (Food bank) đã tiếp cận được một số địa phương vùng tâm lũ để thực hiện công tác cứu trợ.

Anh Nguyễn Tuấn Khởi, người sáng lập dự án chia sẻ: Ngày 18 và 19/8, chúng tôi đã thực hiện việc ra mắt khẩn cấp Ngân hàng Thực phẩm Bắc Kạn và Cao Bằng để cùng với chính quyền địa phương chăm lo, giúp đỡ cho người dân vùng lũ.

Những khó khăn vẫn chưa thể qua đi trước sức tàn phá của thiên nhiên. Nhưng có lẽ, phần nào đó những tổn thương của đồng bào vùng lũ được bù đắp khi trong thời điểm khó khăn nhất, nhân dân cả nước lại một lòng chung sức giúp nhau vượt qua cơn bĩ cực. Khi cơn bão qua đi, thì lòng nhân ái lại như được nhân lên gấp bội.

Nhìn lại quá khứ, hiện tại cho thấy, trong khó khăn, hoạn nạn, tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách càng ngời sáng. Và một điều chắc chắn, truyền thống đó sẽ được lớp lớp thế hệ cháu con mai sau duy trì và phát huy ngày một mạnh mẽ hơn nữa.

Hàng chục nghìn trẻ em, học sinh trên địa bàn thành phố đã quyết định đập heo đất và dành toàn bộ số tiền tiết kiệm được để ủng hộ người dân các tỉnh miền bắc. Nhiều dòng tin nhắn, chân thành của các em khiến mọi người xúc động: "Con đang đi học nên không có nhiều tiền. Con mong được góp một phần xíu xiu để mong mọi người bình an và vượt qua khó khăn"; "Mình có món quà nhỏ gửi các bạn. Mong các bạn sớm được đến trường cùng thầy cô";… Số tiền các em chuyển khoản không nhiều nhưng lại trở nên vô cùng ấm áp với đồng bào vùng lũ.