Quảng Nam là tỉnh duy nhất trong 11 tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 5, vừa có biển, vừa có chung đường biên giới đất liền với nước bạn Lào. Hai huyện Tây Giang và Nam Giang có đường biên giới dài hơn 157,4 km giáp với huyện Ðắk Chưng, tỉnh Sê Kông có hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Cùng xây dựng hạ tầng vùng biên cương
Bảo vệ vững chắc biên giới, cán bộ, chiến sĩ Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 207 phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng phát triển kinh tế-xã hội, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh.
Ðiểm trường mầm non thôn Palan, xã La Êê (huyện Nam Giang), là nơi chăm sóc 30 cháu từ ba đến năm tuổi. Từng là điểm trường biên giới xa xôi, thiếu thốn cơ sở vật chất, nhưng trong nhiều năm qua, các chính sách ưu tiên của ngành giáo dục và Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 207 đã giúp đầu tư xây dựng phòng học, khu vui chơi, sinh hoạt tươm tất hơn.
Cô giáo Blúp Thị Do chia sẻ: Sự quan tâm của ngành giáo dục, cán bộ, chiến sĩ Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 207 giúp các cháu phát triển thể chất, tinh thần. Ðơn vị hỗ trợ thêm bữa ăn đầy đủ hơn, nâng chất lượng dinh dưỡng, giảm tỷ lệ thấp còi, nhẹ cân ở trẻ mầm non.
Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 207 đã xây dựng, hoàn thành 46 hạng mục công trình dân sinh, với tổng kinh phí hơn 102 tỷ đồng. Các công trình trường học, giao thông, nước sạch, thủy lợi, nhà ở cho hộ nghèo... được sử dụng hiệu quả, góp phần từng bước thay đổi diện mạo kinh tế-xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ở biên giới.
Bên cạnh đó, các đơn vị của Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 207 nghiên cứu, đổi mới, xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất mẫu hướng đến hình thành vùng nguyên liệu có giá trị hàng hóa cao, nâng thu nhập cho đồng bào vùng biên giới Việt-Lào.
Các mô hình kinh tế hộ gia đình tại hai huyện biên giới Nam Giang và Tây Giang, tỉnh Quảng Nam được từng bước thực hiện từ phương án, giải pháp đưa về từng thôn, xã, hộ gia đình. Cán bộ, chiến sĩ và lực lượng trí thức trẻ của Ðoàn cùng bám địa bàn để tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, cấp giống, dựng chuồng trại và cùng chăm sóc vật nuôi, cây trồng bước đầu cho người dân ở từng làng, bản.
Trong căn nhà sàn cao, vợ chồng anh A Lăng Khái chuẩn bị thức ăn mùa đông cho đàn dúi đang lớn. Ngô, nứa, tre là thức ăn chính, dễ tìm quanh làng giúp anh nuôi và tăng trưởng đàn dúi ngày càng tốt hơn.
Anh A Lăng Khái cho biết: Cuối năm 2023, Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 207 cấp dúi giống cho bà con và gia đình anh nhận 20 con giống. Từ hướng dẫn kỹ thuật thuần giống, cách cho ăn, chăm sóc theo mùa của cán bộ, chiến sĩ, anh Khái làm theo và thành công nâng đàn lên 40 con. Mỗi con dúi nặng từ một đến hơn hai ký, có giá gần 1,5 triệu đồng là nguồn thu chính cho anh trong những năm tới.
"Từ con dúi tự nhiên, các anh ở Ðoàn 207 thuần hóa, nhân giống rồi cấp cho dân. Tôi đang nhân đàn và sau này sẽ nhờ các anh hướng dẫn cách mua bán, hướng đến hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ", anh A Lăng Khái bộc bạch.
![]() |
Từ dúi giống của Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 207 (Quân khu 5), anh A Lăng Khái nhân đàn thành công, mở ra hướng làm ăn mới. |
Bám trụ biên giới, hỗ trợ nhân dân
Ðồng hành, hỗ trợ địa phương và nhân dân vùng biên giới tỉnh Quảng Nam, Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 207 đã xây dựng được 10 mô hình trồng trọt gồm: 30 ha chanh không hạt, cam vinh, bưởi da xanh; 40 ha lúa nước, ngô lai; tăng diện tích cỏ VA06, sắn, đẳng sâm, ba kích tím; ba mô hình chăn nuôi bò, dê, lợn, dúi…
Ðơn vị trực tiếp hỗ trợ 750 hộ nghèo phát triển sản xuất, thay đổi nhận thức nuôi trồng của đồng bào, tạo thêm việc làm tại chỗ, đưa giống mới có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, chăn nuôi. Sự tham gia của 132 lượt đội viên trí thức trẻ tình nguyện cùng đơn vị góp phần tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình sản xuất, chuyển giao kỹ thuật nuôi, trồng cho nhân dân và tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã La Êê A Viết Sơn cho biết: Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng La Êê, Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 207 cùng nhiều đơn vị đã gắn bó với địa phương và nhân dân. Ðoàn kinh tế cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở giúp nhân dân thoát nghèo bằng những phần việc cụ thể, sát thực như nhân rộng mô hình trồng cây, chăn nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân vùng biên giới, giúp địa phương xây dựng nông thôn mới vững chắc hơn.
Thượng tá Phạm Thanh Hiếu, Phó Ðoàn trưởng Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 207 chia sẻ: Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên đơn vị thực hiện phương châm bám dân, bám vùng biên giới để nỗ lực phát triển hạ tầng, chăm sóc sức khỏe nhân dân và góp phần mang đời sống văn hóa mới đến, vận động nhân dân bỏ các tập tục lạc hậu. Các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị không ngại khó, không ngại khổ khi đến những nơi xa xôi, với mong muốn mang tình yêu thương, trách nhiệm gắn chặt với nhân dân; đồng hành cùng địa phương phát triển kinh tế vùng đặc biệt khó khăn, giữ vững an ninh, quốc phòng vùng biên giới.