Đồng hành cùng doanh nghiệp trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số đang mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, tạo ra sự tăng trưởng nhanh hơn, giúp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu. Mặt khác, nó cũng chính là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp trụ vững trước sự biến động khó lường của thị trường sau đại dịch. Từ đó, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
EVNHANOI là một trong những đơn vị tiên phong của ngành điện áp dụng chuyển đổi số vào công tác điều độ hệ thống điện. (Ảnh BẢO TRÂN)
EVNHANOI là một trong những đơn vị tiên phong của ngành điện áp dụng chuyển đổi số vào công tác điều độ hệ thống điện. (Ảnh BẢO TRÂN)

Dù lợi ích của việc chuyển đổi số rất rõ ràng, song nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phản ánh đang gặp nhiều khó khăn, rào cản khi tiến hành công cuộc chuyển đổi số.

“Lạc lối” trong chuyển đổi số

Bà Vũ Thị Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục Hồng Đức chia sẻ, cách đây 5-7 năm, khi bắt đầu áp dụng chuyển đổi số, nhiều cán bộ, nhân viên của công ty chưa theo kịp công nghệ mới nên phản đối gay gắt vì cho rằng phức tạp, họ ngại khi phải làm lại từ đầu. Chưa kể lúc đó, do công ty “ôm” quá nhiều phần mềm về kế toán, quản lý bán hàng, vật tư, kho để sử dụng cho từng công đoạn trong sản xuất, kinh doanh, nhưng những ứng dụng này lại không có sự liên kết với nhau, thiếu đồng bộ trong truy xuất dữ liệu, nhân viên bị “lạc lối” trong “rừng phần mềm” nên dẫn tới sai sót, cả hệ thống hoạt động trục trặc.

Tuy nhiên, bằng quyết tâm cao độ, công ty đã tuyển đội ngũ nhân viên công nghệ dày dạn kinh nghiệm, có trình độ, sự nhiệt huyết để hỗ trợ các bộ phận liên quan làm quen dần và thích nghi các công cụ, phần mềm hỗ trợ. Đến nay, công cuộc chuyển đổi số tại công ty đạt hơn 85% và chỉ còn sử dụng duy nhất 1 phần mềm tích hợp quản lý từ khâu sản xuất đến bán hàng phù hợp doanh nghiệp. Mọi dữ liệu thông tin đã được đồng bộ hóa, hoạt động xuyên suốt; việc xử lý đơn hàng nhanh chóng, chính xác hơn, từ đó giúp ban lãnh đạo công ty đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời hơn trong sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp của Công ty gạch men Ceramic cũng tương tự. Ông Lê Thắng, Giám đốc công ty cho hay, vào khoảng năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Công ty gạch men Ceramic đã mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng dữ liệu tập trung, nâng cấp hệ thống thông tin nội bộ để nhân viên có thể xử lý các đơn hàng online tại nhà. Song trên thực tế, đó mới chỉ là những bước sơ khai, căn bản ban đầu, quá trình chuyển đổi số ở cấp cao hơn đòi hỏi trình độ nhân lực, nhận thức và nguồn lực tài chính rất lớn.

Ngoài ra, một bộ phận nhân viên khi làm quen với các phần mềm hoặc nền tảng số còn bỡ ngỡ, hiệu suất công việc lại giảm xuống, bởi không phải nhân viên nào cũng có thể thích ứng ngay. Chưa kể, đứng trước “mê cung” phần mềm, giải pháp số, các “ông chủ” cũng hết sức đau đầu, loay hoay lựa chọn cái nào phù hợp với đặc thù lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mình. Đồng thời, việc bỏ ra khoản chi phí lớn mua phần mềm, thuê server hoặc thuê nhân sự trình độ công nghệ cao, túc trực xử lý liên tục các tình huống, sự cố công nghệ thông tin phát sinh thì không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được,...

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện cả nước có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 97% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng thu ngân sách Nhà nước và thu hút hơn 5 triệu lao động. Thế nhưng, có đến hơn 60% doanh nghiệp phản ánh rào cản lớn nhất mà họ gặp phải khi triển khai chuyển đổi số là lo ngại về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% doanh nghiệp phản ánh khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của doanh nghiệp, người lao động.

Báo cáo phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Forrester (Mỹ) cũng cho thấy, chỉ có 11% doanh nghiệp thành công trong quá trình chuyển đổi số, 89% doanh nghiệp còn lại đang “lạc lối” trong quá trình chuyển đổi số với bốn lý do chính như: nhận thức sai lầm, không gắn kết được lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh, thiếu nguồn lực cần thiết và thiếu hệ sinh thái số thuận lợi.

Chìa khóa để phát triển bền vững

Có thể thấy, các thách thức phổ biến mà doanh nghiệp thường gặp trong quá trình chuyển đổi số liên quan đến vấn đề về nhận thức, lựa chọn công nghệ, hệ sinh thái, con người và năng lực tài chính để triển khai. Trong đó, theo nhận định của Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa, nhận thức và năng lực của doanh nghiệp về chuyển đổi số là vấn đề hết sức quan trọng và có yếu tố tiên quyết. Để thành công, doanh nghiệp cần được cung cấp đầy đủ thông tin nhằm hiểu đúng và lựa chọn cho mình chiến lược, lộ trình chuyển đổi số hiệu quả.

Nó không chỉ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực quản trị mà còn hỗ trợ cho hành trình phát triển trong tương lai một cách ổn định và bền vững, trước những tác động khó lường của thị trường khu vực và trên thế giới. Nếu thực hiện thành công chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ có năng lực cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng vượt trội so các doanh nghiệp còn lại. Điều này cũng đã được minh chứng sau hơn 2 năm doanh nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

Do đó, muốn chuyển đổi số thành công, trước hết phải có sự quyết tâm từ người lãnh đạo cao nhất, họ phải hiểu rõ về doanh nghiệp của mình, biết cần chú trọng làm gì trước để tránh bị “choáng ngợp” trước sự thay đổi như vũ bão của công nghệ. Tiếp đến, cần tìm hiểu cách làm của quốc tế và trong nước, học hỏi từ các doanh nghiệp đi trước để rút kinh nghiệm, tìm ra con đường riêng cho mình.

Ngành viễn thông và công nghệ thông tin nước ta đang ở trình độ công nghệ tương đối hoàn thiện, là tiền đề hết sức thuận lợi cho hạ tầng kỹ thuật số, kết nối số và các nền tảng ứng dụng số phát triển. Đây cũng là các yếu tố cần thiết cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ và doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình số hóa và chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng, việc tận dụng và nắm bắt cơ hội phụ thuộc rất lớn vào sự đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nhân lực số.

Để tận dụng cơ hội này, thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã quan tâm và chú trọng thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học đổi mới sáng tạo. Ở cấp cao nhất, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đã và đang xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh. Nhờ đó, đến nay hoạt động chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá đang diễn ra rất mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành “điểm sáng” trong ứng dụng các giải pháp phần mềm, nền tảng số hiện đại vào hoạt động quản lý kế toán, tài chính, bán hàng, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp hơn trong nền kinh tế số.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Wincom Đỗ Hoàng Hải phân tích, chi phí công nghệ trong chuyển đổi số chỉ chiếm khoảng 20% tổng chi phí, vì vậy tư duy và sự am hiểu về chuyển đổi số mới là yếu tố quyết định. Việc mua phần mềm ứng dụng vào hoạt động kinh doanh không khó, vấn đề là phải khai thác được giá trị của nó.

Muốn vậy, chủ doanh nghiệp phải hiểu rõ những vấn đề nội tại của mình, cách thức cần giải quyết như thế nào. Chỉ khi đặt ra đề bài, quy trình rõ ràng mới có cơ sở để làm việc với đối tác về chuyển đổi số, khi đó họ cũng nắm và hiểu rõ các vấn đề của doanh nghiệp, từ đó đưa ra phương án triển khai một cách phù hợp và hiệu quả. “Chuyển đổi số dứt khoát không phải trào lưu nhất thời, “đua đòi” chạy theo như mốt thời trang, ứng dụng quá nhiều phần mềm không phù hợp để nảy sinh thành món nợ công nghệ.

Chuyển đổi số phải được thực hiện dựa trên năng lực và thực trạng của từng doanh nghiệp, phải hướng tới mục tiêu cuối cùng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Nếu thực hiện chuyển đổi số khiến doanh nghiệp khó khăn hơn trong vận hành, kết quả kinh doanh chậm cải thiện, có nghĩa quá trình chuyển đổi số đó chưa thể coi là thành công”, ông Đỗ Hoàng Hải khẳng định.