Đông Dư phát triển kinh tế nhờ cây ổi găng

Nằm bên bờ sông Hồng, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm (Hà Nội) được thiên nhiên ưu ái cho những bãi bồi phù sa, đất đai màu mỡ. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với các loại rau màu mà còn có thêm đặc sản ổi găng được nhiều người biết đến. 
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tới tham quan, trải nghiệm tại vườn ổi xã Đông Dư, huyện Gia Lâm (Hà Nội). (Ảnh: QUANG HUY)
Du khách tới tham quan, trải nghiệm tại vườn ổi xã Đông Dư, huyện Gia Lâm (Hà Nội). (Ảnh: QUANG HUY)

Cây ổi bén duyên với mảnh đất Đông Dư khoảng hơn 30 năm nay nhưng phát triển mạnh mẽ nhất là trong giai đoạn 2005-2015.

Từ cây bóng mát thành vùng chuyên canh

Theo những người dân ở Đông Dư, những năm 1990, cây ổi chủ yếu được người dân trồng trong vườn nhà, làm hàng rào cho bóng mát. Dần dà, nhận thấy đây là giống ổi ngon có tiềm năng phát triển kinh tế, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Dư đã hướng dẫn bà con mở rộng diện tích.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Dư Nguyễn Quang Huy cho biết: “Thời điểm đó, trên thị trường chưa có nhiều giống ổi ngon. Ổi Đông Dư có hình cầu, khi chín quả có màu xanh sáng hoặc vàng sáng, vỏ sần, thịt quả màu trắng xanh, ăn giòn, ngọt, đặc biệt có mùi thơm đặc trưng, cho nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Cây ổi bước vào thời kỳ hoàng kim, được giá bán, thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Trong giai đoạn những năm 2005-2015, người người, nhà nhà ở Đông Dư đều trồng ổi. Từ đây, cây ổi trở thành cây trồng mũi nhọn”.

Ổi Đông Dư có hình cầu, khi chín quả có màu xanh sáng hoặc vàng sáng, vỏ sần, thịt quả màu trắng xanh, ăn giòn, ngọt, đặc biệt có mùi thơm đặc trưng, cho nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Dư Nguyễn Quang Huy

Xã Đông Dư có hơn 120ha đất sản xuất nông nghiệp thì có tới 105ha trồng ổi với hơn 700 hộ tham gia sản xuất, còn lại khoảng hơn 10ha trồng rau màu. Ổi Ðông Dư dễ trồng, chiết cành sáu tháng đã bói hoa, sau một năm là cho quả. Đặc biệt, cây cho quả suốt bốn mùa, nhưng sai nhất vào hai thời điểm chính vụ từ tháng 3 đến tháng 4 và từ tháng 8 đến tháng 9 dương lịch. Hiện nay, sản lượng ổi Đông Dư khá ổn định, đạt trung bình từ 27-30 tấn/ha/năm. Ổi bán tại vườn có giá 10.000 đồng-20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu vào người dân thu lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng/ha. Với giá bán này, cây ổi cho thu nhập cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa.

Những ngày này đến Đông Dư, dọc hai bên đường xe cộ ra vào tấp nập. Từ tờ mờ sáng, bà con đã rọi đèn thu hoạch ổi để kịp giao hàng cho khách. Việc tiêu thụ khá thuận lợi, đa phần thương lái ra tận ruộng thu mua. Ngoài thương lái nhỏ lẻ, ở Đông Dư hiện có hơn 10 hộ làm đầu mối thu mua ổi. Vào thời điểm chính vụ mỗi ngày có tới 50-70 tấn ổi từ Đông Dư chuyển vào nội thành Hà Nội và các địa phương lân cận.

Tiềm năng phát triển du lịch

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, ổi Đông Dư đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm ổi găng. Đến năm 2021, sản phẩm ổi Đông Dư được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Nhờ vậy, ổi găng Đông Dư được khẳng định chất lượng, có cơ hội quảng bá rộng rãi, được người tiêu dùng tin tưởng, biết đến nhiều hơn, tạo điều kiện cho người nông dân phát triển kinh tế.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Dư Nguyễn Quang Huy, để có được thành quả trên, những năm qua chính quyền địa phương đã có nhiều hỗ trợ giúp người dân Đông Dư phát triển sản phẩm ổi. Cụ thể, hằng năm, huyện Gia Lâm hỗ trợ người dân chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây, hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, huyện còn xây dựng các mô hình canh tác ổi VietGAP, nhờ vậy Đông Dư hiện có hơn 20ha ổi VietGAP. Để người dân có nguồn nước tưới an toàn, huyện còn làm hơn 100 giếng nội đồng. Chính quyền xã Đông Dư cũng tích cực làm các tuyến đường cấp phối nội đồng, tạo điều kiện cho người dân trong quá trình chăm sóc cây, cũng như giao thương.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm ổi, ngoài việc hướng dẫn bà con canh tác tập trung, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Dư còn chú trọng vào việc bình tuyển, lựa chọn một số cây đầu dòng tạo nguồn gen ổn định phục vụ nhu cầu sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc, nâng cao năng suất. Khuyến cáo người dân sử dụng phân bón hữu cơ chăm bón cho cây. Khi có sâu bệnh hại cây, ưu tiên xử lý bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học phải sử dụng thuốc thế hệ mới và tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng lúc, đúng cách).

Thời gian qua, bên cạnh khách tới mua ổi còn có nhiều đoàn khách đến Đông Dư tham quan, trải nghiệm tại vườn. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở địa phương hiện nay còn manh mún và tự phát. Nếu Đông Dư trở thành một điểm dừng trong tuyến tham quan du lịch làng nghề gốm cổ Bát Tràng thì sẽ mở ra cơ hội phát triển du lịch chuyên nghiệp cho bà con. Tôi tin điểm dừng tại Đông Dư sẽ tạo điểm nhấn cho tour bằng việc cho du khách thưởng thức, khám phá vườn ổi và trải nghiệm sản phẩm ổi đặc sản của địa phương. Để có thể khai thác tiềm năng du lịch này, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của các cấp, các ngành.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Dư Nguyễn Quang Huy

Từ triền đê sông Hồng nhìn ra xa là một vùng xanh ngút ngàn của cây ổi Đông Dư. Ngoài việc tạo ra nông sản, nơi đây còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Dư Nguyễn Quang Huy cho biết, thời gian qua, bên cạnh khách tới mua ổi còn có nhiều đoàn khách đến Đông Dư tham quan, trải nghiệm tại vườn. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở địa phương hiện nay còn manh mún và tự phát. Nếu Đông Dư trở thành một điểm dừng trong tuyến tham quan du lịch làng nghề gốm cổ Bát Tràng thì sẽ mở ra cơ hội phát triển du lịch chuyên nghiệp cho bà con. Tôi tin điểm dừng tại Đông Dư sẽ tạo điểm nhấn cho tour bằng việc cho du khách thưởng thức, khám phá vườn ổi và trải nghiệm sản phẩm ổi đặc sản của địa phương. Để có thể khai thác tiềm năng du lịch này, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của các cấp, các ngành.