Những ngày qua, hàng nghìn tổ chức, cá nhân đã cùng nhau hướng về miền trung để sẻ chia, hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả mưa lũ. Bên cạnh việc ghi nhận những nghĩa cử thắm tình đồng bào thì việc hỗ trợ, cấp phát lương thực, thực phẩm tại vùng lũ phát sinh ra những yêu cầu mới đòi hỏi các tổ chức, cá nhân cần tính toán phương án hỗ trợ phù hợp.
Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, rồi các diễn đàn trên mạng xã hội, cùng với chính quyền các cấp, rất nhiều cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi, vận động ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền trung. Từ những người nổi tiếng, những nhóm thiện nguyện, những khu dân cư, công sở, trường học,… đâu đâu cũng có thể bắt gặp những lời kêu gọi, những hình ảnh, hoạt động cứu trợ.
Cẩm Xuyên được coi là “rốn lũ” lần này của Hà Tĩnh. Trong cơn lũ dữ, nhiều gia đình bị cô lập, thiếu thốn lương thực. Sau lũ, nỗi lo về cơm áo, gạo tiền trong những ngày sắp tới đang hiện hữu. Thấu hiểu được hoàn cảnh của người dân vùng lũ, các đoàn cứu trợ đang ưu tiên hướng về “tâm lũ” Cẩm Xuyên mong chia sẻ khó khăn với bà con.
Theo quan sát của phóng viên, tại thời điểm nước lũ bắt đầu rút, rất nhiều đoàn thiện nguyện đã nối đuôi nhau theo quốc lộ 1A, đường Cứu hộ kẻ gỗ… về với các xã Cẩm Duệ, Cẩm Quang, Cẩm Thạch…
Điều đáng ghi nhận, không chỉ hỗ trợ bà con về lương thực, thực phẩm, nhiều tổ chức cá nhân còn vận chuyển cả thuyền, xuồng vào để chở hàng cứu trợ đến tận tay người dân. Trong khó khăn hoạn nạn, sự chia sẻ của cộng đồng đối với người dân vùng lũ vô cùng đáng quý, giúp người dân vùng lũ ấm lòng và yên tâm chống chọi với thiên tai.
Theo số liệu từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, tính đến ngày 22-10 đã có 320 tổ chức đăng ký ủng hộ bà con vùng lũ Hà Tĩnh 23 tỷ đồng. Ngoài ra có rất nhiều đoàn thiện nguyện về ủng hộ trực tiếp tại các xã, thôn vùng ngập lụt. Sự chia sẻ kịp thời của cộng đồng xã hội đã góp phần động viên, hỗ trợ người dân nỗ lực vươn lên, sớm khắc phục những hậu quả do mưa lũ gây ra.
Tương tự tại Quảng Bình, trước những thiệt hại to lớn của người dân vùng lũ, ngay cả khi nước đang lên, nhiều nhóm, cá nhân thiện nguyện đã nấu cơm, gói bánh, mua mì tôm, nước uống rồi thuê thuyền chuyển đến cứu trợ người dân bị ngập sâu. Tấm lòng đó, hành động đó đã giúp bà con vượt qua cái đói, khát giữa bộn bề nước lũ bao vây.
Với sự chỉ đạo quyết liệt và phương án cứu trợ phù hợp trong thời điểm hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy bị ngập sâu, từ trưa 20-10, số hàng cứu trợ của tỉnh cấp và của các tổ chức thiện nguyện ủng hộ gồm các loại lương khô, mì tôm, sữa, xúc xích, nước đóng chai… đã được phân phối đến tận tay bà con.
Đến chiều 22-10, với sự tham gia tích cực của các lực lượng chức năng cùng các tổ chức, cá nhân... người dân hai huyện vùng lũ Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình) cơ bản được cung cấp thực phẩm, trước mắt không còn bị đói, khát.
Từ một, hai nhóm tự phát, sau đó trở thành phong trào quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng lũ. Đây là việc làm rất đáng quý thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, do tự phát nên nhiều đoàn thiện nguyện thiếu thông tin, không hiểu địa hình khi đến cứu trợ nên xảy ra tình trạng cứu trợ chưa đúng đối tượng, nơi thuận lợi thì trao quà nhiều lần, nơi ngập sâu, khó khăn thì ít ai đến.
Tại Quảng Bình, có nhiều đoàn thuê thuyền đi chở nhiều hàng hóa, trong khi sóng lớn gió to nên bị lật thuyền, rất may được cứu trợ kịp thời nên an toàn. Về phía địa phương, do không nắm hết thông tin, số liệu về đoàn đến cứu trợ nên lúng túng trong việc điều phối, phân phát quà cứu trợ, tạo nên sự thiếu công bằng trong từng khu dân cư bị thiệt hại do lũ.
Tại Hà Tĩnh, theo quan sát của phóng viên, trong những ngày đầu nước lũ rút, hàng trăm đoàn cứu trợ không thể tiếp cận được với người dân do tất cả mọi ngả đường đều ngập sâu trong nước, phương tiện di chuyển chỉ có thể là thuyền và ca-nô.
Trong lúc này, phương tiện thuyền và ca-nô đang được lực lượng vũ trang Hà Tĩnh dành cho công tác ứng cứu người dân nên các phần quà hỗ trợ bị “tắc” trên đường, khiến một số thành viên của các đoàn thiện nguyện lo lắng, bức xúc.
Theo chia sẻ của Công an huyện Cẩm Xuyên, do không đăng ký kế hoạch và phối hợp với địa phương, nhiều đoàn từ thiện đã vào sâu trong khu vực ngập lũ. Trong bối cảnh nước lũ dâng cao, chảy xiết, xuồng cao su của các đoàn cứu trợ bị các vật chìm dưới nước đâm thủng, lực lượng công an lại phải dùng thuyền cứu hộ chạy theo để ứng cứu.
Đồng chí Võ Tá Kỷ, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, chia sẻ, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tình hình, mức độ nghiêm trọng của lũ lụt năm nay được bà con trong và ngoài tỉnh cập nhận thường xuyên, chúng tôi liên tục nhận được sự sẻ chia của đồng bào. Năm nay số đoàn và lượng hàng cứu trợ về xã cũng đông hơn, bên cạnh những hiệu ứng tích cực, hiệu quả cao thì quá trình ủng hộ của một số đoàn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Do không phối hợp với địa phương xây dựng được kế hoạch, phương án để hỗ trợ người dân nên tại một số thôn đã xuất hiện tình trạng “nơi thừa, nơi thiếu”, “nơi cần thì không có, nơi có thì chưa cần”.
Đơn cử, có nhiều đoàn mặc dù đã đặt chân đến vùng ngập lụt nhưng tại thời điểm đó, khu vực này nước đã rút, thế là họ lại quay đi chỗ khác vì nghĩ ở đây không ngập và họ tìm đến những nơi đang còn nước lũ để hỗ trợ, dù mức thiệt hại và khó khăn ở hai khu vực đó là tương đương nhau.
Trong hai ngày đầu bị nước bủa vây, người dân rất cần bánh, mì tôm, nước nhưng khi nước rút nhu cầu về gạo, nước mắm, nhất là giống cây con, sách vở, quần áo, thuốc men lại nhiều hơn nhưng các đoàn cứu trợ lại vận chuyển nhiều bánh, nước và mỳ tôm đến.
Lãnh đạo xã Thạch Thắng (huyện Thạch Hà) cũng chia sẻ tâm tư, cả xã được hai xuồng máy để ưu tiên cho công tác cứu hộ, xử lý các tình huống nguy cấp thì đoàn từ thiện nào đến cũng yêu cầu xã phải điều xuồng cho các đoàn trực tiếp đến tặng quà cho người dân, chúng tôi huy động chưa kịp, một số anh, chị tỏ thái độ bức xúc.
Theo lãnh đạo các địa phương, các đoàn thiện nguyện ở xa, khi đến địa phương nên thông báo với với Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện và chính quyền cơ sở các xã để được phối hợp, hướng dẫn đến các điểm cần cứu trợ (đặc biệt là đối với những vùng bị ngập sâu và kéo dài, những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn) một cách nhanh nhất, trao quà tận tay cho người dân được chu đáo. Đồng thời, cơ sở sẽ hướng dẫn để bảo đảm việc đi lại cho nhà tài trợ, thiện nguyện được an toàn.
Từ đó, món quà cứu trợ của đơn vị, tổ chức và cá nhân nhà hảo tâm mới đi đến đúng địa chỉ, mang lại giá trị thiết thực. Cũng thông qua sự trợ giúp của chính quyền hoặc tổ chức Mặt trận, cách di chuyển của phương tiện chở hàng hóa sẽ an toàn hơn bởi hiện nay đường sá ở vùng lũ hư hỏng nhiều điểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.
Ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị khẳng định, khi các đoàn thiện nguyện có liên hệ, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ kịp thời chia sẻ thông tin thiệt hại; định hướng tài trợ những địa chỉ cấp thiết. Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị mong muốn nhà tài trợ tham khảo ý kiến để chuẩn bị hàng hóa phù hợp nhất với nhân dân vùng lũ.
Hiện, người dân Quảng Trị cần cứu trợ ngoài tiền mặt để sắm sửa trang bị cho cuộc sống; thì còn cần gạo, nhu yếu phẩm, chăn, màn, áo quần, đồ dùng gia đình để bà con có sử dụng kịp thời; sách vở, bàn ghế học sinh để các cháu, các trường có học trở lại; phương tiện cứu hộ như ghe, thuyền là rất cần thiết...
Ngoài ra, người dân cần giống cây trồng, con nuôi để ổn định sản xuất sau khi nước rút. Hiện 100% hàng cứu trợ về theo kênh Ủy ban MTTQ tỉnh đã được cơ quan này kịp thời gửi về cứu trợ cho nhân dân vùng lũ trong tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 24-10, lãnh đạo Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, đối với tỉnh, đã qua giai đoạn hỗ trợ khẩn cấp và hiện chuyển sang giai đoạn hỗ trợ phục hồi, tái thiết như cây giống, con giống, khôi phục cơ sở hạ tầng như trường học, giao thông…
Với các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chuyển đến nhiều, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, các cấp cơ sở phải nắm chắc “nơi nào cần hỗ trợ, hộ nào cần hỗ trợ, hỗ trợ cái gì” để điều phối hợp lý.
Theo phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Quảng Bình, sáng 23-10, công tác cứu trợ tại vũng lũ Quảng Bình được tiến hành rất khẩn trương để người dân sớm ổn định cuộc sống, đồng thời chuẩn bị ứng phó với bão số 8.
Hầu hết các đoàn cứu trợ đều thông qua chính quyền và Mặt trận cũng như các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Hội nông dân nên cách thức tổ chức và hiệu quả thấy rõ.
Hơn ai hết, chính quyền cơ sở và các tổ chức chính trị xã hội biết rõ hơn về tình hình ngập lụt, thiệt hại của người dân, của hội viên, từ đó có cách điều phối cứu trợ một cách hợp lý, hợp tình trên trên cơ sở chia sẻ sự mất mát và cả nỗi đau do trận lũ lịch sử này gây ra.
Hướng về người dân vùng lũ lụt, những ngày qua các tổ chức, cá nhân từ thiện khắp mọi miền đất nước đã không quản ngại gió mưa, hiểm nguy mong muốn góp phần chia sẻ khó khăn cho đồng bào trong lúc hoạn nạn.
Để những món quà thiện nguyện phát huy hiệu quả thiết nghĩ, chính quyền các địa phương cần nắm bắt tình hình, nhu cầu của bà con để định hướng cho các tổ chức, đoàn thể trong việc lựa chọn phương án cứu trợ, tính toán lại số lượng thực phẩm để phân chia nguồn quỹ hợp lý, thiết thực, ý nghĩa.
Cùng với đó, các tổ chức cần giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để đưa nguồn hàng về đúng thời điểm, đối tượng, phát huy tối ưu việc làm cứu trợ nhân dân vùng lũ.
Ngày xuất bản: 25-10-2020
Tổ chức thực hiện: NGÔ VIỆT ANH
Nội dung: LÂM QUANG HUY – HƯƠNG GIANG – NGÔ TUẤN – BÔNG MAI
Ảnh: HÀ NAM
Trình bày: BÔNG MAI