Dồn sức xây nhà ở xã hội

Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, vốn, chính sách ưu đãi doanh nghiệp, mở rộng đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội… là những giải pháp sẽ được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị triển khai sau đợt giám sát với 17 sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Ðức vừa qua.
0:00 / 0:00
0:00
Một dự án nhà ở xã hội tại quận Tân Bình chậm triển khai do vướng thủ tục.
Một dự án nhà ở xã hội tại quận Tân Bình chậm triển khai do vướng thủ tục.

Gỡ vướng từng bất cập

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Ðức cho biết, theo quy hoạch, giai đoạn 2016-2025, Thủ Ðức sẽ xây dựng 34 dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay, thành phố mới hoàn thành sáu dự án nhà ở xã hội với 5.960 căn hộ; đang thực hiện đầu tư xây dựng hai dự án nhà ở xã hội với 1.490 căn hộ và một dự án nhà lưu trú để công nhân thuê với 1.040 căn hộ. Các dự án còn lại mới dừng lại ở bước lập quy hoạch và thực hiện các thủ tục pháp lý tiếp theo.

Ông Phùng cho rằng, nguyên nhân khiến số lượng dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Thủ Ðức chưa đạt kế hoạch là do nguồn vốn ngân sách của địa phương còn hạn hẹp, các doanh nghiệp chỉ chú trọng tập trung đầu tư phát triển nhà ở thương mại để kinh doanh, chưa ưu tiên phát triển nhà ở xã hội. Thủ tục pháp lý triển khai đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội còn kéo dài.

Tương tự, theo Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, giai đoạn 2016-2020, huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 3.222 căn hộ nhà ở xã hội; đang thực hiện công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng 1.344 căn. Tính tổng, trên địa bàn huyện Bình Chánh có 19 dự án triển khai chậm tiến độ hoặc chưa triển khai với hàng loạt vướng mắc liên quan tới công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, pháp lý đất đai, giao thuê đất, chưa thực hiện nghĩa vụ 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, khó khăn tài chính…

Điều phi lý đang tồn tại là xây dựng nhà ở xã hội lợi nhuận thấp nhưng lại khó và phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại do vấn đề xác nhận đối tượng thụ hưởng phải đồng thời bảo đảm ba điều kiện về cư trú, nhà ở và thu nhập. Trong đó, việc xác nhận đối tượng có nhà ở hay không cũng khó khăn, bất cập. Quy định đối tượng không đóng thuế thu nhập cá nhân thường xuyên cũng gặp khó. Ông cho rằng, ba điều kiện này không khớp thực tế, cần điều chỉnh.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh

Giải pháp nào?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để tháo gỡ căn cơ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội, trước mắt, thành phố cần nỗ lực cùng trung ương xây dựng, hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo quỹ đất, tạo nguồn vốn ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ cho người mua, thuê mua.

Ðồng thời với cơ chế đặc thù, thành phố ban hành chính sách ưu đãi tín dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất thấp hơn quy định hiện nay là 4,8%-5%/năm và được vay dài hạn (quy định hiện nay là tối đa 25 năm).

Trước khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Ðức theo dõi, hỗ trợ chủ đầu tư các dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, thẩm định giá, điều chỉnh quy hoạch, thi công... nhằm bảo đảm tiến độ đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Về giá bán nhà ở xã hội, theo ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đầu tư dự án phải có trách nhiệm khảo sát nhu cầu trên địa bàn để tính toán quy mô của căn hộ, tỷ lệ phân bổ giữa các loại căn hộ nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân; từ đó tham mưu giá bán, giá cho thuê cho chính quyền địa phương, làm sao để người trong diện chính sách, công nhân, người thuộc diện mua nhà ở xã hội dễ dàng tiếp cận.

Các dự án nhà ở xã hội đang triển khai chậm tiến độ, hoặc chưa triển khai liên quan đến pháp lý dự án, thủ tục về đất đai, giao thuê đất, điều chỉnh chủ trương đầu tư… Trách nhiệm vừa thuộc chủ đầu tư, vừa thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ngành, địa phương liên quan trong công tác phối hợp, quản lý, điều hành, xử lý và tháo gỡ vướng mắc.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Ngay cả trong báo cáo, các địa phương vẫn chủ yếu thống kê và cung cấp tiến độ, nguyên nhân chậm hoặc chưa triển khai mà chưa có đề xuất giải pháp, hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án, nhất là các dự án nhà ở xã hội được duyệt quy hoạch nhưng chưa hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nhóm giải pháp để phát triển các dự án nhà ở xã hội. Ðó là rà soát quỹ đất nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại (33 dự án), triển khai xây dựng ngay 14 dự án đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng; rà soát, sắp xếp lại quỹ đất do Nhà nước quản lý để điều chỉnh quy hoạch, bổ sung chỉ tiêu nhà ở xã hội để đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư; rà soát toàn bộ quỹ đất nông nghiệp, các quỹ đất có quy mô lớn để kêu gọi đầu tư nhằm giảm giá thành giá bán nhà ở xã hội.

Về thủ tục hành chính, Sở Xây dựng đã tham mưu lãnh đạo thành phố rút ngắn quy trình từ 345 ngày xuống còn 153 ngày làm thủ tục đối với dự án có nguồn gốc đất của tư nhân và từ 540 ngày xuống còn 300 ngày với các dự án nguồn gốc đất công; đồng thời ủy quyền, phân công cho Ủy ban nhân dân các địa phương thực hiện các thủ tục đầu tư về nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trên địa bàn, hoàn thành trong những tháng cuối năm 2023.