Dồn nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới Đắk Nông

NDO - Đắk Nông có 7 xã biên giới, với 141km đường biên (trong đó có những đoạn chưa phân định) giáp ranh với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Những năm qua, các cấp, chính quyền địa phương đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện, đặc biệt là đầu tư phát triển hạ tầng thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế vùng “phên dậu” của Tổ quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù địa phương đã ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng nhưng hoạt động thương mại ở khu vực biên giới Đắk Nông vẫn còn chậm phát triển.
Mặc dù địa phương đã ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng nhưng hoạt động thương mại ở khu vực biên giới Đắk Nông vẫn còn chậm phát triển.

Trên tuyến biên giới Đắk Nông hiện có 2 cửa khẩu gồm Bu Prăng tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức và Đắk Per tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil và 4 chợ gồm chợ xã Thuận An, huyện Đắk Mil; chợ xã Đắk Wil, huyện Cư Jút; chợ xã Quảng Trực, chợ xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa của nhân dân khu vực biên giới, giao thương với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia và các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển (Việt Nam-Lào-Campuchia). Giao thương khu vực biên giới góp phần nâng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2021 của tỉnh Đắk Nông lần lượt đạt 1,8 triệu USD và 2,79 triệu USD; 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu đạt 1 triệu USD, nhập khẩu đạt 685 nghìn USD.

Để ổn định, phát triển toàn diện, nhất là nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, thời gian qua, Đắk Nông đã ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Trung ương, địa phương đầu tư với hàng nghìn tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, ổn định dân cư, phát triển sản xuất, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nhằm bảo đảm nhu cầu đời sống dân cư khu vực biên giới và giao thương với bên ngoài. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng đời sống dân cư khu vực biên giới, góp phần thúc đẩy phát triển đà tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất và nhập khẩu chung của toàn tỉnh.

Tuy nhiên, do giao thông đi lại qua các cửa khẩu chưa được đầu tư phát triển, đồng bộ nên hoạt động thương mại trên biên giới giữa các bên còn nhiều hạn chế, chậm phát triển; hoạt động giao thương chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, dăm gỗ nguyên liệu, gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Thị trường giữa các tỉnh biên giới hai bên còn nhỏ, mật độ dân cư vùng biên giới phân bố không tập trung, đời sống của nhân dân vùng biên giới của hai nước còn khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên việc kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại khu vực biên giới gặp rất nhiều khó khăn và chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Nhằm tập trung mọi nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 384/KH-UBND về phát triển hạ tầng thương mại biên giới đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, Đắk Nông sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng thương mại biên giới; rà soát, tích hợp các quy hoạch liên quan hạ tầng thương mại biên giới vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia; thu hút, huy động nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại biên giới; kết nối, hợp tác phát triển thương mại biên giới với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia; phát triển đội ngũ thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh trong các loại hình hạ tầng thương mại biên giới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý hạ tầng thương mại biên giới; tuyên truyền, quảng bá về phát triển hạ tầng thương mại biên giới và xây dựng cơ sở dữ liệu về phát triển hạ tầng thương mại biên giới.