Cụ thể, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề không phổ biến hạt nhân và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Vladimir Yermakov cho biết, những liên hệ giữa nước này và Mỹ về vấn đề ổn định chiến lược sẽ được nối lại một khi Nga hoàn tất chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Ông Yermakov cho biết thêm, Moskva tin rằng Mỹ dự định hoàn tất các dự án triển khai các loại tên lửa tầm trung và tầm ngắn tại châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Quan chức này đánh giá việc các vũ khí trên xuất hiện tại những khu vực trên sẽ khiến tình hình tiếp tục xấu đi và càng kích động 1 cuộc chạy đua vũ trang.
Nga cũng tin rằng các nguy cơ chiến tranh hạt nhân nên được kiềm chế ở mức thấp nhất và nên ngăn chặn mọi cuộc xung đột giữa các cường quốc hạt nhân.
Theo ông Yermakov, tất cả các cường quốc hạt nhân phải tuân thủ chặt chẽ logic đã được đặt ra trong các tài liệu chính thức nhằm ngăn chặn chiến tranh hạt nhân.
Quan chức này được cho là đang đề cập tới 1 tuyên bố chung hồi tháng 1/2022 giữa Nga, Trung Quốc, Anh, Mỹ và Pháp, trong đó 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí tránh tiếp tục mở rộng phạm vi phổ biến vũ khí hạt nhân và 1 cuộc chiến tranh hạt nhân.
Vòng đối thoại đầu tiên về ổn định chiến lược giữa Nga và Mỹ đã diễn ra cuối tháng 7/2021, qua đó mở ra các cơ hội nhằm tái khởi động 1 cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa 2 bên về các lĩnh vực đem lại lợi ích chung.
Đến cuối tháng 9 cùng năm, Mỹ và Nga thông báo đã tiến hành cuộc thảo luận "chuyên sâu và thực chất" trong khuôn khổ Đối thoại Ổn định chiến lược vòng 2, nhằm xoa dịu căng thẳng giữa 2 cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới này.
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, Bộ Ngoại giao 2 nước cho biết, phái đoàn 2 nước đã nhất trí thành lập 2 nhóm làm việc, trong đó 1 nhóm sẽ xem xét các biện pháp kiểm soát vũ khí trong tương lai.