Bằng nhiều cách làm hiệu quả, thiết thực, thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã tập trung chăm lo cho người có công, tạo điều kiện cho gia đình chính sách có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Thể hiện rõ tình cảm và trách nhiệm, từ năm 2017, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ đã triển khai mô hình “Đối thoại về thực hiện công tác chính sách đối với người có công với cách mạng” tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố, qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc để kịp thời xử lý trong quá trình giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng.
Dân chủ, công khai, thiết thực, hiệu quả
Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ phối hợp một số ban, ngành liên quan tổ chức đối thoại trực tiếp với người có công trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, với phương châm “Dân chủ, công khai, thiết thực, hiệu quả”.
Khoảng 60 đại biểu người có công của 11 xã, thị trấn ở huyện Vĩnh Thạnh đã có mặt dự buổi đối thoại; không khí thân tình, cởi mở để cùng sẻ chia, thấu hiểu bao trùm trong cả buổi đối thoại.
Với “chất lính” sẵn có, các cựu chiến binh hỏi thẳng các nội dung về các chế độ, chính sách được thụ hưởng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chế độ khen thưởng còn tồn đọng qua các thời kỳ chiến tranh.
Ông Nguyễn Hồng Anh, cựu chiến binh thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh cho biết, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia từ năm 1982 đến năm 1986, có giấy chứng nhận huân, huy chương nhưng đến nay chưa nhận được hiện vật? Ông An cũng nêu: “Khi về địa phương có nghe chủ trương hỗ trợ 6 tháng gạo sau khi phục viên, nhưng đến nay chưa thấy” (?).
Ông Võ Văn Đặng, cựu chiến binh xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, hỏi: “Tôi nhập ngũ năm 1968, đã được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ “về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước” (Quyết định 290), nay có hưởng thêm huân, huy chương gì khác không?”.
Còn ông Vũ Hồng Cẩn, cựu chiến binh thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh phản ảnh: Ông có giấy chứng nhận huân, huy chương, nhưng đến nay chưa thấy hiện vật, hiện kim? Ông đã hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc (Quyết định 62), sau đó đã trả lại để cộng nối thời gian vào Bảo hiểm xã hội, sau này từ trần có thanh toán mai táng phí không?
Ông Cẩn cũng nêu: “Bảo hiểm y tế của một số hội viên Hội Cựu chiến binh chưa chuyển được mã hồ sơ; có một trường hợp hội viên Hội Cựu chiến binh từ tỉnh An Giang chuyển về Cần Thơ công tác thì chuyển mã vùng như thế nào?”…
Đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ, các ngành liên quan của thành phố đã trực tiếp giải đáp từng ý kiến và nhận được sự đồng tình, thỏa mãn của người hỏi.
Có những vấn đề có thể đã phát sinh từ khá lâu sẽ được tiếp tục tìm hiểu để trả lời thỏa đáng cho những người còn đang thắc mắc. Theo đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ, huyện Vĩnh Thạnh hiện có 156 người có công và thân nhân người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp thường xuyên; tồn đọng một hồ sơ bệnh binh đang được cấp xã xác lập…
Trước đó, năm 2022, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ đã tổ chức đối thoại về công tác chính sách đối với người có công với cách mạng tại các quận Ninh Kiều, Cái Răng và Thốt Nốt. Nhiều cựu chiến binh ở Cần Thơ cho rằng, đây là mô hình rất ý nghĩa, giúp nhiều người có công biết thêm những thông tin mới về chính sách cũng như có dịp trao đổi thêm ý kiến với các cơ quan liên quan.
Theo Đại tá Phạm Ngọc Quang, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ, đối thoại là dịp để cơ quan quân sự các cấp trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng chính sách trên địa bàn, trên cơ sở đó giải quyết những thắc mắc, bất cập; đồng thời, nhắc nhở, chấn chỉnh những sai sót trong việc thực hiện các quy trình giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công của các cơ quan có thẩm quyền...
Tập trung chăm lo người có công
Thành phố Cần Thơ hiện có 38.432 người có công với cách mạng. Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang thành phố triển khai đầy đủ chính sách quân đội và hậu phương quân đội.
Từ năm 2010 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã cơ bản giải quyết dứt điểm các hồ sơ thương binh, liệt sĩ; 5 trường hợp bệnh tâm thần và đã giải quyết chế độ được hơn 12.600 đối tượng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ với số tiền hơn 50 tỷ đồng; đã trích từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và xã hội hóa xây dựng 27 nhà tình nghĩa; 337 nhà “Đồng đội”, nhà “Tình đồng đội”, 68 căn nhà “Đại đoàn kết”; khám và cấp thuốc miễn phí cho hơn 13.000 lượt người thuộc đối tượng chính sách, người nghèo; trao 9.000 phần quà tặng các gia đình chính sách với số tiền gần 77 tỷ đồng.
Đến nay, đã hoàn thành công tác lập hồ sơ, danh sách liệt sĩ và tổ chức quy tập được 29 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 13 hài cốt xác định được danh tính, đưa về các nghĩa trang liệt sĩ an táng. Mới đây, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ phối hợp Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ K90 (Quân khu 9) cùng cấp ủy, chính quyền xã Tân Thới, huyện Phong Điền tiến hành khai quật trong khuôn viên Trường mầm non Tân Nhơn, đã phát hiện, cất bốc 14 bộ hài cốt liệt sĩ. Dự kiến trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay sẽ tổ chức truy điệu, đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ quận Ô Môn.
Thượng tá Vũ Huy Thủy, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ cho biết, với phong trào thi đua lực lượng vũ trang chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ đã nhận và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nhận giúp đỡ tổng cộng 106 hộ nghèo trên địa bàn thành phố và đã có 100 hộ thoát nghèo bền vững. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Tết quân-dân đã trở thành nét đẹp văn hóa của lực lượng vũ trang Cần Thơ.
Qua 16 lần tổ chức đã góp phần giúp nhiều địa phương cấp xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, phường văn minh đô thị, từ đó, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội ở từng địa bàn, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc. “Với hàng trăm tỷ đồng huy động được, lực lượng vũ trang thành phố đã góp phần giúp người dân các địa phương cải thiện điều kiện sinh hoạt, xây dựng bộ mặt xã, phường ngày càng sạch đẹp, văn minh. Quan trọng hơn là, giúp người dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, gắn kết chặt chẽ tình cảm quân-dân, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ”, Thượng tá Vũ Huy Thủy khẳng định.
Tuy vậy, trong thực tế, việc phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với quân đội và hậu phương quân đội tại một số cơ quan, đơn vị chưa sâu rộng; đối tượng chính sách chưa nắm hoặc chưa hiểu rõ chính sách, chế độ được thụ hưởng; chưa hướng dẫn kỹ nội dung phải kê khai trong xác lập hồ sơ. Việc thẩm định hồ sơ chưa chặt chẽ, có hồ sơ phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần khiến kéo dài thời gian giải quyết cho người thụ hưởng. Cùng với đó, một số cơ quan quân sự địa phương chưa quan tâm đúng mức việc theo dõi, xác lập hồ sơ đề nghị hưởng chế độ bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần cho cán bộ quân đội nghỉ hưu theo quy định…
Thời gian tới, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ tiếp tục chú trọng công tác chính sách đối với người có công, nhất là triển khai thực hiện Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các chế độ, chính sách đối với quân đội, hậu phương quân đội.
Theo Đại tá Phạm Ngọc Quang, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ, đối thoại về công tác chính sách với người có công được Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố triển khai đã khẳng định hiệu quả trong thực tế nhiều năm qua và sẽ được duy trì trong thời gian tới…