Đổi thay từ phát triển thủy lợi

Sau 32 năm đầu tư nguồn lực phát triển hệ thống thủy lợi để ổn định nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, ứng phó với hạn hán, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng được nhiều công trình hồ chứa nước, đập ngăn nước, hệ thống kênh mương dẫn nước tưới đến những vùng khô cằn, từng bước khôi phục sản xuất trên những vùng đất bị hoang hóa, đem lại thu nhập cao cho người dân ở vùng nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Chamaléa Phán ở thôn Ðồng Dày, xã Phước Trung, huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) khôi phục 5 sào đất bỏ hoang và trồng cây ngô lai đang sinh trưởng tốt, hứa hẹn một mùa vụ bội thu.
Ông Chamaléa Phán ở thôn Ðồng Dày, xã Phước Trung, huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) khôi phục 5 sào đất bỏ hoang và trồng cây ngô lai đang sinh trưởng tốt, hứa hẹn một mùa vụ bội thu.

Nhờ có nước tưới dồi dào, Ninh Thuận đã hồi sinh, cải tạo và chuyển hàng nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp từ canh tác 1 vụ/năm sang 2-3 vụ/năm, biến nhiều vùng đất "khát" trở thành vườn nho, táo, hành, tỏi, măng tây xanh, nha đam, dưa lưới công nghệ cao,… rộng lớn, cho năng suất, giá trị kinh tế cao.

Đầu tư thủy lợi chiến lược

Tháng 4/1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Thuận Hải. Thời điểm đó, đất sản xuất nông nghiệp tại Ninh Thuận nhiều, nhưng lại khan hiếm nguồn nước (chủ yếu dựa vào hệ thống thủy lợi nhỏ Nha Trinh-Lâm Cấm và nước mưa), rất vất vả trong việc ứng phó với tình hình hạn hán hằng năm.

Ðể phát triển kinh tế, xã hội lâu dài, Ninh Thuận đã thực hiện giải pháp tăng nguồn nước bằng cách tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, nhằm bảo đảm nước phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân. Tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và huy động nhiều nguồn lực để đầu tư mạng lưới thủy lợi theo kế hoạch đề ra.

Ðến nay, Ninh Thuận đã có 22 hồ chứa với dung tích 520 triệu mét khối, tăng gấp 3,15 lần so với năm 1992; xây dựng hơn 1.474 km kênh đầu mối, kênh cấp 2, cấp 3, kênh mương nội đồng… dẫn nước về tận các vùng sản xuất, nhờ đó, diện tích canh tác được tưới chủ động tăng lên nhiều.

Ðáng chú ý, hệ thống thủy lợi đã phục vụ đắc lực cho định hướng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, như: Nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản, du lịch...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết, nhiều công trình thủy lợi đã đáp ứng mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu. Ðiển hình như hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (được coi là hiện đại nhất Việt Nam) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư với tổng vốn 5.951 tỷ đồng đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ cuối năm 2021, góp phần "giải khát" cho Ninh Thuận.

Cùng với đó, tỉnh đang tập trung một số dự án thủy lợi trọng điểm khác như: Dự án hồ chứa nước Sông Than, xã Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn) với dung tích hơn 85 triệu mét khối nước đang đẩy nhanh tiến độ, sau khi hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho 4.500 ha đất canh tác, cấp nước sinh hoạt cho 20.000 hộ dân vùng hạ lưu.

Sắp tới, Tiểu dự án phát triển thủy lợi phục vụ nông nghiệp công nghệ cao tại các xã Nhơn Hải, Thanh Hải (huyện Ninh Hải) và dự án chuyển nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ về hồ Bà Râu, hồ Sông Trâu (huyện Thuận Bắc) và hồ Ông Kinh (huyện Ninh Hải) hoàn thành, sẽ giúp Ninh Thuận chủ động hơn nữa nguồn nước tưới cho các vùng hưởng lợi, nông dân có thể chuyển sản xuất nông nghiệp từ 1-2 vụ/năm sang 3 vụ/năm.

Nước đến đâu màu xanh đến đó

Trong chuyến công tác về xã Phước Trung, huyện Bác Ái vào những ngày cuối năm 2024, chúng tôi ghi nhận sự khởi sắc đáng kể của vùng nông thôn miền núi nơi đây. Nay, nhiều vùng đất hoang hóa, vùng gò, đồi một thời bỏ hoang đã phủ mầu xanh bạt ngàn của những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Ba năm qua, sau khi tuyến kênh TN9, TN11, TN13 thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được đấu nối, gần 40 ha đất hoang hóa tại thôn Ðồng Dày, xã Phước Trung đã "hồi sinh".

Ông Chamaléa Phán ở thôn Ðồng Dày chia sẻ: "Từ ngày có nguồn nước dẫn về, hàng chục héc-ta đất bỏ hoang đã được "hồi sinh", nông dân được hướng dẫn sản xuất nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập khá hơn trước nhiều. Gia đình tôi canh tác năm sào (5.000 m2) ngô lai đang ra bắp rất nhiều, hứa hẹn một mùa vụ bội thu".

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bác Ái Phan Ninh Thuận cho biết: "Toàn huyện có năm hồ chứa nước với dung tích thiết kế hơn 302 triệu mét khối. Nhờ đó, toàn bộ 9 xã của huyện đều đạt chuẩn về tiêu chí thủy lợi. Trong năm 2024, Bác Ái đã chuyển đổi hơn 320 ha đất trồng lúa kém hiệu quả và đất gò, đồi sang trồng các loại cây, như: Ngô nếp, ngô lai, mè, thuốc lá, mía, ớt, táo, nha đam... mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt 26,7 triệu đồng/người, đạt 107,2% kế hoạch năm, đáng chú ý, huyện có 25/25 chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt vượt kế hoạch đề ra".

Hơn chục năm trước, mặc dù huyện Thuận Bắc có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, nhưng chỉ có thể sản xuất từ 700-800 ha cây trồng/năm do sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa, riêng cây lúa chỉ canh tác được 1 vụ/năm, năng suất bấp bênh. Thuận Bắc được coi là vùng khó khăn nhất tỉnh Ninh Thuận.

Năm 2005, khi hệ thống thủy lợi hồ Sông Trâu có dung tích thiết kế 32,4 triệu mét khối hoàn thành, cấp nước tưới sản xuất cho khoảng 3.096 ha thuộc hai huyện Thuận Bắc và Ninh Hải (riêng Thuận Bắc là 2.200 ha), từ đó sản xuất nông nghiệp ở nơi đây đã phát triển rất nhanh.

Ông Chamaléa Nghiêm ở thôn Suối Vang, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc chia sẻ: "Khi chưa có hồ chứa nước Sông Trâu, tôi chỉ sản xuất được hai sào (2.000 m2) lúa 1 vụ/năm, năng suất kém, thu nhập ít, đời sống khó khăn. Từ khi có nước dẫn về, tôi đã khôi phục, cải tạo lại tám sào đất bỏ hoang, nâng diện tích trồng lúa lên 1 ha và sản xuất 3 vụ/năm. Nhờ có nước tưới ổn định và biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, cho nên năng suất bình quân đạt hơn 60 tạ/ha/vụ, thu nhập tăng lên, gia đình có điều kiện nuôi các con đi học, xây dựng nhà ở, đời sống cải thiện nhiều".

Chủ tịch Ủy ban nhân huyện Thuận Bắc Phạm Trọng Hùng cho biết: Trước đây, năng suất lúa 1 vụ/năm chỉ đạt 46,8 tạ/ha/năm, khi có nguồn nước tưới ổn định, nông dân đã sản xuất 3 vụ/năm, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha/vụ, tăng 34% so với trước đó. Ngoài việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, hồ Sông Trâu còn cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi gia súc; kết hợp phát triển du lịch, cải tạo môi trường sinh thái; cắt lũ, giảm ngập lụt vùng hạ lưu,… Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Ðến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp trong hệ thống cấp nước từ hồ Sông Trâu đã nâng lên 2.000 ha, tăng 1.200 ha so với trước khi có hồ chứa.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận Ðặng Kim Cương cho biết, từ năm 2020-2024, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã cung cấp nước tưới ổn định cho 74.602 ha đất sản xuất, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 25% nền kinh tế của tỉnh. Cụ thể, trong năm 2024, toàn tỉnh đã mở rộng, khôi phục hơn 1.969 ha đất (chủ yếu mở rộng từ vùng tưới của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ), nâng giá trị sản xuất nông nghiệp trong năm 2024 lên 25,5%.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Huyền cho biết thêm: Theo Quyết định số 1319/QÐ-TTg ngày 10/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, địa phương đã phê duyệt dự án điều chỉnh quy hoạch thủy lợi tỉnh Ninh Thuận tầm nhìn năm 2030 thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, quy hoạch nghiên cứu toàn diện, tổng thể hệ thống cấp nước cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt nông thôn, thoát lũ và phòng, chống xâm nhập mặn; triển khai giải pháp kết nối liên thông hồ bằng đường ống đưa nước từ hồ Sông Cái-đập Tân Mỹ về các khu tưới phía bắc của tỉnh; kết nối lưu thông lưu vực hồ Cho Mo với lưu vực Suối Ngang hồ Phước Trung; lưu vực hồ Tân Giang với hồ Sông Biêu và hồ Suối Lớn… nhằm điều tiết hài hòa nguồn nước giữa các vùng; phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại, linh hoạt, bảo đảm cấp thoát nước cho dân sinh, các ngành kinh tế, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội bền vững.