Đổi mới tư duy về cách tiếp cận mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

NDO - Ngày 28/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: CAO TÂN)
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: CAO TÂN)

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và đồng chí Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.

Hội thảo thu hút hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các bộ ngành, một số địa phương; đại biểu quốc tế, các lãnh sự quán, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp... tham dự.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trong hơn 35 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới của đất nước, Đảng ta luôn xác định nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là động lực, nhiệm vụ then chốt trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội…

Hội thảo hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án đã chuẩn bị hết sức công phu, đặt hàng các cơ quan, các chuyên gia trong và ngoài nước có hơn 70 báo cáo, tham luận có chất lượng, tâm huyết về phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nhiều góc độ khác nhau. Hy vọng hội thảo này sẽ đúc kết được những giải pháp đột phá góp phần hoàn thiện chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đổi mới tư duy về cách tiếp cận mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ảnh 1

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tổng kết tại hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân cho biết, hội thảo khoa học quốc gia hôm nay sẽ cung cấp bức tranh tổng quan về định hình mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam; cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất về chủ trương, mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, là phương thức quan trọng để đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, hội thảo cần làm rõ bước đi và lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thể hiện sự kế thừa và phát triển, tính liên tục và hoàn chỉnh, phù hợp với lộ trình đạt được các mục tiêu phát triển của đất nước và những quá trình chuyển đổi của nền kinh tế qua từng giai đoạn. Mô hình và phương thức công nghiệp hoá, hiện đại hóa tương thích và đồng bộ với mô hình tăng trưởng kinh tế và mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ thể và nguồn lực thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hoá...

Nhấn mạnh vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một số định hướng phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam giai đoạn 2021-2030 là ưu tiên nguồn lực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất nhằm nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành công nghiệp dịch vụ có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với việc đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế thành phố nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của thành phố.

Đề xuất các giải pháp, chính sách để công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, các chuyên gia cho rằng, việc đưa ra mô hình cho chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần dựa trên những thế mạnh, khắc phục những điểm yếu cũng như từ các nhu cầu thực tiễn để bảo đảm đạt được mục đích đề ra. Theo đó, xây dựng mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần quan tâm đến các yếu tố, đó là: Kiện toàn lại cơ sở hạ tầng phục vụ cho các mục tiêu cần nhắm đến; cần có sự cập nhật và linh động của mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tận dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có; hướng đến phát triển các lĩnh vực có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới…

Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh nêu lên một số vấn đề cần thiết, quan trọng đặt ra trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là về cách thức Việt Nam nhanh chóng tiếp cận, tham gia và tận dụng tốt nhất những cơ hội, thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá, tăng tốc phát triển nhanh nhưng bền vững, nhằm rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển…

Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Đây là những vấn đề rất lớn, có tính chất phức tạp, không chỉ là những vấn đề của riêng Việt Nam mà còn gắn với những tác động, ảnh hưởng có tính toàn cầu. Do đó, chúng ta cần phải đổi mới tư duy về cách tiếp cận mô hình phát triển, đặt ra những định hướng, mục tiêu phù hợp, nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp mới, đột phá, mang tính bao trùm, tổng thể và có tính thực thi cao phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới...