Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc mở cửa đối với hoạt động kinh tế, kinh doanh phải tiến hành theo từng nấc; cần có phương án dự phòng, phương án rủi ro và thích nghi với điều kiện mới.
Xây dựng lộ trình phục hồi kinh tế
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, thành phố dự kiến phục hồi, mở cửa kinh tế theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ ngày 1/10 đến 31/10/2021), người có “Thẻ xanh Covid” có thể tham gia các hoạt động, trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage, dịch vụ ăn uống tại chỗ, các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại. Giai đoạn 2 (từ ngày 1/11/2021 đến 15/1/2022), ngoài các lĩnh vực và đối tượng đã được cho phép ở giai đoạn 1, người có “Thẻ xanh Covid” được hoạt động thêm tại trung tâm thương mại, trung tâm thể dục thể thao, hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời, dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và giãn cách, dưới 20 người. Giai đoạn 3 (dự kiến sau ngày 15/1/2022), thành phố sẽ mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage thì bắt buộc người tham gia phải có “Thẻ xanh Covid”.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, toàn xã hội cần chuẩn bị tâm thế, thói quen, tinh thần và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó phù hợp với môi trường sống có Covid-19. Trong các chiến lược, trụ cột quan trọng nhất là chiến lược về y tế với yêu cầu cần củng cố hệ thống y tế từ cơ sở đến thành phố; phát huy nguồn lực cả hệ thống y tế dự phòng, y tế cộng đồng, y tế tư nhân, bác sĩ gia đình, hệ thống nhà thuốc… để hình thành mạng lưới y tế đủ sức chăm lo cho nhân dân trong điều kiện “bình thường mới”.
Tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế trong trạng thái bình thường mới với ba giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 (từ ngày 15/9 đến 31/10), ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn các “vùng xanh”. Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp khóa chặt “vùng đỏ”, “điểm đỏ”; mở rộng “vùng xanh”. Thần tốc xét nghiệm để nhanh chóng đưa F0 ra khỏi cộng đồng.
Giai đoạn 2 (từ sau ngày 31/10), trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn “vùng đỏ”, “vùng vàng” thì mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội một cách có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, loại trừ một số ngành nghề dễ gây bùng phát dịch như karaoke, vũ trường, quán bar, massage... Giai đoạn 3 (từ sau ngày 31/12), trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn “vùng đỏ”, “vùng vàng” sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội. Một số ngành nghề dễ gây bùng phát dịch sẽ phải có tiêu chí, điều kiện hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, doanh nghiệp (DN) đang thực hiện “ba tại chỗ” tiếp tục thực hiện các phương án đã đăng ký. Ngoài ra, DN được hoán đổi hoặc bổ sung công nhân lao động để duy trì sản xuất, nhưng phải bảo đảm không có trường hợp F0 trong 14 ngày trước khi thực hiện hoán đổi; công nhân được hoán đổi ra, vào DN hoặc bổ sung vào DN bảo đảm ở khu vực “vùng xanh”, được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin, hoặc đã điều trị khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 180 ngày. Những DN không thực hiện “ba tại chỗ” trước đây, hiện có nhu cầu hoạt động trở lại thì chọn một trong hai phương án: Thực hiện đăng ký phương án “ba tại chỗ”; “một cung đường, hai địa điểm”, hoặc kết hợp linh động cả hai phương án trên, bảo đảm các quy định phòng dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết, tỉnh đã ban hành kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn từ ngày 15/9 đến 15/10. Công nhân tiêm đủ 2 mũi vắc-xin thì DN được huy động, tiếp nhận bình thường; công nhân tiêm 1 mũi vắc-xin thì chỉ được huy động tối đa 50% số lượng lao động so với điều kiện bình thường.
Việc phục hồi sản xuất được tiến hành theo từng giai đoạn theo tình hình dịch bệnh trong và ngoài tỉnh. Trong giai đoạn từ nay đến 15/10 là bước chuẩn bị để đến khi các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam phục hồi thì lúc đó DN nhanh chóng vực lại sản xuất, kinh doanh. Sau 15/10, khi toàn bộ công nhân tiêm đủ 2 mũi vắc-xin thì quá trình hoạt động, sản xuất của DN sẽ trở lại ổn định.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, song không có nghĩa là tiếp tục chờ đợi, mà ngay lúc này phải tính đến các kịch bản mở cửa trở lại nền kinh tế. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ cân nhắc, tính toán và xây dựng một lộ trình cụ thể để từng bước khôi phục kinh tế theo nguyên tắc đồng bộ ba nhiệm vụ trọng tâm là “Phòng, chống dịch - Phát triển kinh tế - An dân”. Tỉnh sẽ rà soát, nghiên cứu và xây dựng lộ trình cụ thể cho từng ngành nghề, lĩnh vực, như: Sản xuất công nghiệp, chế biến, cảng biển, logistics, du lịch, nông nghiệp; các hoạt động thương mại, dịch vụ, đầu tư, xây dựng…
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, các DN đã gồng gánh các chi phí sản xuất tăng gấp hai đến ba lần so với ngày thường để có thể duy trì sản xuất, kinh doanh không có lợi nhuận. Hiện, nhiều DN đã kiệt quệ, rất cần thành phố hỗ trợ nguồn vốn và cắt giảm các chi phí cố định để tiếp tục hoạt động. Một trong những nỗi lo lớn nhất của DN lúc này là thiếu hụt nguồn lao động để sản xuất, kinh doanh trở lại.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (Huba) Chu Tiến Dũng cho rằng, ngành ngân hàng cần giảm lãi suất cho vay đối với DN theo hướng lãi suất cho vay không cao hơn 3% so với lãi suất huy động tiền gửi; có chính sách hỗ trợ vay vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh, bảo lãnh thanh toán các hợp đồng mua bán nguyên, vật liệu với mức lãi suất 0% cho các DN khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ, cho vay ưu đãi, gia hạn thời gian thanh toán nợ. Cục Thuế, Cục Hải quan thành phố cần phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động xuất, nhập khẩu của DN…
UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Thông tư số 14/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 7/9/2021. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; bình ổn thị trường. Thường xuyên trao đổi, tiếp nhận ý kiến của các hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhằm chia sẻ, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng ổn định trở lại.
Ngày 18/9, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các DN FDI để lắng nghe, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, thực hiện lộ trình khôi phục sản xuất. Tại diễn đàn này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cam kết địa phương luôn thực hiện nhất quán phương châm “chính quyền đồng hành cùng DN”, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ khó khăn giúp DN khôi phục sản xuất.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng, chống dịch Covid-19; không tạo ra các loại giấy phép “con” làm tăng chi phí của DN. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, địa phương đang tổng hợp để kiến nghị cơ quan Trung ương có chính sách về giãn, giảm thuế, tiền thuê đất và thời gian trả lãi vay. Để ổn định sản xuất, bảo đảm an toàn cho người lao động, tỉnh Đồng Nai đang cố gắng phủ vắc-xin mũi 1 cho tất cả người lao động, tiến tới hoàn thành tiêm mũi 2 cũng trong năm 2021.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, cùng với việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ DN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, giao Cục Thuế tỉnh chủ động triển khai đến DN với thủ tục rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu và hỗ trợ DN tối đa để được hưởng các chính sách hỗ trợ tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các sở, ban, ngành, UBND các địa phương cấp huyện, các chủ đầu tư và DN xây dựng giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư; hỗ trợ DN phục hồi sau giãn cách, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao cho biết, chủ trương của tỉnh Bình Dương là mở cửa từng bước, mở tới đâu giữ chặt tới đó; xanh tới đâu giữ xanh tới đó. “Vùng đỏ” còn lại, đỏ đến đâu chiến đấu đến đó, chiến đấu đến thắng lợi. Để hỗ trợ DN thiết thực và hiệu quả nhất, trong ba ngày, từ 14 đến 17/9, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư, DN, hiệp hội ngành nghề.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cam kết đồng hành cùng các DN tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất; giải quyết các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế; tăng cường cải cách hành chính; công khai, minh bạch các nguồn lực cũng như việc phân bổ các nguồn lực, bảo đảm hiệu quả, bình đẳng để cùng phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết, liên kết phát triển vùng là rất quan trọng khi xã hội trở lại bình thường mới. Phải quyết liệt thực hiện phương án liên kết vùng với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long thì mới tiến xa và bền vững. Kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ vắc-xin cho Long An để hoàn thành tiêm mũi 2 cho người dân trong thời gian sớm nhất để có “áo giáp” tin cậy nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 22/9/2021.
Nhóm PVTT tại TP Hồ Chí Minh