Trao đổi với các phóng viên báo chí dịp đầu năm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo quyết liệt về tháo gỡ điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế, về “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”.
Sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là việc quan trọng cần làm để tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn ấy”. Từ Chính phủ và Quốc hội đến các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đều thấm nhuần quan điểm xuyên suốt: Muốn đổi mới tư duy lập pháp thì trước tiên phải đổi mới từ quy trình lập pháp.
Đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng: Trọng tâm chính là việc nghiên cứu sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với những quy định thể hiện tư tưởng mới nhằm giải quyết được những bất cập trong quy trình, bảo đảm quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật khoa học, chặt chẽ, linh hoạt. Dự thảo sửa đổi luật có nhiều quy định mới, liên quan việc phân cấp, phân quyền trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới quy trình lập pháp, bao gồm cả ban hành đạo luật và văn bản dưới luật.
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác mà bộ, ngành tư pháp, pháp chế đặt ra và sẽ quyết liệt thực hiện trong năm 2025 nhằm triển khai thực hiện khẩn trương, tích cực và có hiệu quả cao chủ trương, chính sách mới của Đảng, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trong đó, ngành kịp thời thẩm định, bảo đảm chất lượng các đề nghị xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phục vụ sắp xếp tổ chức, bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo hành lang pháp lý để hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần “tinh, gọn, mạnh”.
Các chuyên gia pháp luật và nhà quản lý nhận định, quá trình thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo phương án sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ có tác động trực tiếp đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Do vậy, Bộ Tư pháp đã tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc này.
Theo số liệu báo cáo gần đây, có gần 3.900 văn bản liên quan việc thay đổi tên gọi của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bên cạnh đó, có 762 văn bản cần xử lý ngay nhưng có thể xử lý theo nguyên tắc chung giữa các bộ; 74 văn bản có tính chất đặc thù của từng bộ, ngành, cần xử lý ngay nhưng không thể theo nguyên tắc chung mà cần sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể.
Các cơ quan cũng rà soát, đề xuất xử lý theo lộ trình với 326 văn bản, các địa phương đã rà soát gần 1.700 văn bản do hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp ban hành chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Bộ Tư pháp, ngành tư pháp đã và đang tập trung rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Tư pháp bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp quy định, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nhiệm vụ được Chính phủ giao.
Thời gian qua, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật được thực hiện có
trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn và gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật. Bộ tham mưu triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật, qua đó rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc cản trở sự phát triển.
Về nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp quý I/2025, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết sẽ tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, văn bản, đề án do Bộ Tư pháp chủ trì, gồm nghị quyết của Quốc hội giải quyết vướng mắc, phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan sắp xếp tổ chức bộ máy; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; đề án “Định hướng xây dựng pháp luật của Chính phủ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI”…
Bộ Tư pháp tiếp tục chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc cho người dân được tăng cường, nhất là thực hiện các dịch vụ công trực tuyến liên thông về khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân; thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến… Điều này mang lại nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong thực tiễn đời sống phát triển.
Ngành cũng đặt mục tiêu tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2025; tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế...