Cho tới nay, thủ tục hành chính vẫn luôn là mối bận tâm với nhiều doanh nghiệp, cá nhân người nộp thuế. Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, người nộp thuế luôn mong ngành thuế nói chung có thể cải cách tối đa thủ tục hành chính, chủ động hơn để cá nhân người nộp thuế và cộng đồng doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn. Chính vì hiểu được nhu cầu này, ngành Thuế đã lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ, không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách thuế mới cùng kết quả hoạt động của toàn ngành qua các kênh thông tin đại chúng. Việc đổi mới cách thức truyền thông theo xu thế tiếp cận thông tin hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo ra các dịch vụ điện tử, giúp giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính để hỗ trợ người nộp thuế, giúp người nộp thuế hiểu rõ và dễ dàng áp dụng, thực hiện thủ tục hành thuế. Tổng cục Thuế đã tích cực triển khai hệ thống khai thuế điện tử để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện kê khai dễ dàng các hồ sơ khai thuế.
Nhờ những nỗ lực đó, tính đến nay ngành thuế đã hoàn thành việc khai thuế điện tử dành cho các cá nhân tại 63 cục thuế. Toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn đã chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử và toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử: Số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 4,37 tỷ hóa đơn, trong đó 1,3 tỷ đồng hóa đơn có mã; hơn 3 tỷ hóa đơn không mã. Trong đó, có 25.996 cơ sở kinh doanh đã áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đạt 63,8% so với kế hoạch. Số lượng hóa đơn điện tử đã phát hành lũy kế trong hơn 6 tháng kể từ khi bắt đầu triển khai là 10,36 triệu hóa đơn.
Cùng với đó, trong năm 2023, Tổng cục Thuế cũng đã chính thức đưa vào vận hành “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử”. Qua đó có thể đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử và tờ khai thuế giá trị gia tăng tự động trên hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý hóa đơn điện tử nhằm kiểm soát, chống gian lận trong kê khai giúp người nộp thuế cũng như doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt được thông tin, chủ động trong việc kê khai thuế một cách minh bạch rõ ràng.
Hiện nay, ngành thuế cũng tiếp tục triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 phối hợp cùng với Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ.
Căn cứ trên dữ liệu xác thực và dữ liệu định danh cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng cục Thuế đã tổ chức việc đối sánh dữ liệu giữa dữ liệu mã số thuế cá nhân và dữ liệu dân cư, đưa ra các trường hợp sai lệch cần tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn các cơ quan thuế và người nộp thuế thay đổi, hiệu đính thông tin chính xác.
Đáp ứng lại mong muốn của người nộp thuế và doanh nghiệp, ngành thuế đã có nhiều văn bản triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy định về hoạt động kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hiện đại hóa hệ thống thuế cũng là yêu cầu của Chính phủ được đề ra tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Ngoài ra, việc thực hiện kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính nhằm mục tiêu cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện và hiệu quả; thực hiện tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ được thực thi song song.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế, tập trung kiểm tra các tờ khai, những lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là những doanh nghiệp được hưởng các chính sách gia hạn, miễn giảm tiền thuế.. cũng là những trọng tâm được toàn ngành quyết liệt thực hiện. Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật thuế của Nhà nước; tập trung nguồn nhân lực giải quyết nhanh chóng những hồ sơ hoàn thuế đủ điều kiện tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.. tiếp tục được toàn ngành nghiêm túc thực thi.
Rõ ràng, việc ứng dụng công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý thuế và đem lại những hiệu quả to lớn trong công cuộc hiện đại hóa công tác quản lý thuế, góp phần cải cách thủ tục hành chính thuế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp người nộp thuế tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tương tác giữa cơ quan thuế và người nộp thuế, góp phần giảm tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người nộp thuế.
Năm 2024, ngành thuế sẽ tiếp tục duy trì, hoàn thiện và vận hành ổn định các hoạt động bổ sung hoàn thiện cơ sở dữ liệu, kết nối với các dữ liệu liên quan về đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế để đồng hành cùng người nộp thuế một cách sát thực tế hơn.