Đổi mới cách chăn nuôi vịt chạy đồng

NDO - Nuôi vịt chạy đồng là nghề từ lâu đã gắn chặt với cuộc sống của dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là hộ nghèo. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề này gặp nhiều rủi ro, trong đó có dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm đã khiến cho nhiều hộ nuôi lắm phen khốn đốn.

Cứu cánh của hộ nghèo

Nuôi vịt chạy đồng là hình thức chăn nuôi du canh. Trong mùa thu hoạch lúa, đằng sau những nhóm người đang lom khom gom lúa, tuốt lúa là những đàn vịt tàu lao xao, ồn ào. Đàn vịt được lùa từ đồng lúa này sang đồng lúa khác vừa mới thu hoạch. Chúng ăn vét những hột lúa rụng và những động vật sống ở đồng như cua, ốc, dế... Nhờ vậy mà người nuôi không tốn hoặc tốn rất ít thức ăn (chủ yếu là lúa) cho vịt. Cứ sáng lùa đi, tối lùa về nhốt tạm ở những chuồng đơn sơ cạnh bờ kênh, góc ruộng. Với cần trúc, ngọn tre làm cờ kè kè bên tay, người chăn vịt ngồi trên chiếc xuồng hoặc lội đồng, thong thả từ ngày này qua tháng nọ cùng đàn vịt. Giống vịt được chuộng nuôi chạy đồng phổ biến là vịt tàu, là loại vịt nhỏ con, đầu nhỏ, mỏ khỏe mạnh, cổ dài, chân vàng thấp, nhanh nhẹn, khả năng kiếm mồi tốt và vừa cho thịt, vừa cho trứng. Chúng chống chịu tốt với điều kiện chăn thả ngoài đồng, có khả năng kháng nhiều bệnh, tăng trưởng tốt. Giống này lông nhiều mầu sắc, nuôi từ 140 đến 150 ngày thì đẻ, mỗi năm đẻ từ 180 đến 220 trứng/con. Thịt vịt nuôi chạy đồng luôn bán giá cao hơn vịt nuôi công nghiệp vì thịt ngon thơm. Trứng có nhiều lòng đỏ nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là được các cơ sở sản xuất trứng vịt muối luôn chọn mua để làm nguyên liệu xuất khẩu.

Bà Tư Lành ở ấp Rạch Rô, xã Trung Chánh, huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) với hơn 20 năm trong nghề nuôi vịt, khởi đầu từ nuôi vịt chạy đồng với đàn vịt vài trăm con nay chuyển sang nuôi vịt đẻ, vịt thịt ở dạng nuôi nhốt kết hợp với chạy đồng với hơn 2.000 con. Mỗi năm đàn vịt này sản xuất hơn 400.000 trứng (bình quân 200 trứng/con), giá bán tại nơi 17.000 đồng/chục, đem lại thu nhập cho bà từ 500 đến 600 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Bà Tư Lành cho biết, nhờ nuôi vịt chạy đồng trong những năm đầu gian khó mà một số hộ nghèo khó như bà nay đã thoát nghèo. Hiện trong ấp có nhiều hộ nuôi vịt, tuy số lượng không nhiều, mỗi hộ từ 100 đến 200 con, nhưng mỗi năm đem lại thu nhập đáng kể cho người nuôi bên cạnh thu nhập từ lúa.

Lối ra cho chăn nuôi vịt

Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với nghề nuôi vịt chạy đồng là gặp rủi ro về dịch bệnh. Liên tiếp từ năm 2004 đến nay, những đợt dịch cúm gia cầm H5N1 đã làm cho nhiều hộ khốn đốn, có hộ phá sản và bỏ nghề. Khi dịch cúm xuất hiện thì vịt chạy đồng được xem là đối tượng có nhiều nguy cơ bị nhiễm và bị cấm di chuyển ra khỏi chỗ nuôi. Hiện nay, nuôi vịt chạy đồng càng khó khăn hơn do phải di chuyển đồng xa, phải đăng ký với ngành thú y để kiểm soát sự an toàn của đàn vịt. Ngoài ra, người nuôi tốn nhiều chi phí thêm về tiêm ngừa, điều trị các loại bệnh khác và còn tốn thêm chi phí 'mua đồng', tức là người nuôi muốn thả vịt vào cánh đồng nọ phải nộp cho địa phương bình quân 10.000 đồng/công. Tiền này được địa phương dùng vào mục đích phúc lợi xã hội như duy tu, sửa chữa cống, đập thủy lợi...

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, số vịt chạy đồng trên địa bàn tỉnh hiện còn rất lớn, 1,464 triệu con trong tổng đàn vịt 1,855 triệu con. Hiện vẫn còn nhiều đánh giá khác nhau về việc phát triển đàn vịt nuôi chạy đồng và ngành thú y cho rằng hình thức nuôi này không an toàn sinh học. Tuy nhiên, vì lợi ích và là nghề lâu dài nên nông dân vẫn còn nuôi. Để duy trì và phát triển nghề nuôi vịt, trong những năm qua, các nhà khoa học, các cơ quan chuyên ngành chăn nuôi đã tìm ra những hình thức chăn nuôi mới phù hợp điều kiện hiện nay, nhất là quản lý vịt chống chịu tốt với dịch cúm gia cầm vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long, nuôi vịt theo hướng mới được khuyến cáo là chuyển đổi nuôi theo hướng trang trại, trong đó có sự quản lý chặt chẽ về mặt thú y, cụ thể như các hình thức dưới đây.

Một là, nuôi nhốt kết hợp chăn thả: Cách làm này thích hợp cho nuôi vịt đẻ trứng. Vịt nuôi nhốt trên bờ kênh, có mở lối cho vịt xuống nước. Đến mùa thu hoạch lúa thì thả vịt ra đồng. Có thể nuôi các giống vịt tàu, siêu trứng, giống lai hướng trứng. Nuôi theo hình thức này vịt có thể kiếm được thức ăn dưới lòng kênh như cá, hến và có thể bổ sung thêm thức ăn tươi (cua, ốc bươu vàng...), thức ăn chế biến sẵn cho chúng.

Hai là, nuôi kết hợp vịt - cá có thể áp dụng ở những cơ sở sản xuất vịt con nuôi thịt. Nuôi vịt trên ao cá, phân vịt thải ra cho cá ăn hoặc tạo nguồn thủy sinh trong ao phát triển làm thức ăn cho cá. Hình thức này giúp giảm đáng kể chi phí dọn chuồng, cung cấp nước uống cho vịt. Đây là hình thức nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học được khuyến cáo chăn nuôi ở nhiều tỉnh.

Ba là, nuôi nhốt hoàn toàn, không thả ra kênh, ra đồng. Phần lớn thức ăn cho vịt phải mua, vịt ăn thức ăn nhiều hơn nên giá thành cao. Hình thức này phù hợp trong lúc có dịch cúm, giúp người nuôi kiểm soát tốt dịch bệnh, người chế biến và người tiêu dùng an tâm hơn.

Tuy nhiên, giống vịt nuôi nhốt hiệu quả hiện nay không dễ mua số lượng lớn vì nguồn giống ít như vịt xiêm, giống vịt lai.

Năm 2010, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chuyển giao cho 29 hộ ở bốn huyện Mang Thít, Tam Bình, Vũng Liêm và Trà Ôn nuôi 8.650 con vịt theo hình thức 'Nuôi vịt thịt an toàn sinh học' do Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ. Kết quả cho thấy, vịt nuôi nhanh lớn, dễ chăm sóc và quản lý, vịt không mắc bệnh, trọng lượng đạt từ 1,5 đến 2,6 kg/con... Bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội và môi trường cho người nuôi chẳng những mở ra hướng đi mới cho nghề chăn nuôi vịt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long mà còn có thể phát triển rộng ra khu vực đồng bằng sông Cửu Long.