Đọc sách: "Xa ngoài kia nơi loài tôm hát”

NDO - “Đẹp đẽ và đau đớn…” là cách mà The New York Times gọi cuốn sách này. Nhưng có lẽ hơn thế, tác phẩm như một khúc hát ấm áp và tha thiết về sự sống, về tình yêu con người.
0:00 / 0:00
0:00
“Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” của Delia Owens. (Ảnh: Cao Hải Giang)
“Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” của Delia Owens. (Ảnh: Cao Hải Giang)

Phải nói là nó ngân vang mãi, tiếng rì rào về cuộc đời một cô gái trẻ, một cuộc đời gần như mất kết nối với gia đình và cộng đồng khi cô bị bỏ rơi từ lúc 7 tuổi, một mình sống trong đồng lầy. Nhưng cũng lại là một cuộc đời kết nối sâu sắc với thiên nhiên, để rồi trở thành một nhà sinh học, tác giả sách nổi tiếng về sinh vật đồng lầy và cho đến khi thanh thản ra đi vẫn giữ mãi bí ẩn về một vụ án mạng…

“Đẹp đẽ và đau đớn…” là cách mà The New York Times gọi cuốn sách này. Nhưng có lẽ hơn thế, tác phẩm như một khúc hát ấm áp và tha thiết về sự sống, về tình yêu con người.

Lãng mạn và dữ dội

Nếu tách riêng “Where the crawdads sing” (“Xa ngoài kia nơi loài tôm hát”, NXB Trẻ) theo mạch vụ án - nó thực sự ly kỳ, hấp dẫn; nếu bước theo dấu chân cô gái bị bỏ lại và lớn lên cùng đàn mòng biển, rồi trở thành một nhà tự nhiên học - tác phẩm cũng đầy chất thơ, cuốn hút… Thậm chí, chỉ nội mạch truyện về những sóng gió gia đình cô, sự trưởng thành và tình yêu tuổi trẻ… của nhân vật chính cũng khiến người đọc khó buông sách.

Nhưng điều tuyệt với là Delia Owens đã hòa trộn cả 3 trong một giai điệu ngân nga riêng của bà: lãng mạn, dữ dội, trong sáng, cuốn hút, xúc động nơi con người và thiên nhiên hoang dã hòa nhịp, nâng đỡ nhau.

Kya từng có một gia đình với ba, má các anh chị, nhưng tất cả lần lượt rời bỏ cô. Cô bé con đã ngủ ngoài hiên lán đợi má về dịp sinh nhật, thức dậy thổn thức bên căn bếp lạnh, chứng kiến lá thư mang tin má chưa kịp đọc bị ba đốt cháy, gạt nước mắt chia tay anh trai bỏ đi vì không chịu nổi đòn roi của ba… 7 tuổi, cô bé bắt đầu phải tự nuôi sống mình trong đầm lầy bằng cách bắt vẹm bán… khi người cha dù chỉ biết “uống, la hét, đánh đập” cũng rời đi nốt. Tất cả đủ làm trái tim người đọc bàng hoàng.

Cậu bé Tate - con trai một người câu tôm trong vùng gặp Kya khi cô bé bị lạc. Cậu là thầy giáo dạy chữ đầu tiên cho Kya, mang sách đến với cô, là mối tình đầu của cô, người từng rời bỏ cô và cũng là người trở về bên cô như một người bạn đời, một đồng nghiệp lớn của Kya. Trong khi đó, Chase Andrews bước vào cuộc đời Kya ở thời điểm cô gái mới lớn khao khát tình yêu và một kết nối với đồng loại. Nhưng cậu trai phóng đãng Chase Andrews đã mau chóng phải trả giá vì xâm phạm vào sự sinh tồn của Kya vốn được thiên nhiên dạy dỗ và bao bọc… Cái chết của Chase Andrews mở ra từ đầu sách và chỉ được hé lộ vào những trang cuối với những đan cài chặt chẽ từ toàn bộ diễn biến câu chuyện, gắn chặt với những bài học từ đồng lầy.

Và những điều thiên nhiên dạy ta

Tôi thích gọi đây là một tác phẩm về thiên nhiên, môi trường vì nó như một cuộc trình hiện bằng nghệ thuật ngôn từ trên nền hiện thực của vùng ngập nước hoang sơ ở bờ Bắc Carolina.

Không ngạc nhiên khi Delia Owens là một nhà văn và nhà động vật học người Mỹ. “Đường gươm thử cũng là đường gươm bậc thầy” - tác phẩm đầu tay này của bà ra đời năm 2018 đã vượt mốc 6 triệu bản sau chỉ một năm, đồng thời đứng đầu bảng xếp hạng của Amazon…

Đọc sách: "Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” ảnh 1

“Where the crawdads sing” bản tiếng Anh và tác giả Delia Owens. (Ảnh: The Washington Post)

Toàn bộ tác phẩm như những đợt triều, dâng rồi rút, mở ra rồi vùi lấp, êm đềm, thơ mộng, kỳ ảo và cũng bí ẩn như chính câu chuyện về Kya-cô gái đồng lầy.

Có thể tìm thấy trong cuốn sách này vô số sinh vật trên hệ sinh thái đầm lầy: lũ mòng biển lượn vòng và kêu thất thanh, con gà nước, ổ hải ly, lũ rùa, đàn gà rừng, con ếch bò, những chú hươu đứng im như cây thông, bọn cua rù rì ngửa lưng chôn mình xuống khoảng nước, đàn vịt trời, rái cá, sò, vẹm, diệc đêm - sinh vật chân dài sống bí ẩn sâu trong đầm lầy…

Những kiến thức sinh học và cuộc sống kỳ thú của muôn loài cũng hiện diện tự nhiên trong cuộc lớn lên và trưởng thành của Kya. Ví như: “Chấm đỏ trên mỏ một chú mòng biển cá trích, không chỉ để trang trí. Chỉ khi chim non mổ vào đó thì chim bố mẹ mới nhả thức ăn bắt được ra cho con…”. Hay việc Kya học cách đọc những dòng nước bình thường với dòng chảy xa bờ, làm sao để cưỡi chúng vượt ra hoặc vùng thoát bằng cách cắt vuông góc với hướng chảy…

Tác phẩm cũng nhắc đến Aldo Leopold như một “người thầy trong sách” của cô gái đầm lầy. Nó cho thấy tư tưởng, tâm hồn của một nhà khoa học hướng về thiên nhiên trong ngòi bút nữ nhà văn Delia Owens. Bởi lẽ Aldo Leopold (1887-1948) là nhà khoa học, nhà địa chất học, nhà triết học và nhà môi trường học người Mỹ. Ông nổi tiếng với tác phẩm “Niên lịch miền gió cát” đầy chất thơ và những giá trị khoa học về bảo tồn thiên nhiên hoang dã.

Delia Owens viết: “Những ngày hè còn lại, Kya và Tate mở lớp học đọc ở căn nhà đổ nát. Đến giữa tháng Tám cả hai đã đọc hết Niên lịch miền gió cát, và mặc dù không đọc được tất cả các từ, con bé vẫn hiểu gần trọn nội dung. Aldo Leopold dạy con bé rằng những bãi bồi ngập nước là vùng mở rộng sống của con sông, sông sẽ lấy chúng lại bất cứ khi nào nó muốn. Ai sống trên bãi bồi chỉ đang chờ sông quay lại. Con bé học được lũ ngỗng đi đâu vào mùa đông và ý nghĩa âm nhạc của loài chim này. Ngôn từ mềm mại của ông, nghe tựa như thơ, dạy con bé rằng đất chứa đầy sự sống và là một trong những nguồn của cái quý giá nhất địa cầu; rằng rút cạn vùng ngập nước sẽ làm đất đai hàng dặm xung quanh khô khốc, giết chết cây cối và muôn thú cùng nguồn nước. Một vài hạt giống sẽ ngủ vùi trong đất khô hàng thập kỷ, đợi chờ và khi nước cuối cùng cũng về nhà, mầm sẽ bật tung mặt đất, mở hé gương mặt tươi non. Những điều kỳ diệu và kiến thức đời sống mà con bé sẽ chẳng bao giờ được học ở trường…”.

Cuốn tiểu thuyết, vì như vậy, cũng đầy những gửi gắm về triết lý sống mà thiên nhiên đã mang đến cho con người, nhiều khi thật giản dị:

Như mọi khi, đại dương có vẻ giận dữ hơn đồng lầy. Sâu hơn, nó có nhiều điều để nói hơn”.

Khi gặp rắc rối, hãy buông tay thôi, trở lại thảnh thơi”.

Kya từ một cô gái đồng lầy đến cuối cùng vẫn là một cô gái đồng lầy. Cô trở thành tác giả của gần 10 đầu sách đoạt giải, được trao tặng nhiều giải thưởng và danh hiệu-trong đó có học vị tiến sĩ đanh dự của Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill.

Nhờ đó, cô trở thành chủ nhân chính thức của “ba trăm mười mẫu phá nước mướt xanh, đồng lầy lấp lánh, rừng sồi và một bãi biển riêng trải dài dọc bờ Bắc Carolina” và bảo vệ chúng khỏi những dự án rút cạn đồng lầy nhằm xây khách sạn.

Và một buổi chiều, ở tuổi 64, vẫn còn trẻ và tuyệt đẹp, trái tim của Kya lặng lẽ ngừng đập khi ngả đầu thảnh thơi trên con thuyền đi thu nhặt mẫu vật…

Kya rời đi để Tate và bạn đọc khám phá nốt phần bí ẩn của cuộc đời bà. Và sau hết thảy mọi điều, không thể không nhắc đến điều này: “Với Kya, được là một phần của trình tự tự nhiên chắc chắn như thủy triều lên xuống này cũng đủ. Cô gắn kết với hành tinh của cô và sự sống của nó theo cách mà rất ít người làm được”.

Từ cuộc đời của Kya, độc giả cũng có thể tự hỏi và tự trả lời: Kết nối thật sự cần cho con người là gì?.

Đọc sách: "Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” ảnh 2

Phim "Xa ngoài kia nơi loài tôm hát" dự kiến khởi chiếu tại Việt Nam ngày 2/9/2022.

Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết pha trộn nhiều yếu tố hấp dẫn trên, bộ phim cùng tên “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” dự kiến khởi chiếu tại Việt Nam vào 2/9/2022. Phim do nữ đạo diễn Olivia Newman dẫn dắt, biên kịch Lycy Alibar. Trailer của phim được công bố cho thấy phần nào những tình tiết đắt giá, kịch tính và bối cảnh thơ mộng, hấp dẫn được chắt lọc từ tác phẩm văn học.