Đọc sách: “Trà thư” - Gặp nhau trong một chén trà

Đọc sách: “Trà thư” - Gặp nhau trong một chén trà

NDO - “Nhưng khi chúng tôi thấy, rốt cuộc chén vui nhân sinh này mới nhỏ bé làm sao, mà cũng nhanh chóng tràn trề những giọt nước mắt biết bao, rồi dễ dàng cạn kiệt đến tận đáy biết bao trong cơn khát khao không bao giờ thoả mãn tìm kiếm cái vô hạn, thì có lẽ chúng tôi không nỡ trách cứ bản thân đã quá coi trọng một chén trà”. Đó là một đoạn trích trong cuốn sách “Trà thư” của Okakura Kakuzo, do Nhà xuất bản Thế giới và Thái Hà Books ấn hành.

Đáng chú ý, "Trà thư" là cuốn sách được viết bằng tiếng Anh (nguyên tác “The Book of Tea”) ra đời năm 1904, dành cho người phương Tây trong bối cảnh Á-Âu còn những khoảng cách lớn về sự thông hiểu. Đây cũng tác một trong những tác phẩm giá trị nhất viết về Trà đạo Nhật Bản không chỉ đối với đất nước Mặt trời mọc mà với cả thế giới.

Học giả Okakura Kakuzo (sinh năm 1862), từng là Hiệu trưởng của Trường Mỹ thuật Tokyo. Ông sớm được tiếp cận tiếng Anh trong bối cảnh Nhật Bản mở cửa bước vào một cuộc cách tân hướng ra thế giới. Nhưng Okakura Kakuzo không chỉ tiếp cận những thành tựu phương Tây, ông nắm vững và trân trọng những văn hóa phương Đông và những giá trị truyền thống của Nhật Bản.

Đọc sách: “Trà thư” - Gặp nhau trong một chén trà ảnh 1

Đọc "Trà thư", có thể xem như một cuộc trò chuyện với một tác giả uyên bác Đông-Tây cách ta đến nay hơn một thế kỷ.

Tác phẩm có 7 chương: “Chèn trà nhân loại”, “Các trường phái trà”, “Đạo giáo và thiền”, “Trà thất”, “Cảm thụ nghệ thuật”, “Hoa”, “Trà nhân”.

"XIN HÃY CÙNG NHAU THƯỞNG THỨC MỘT NGỤM TRÀ"

_____________________

Từ khởi đầu, trà được dùng như một vị thuốc rồi dần dần trở thành một thứ đồ uống, tác giả kể những chặng trà đến với các quốc gia thế nào, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là các nước châu Âu. Cái nhìn của ông về đường đi của trà không đơn thuần là câu chuyện một thức uống mà còn là một cuộc giao lưu văn hoá, thấu hiểu nhau giữa Á-Âu và rộng ra là trong cõi người.

Theo tác giả dẫn, ghi chép sớm nhất về trà ở châu Âu tìm thấy trong tường thuật của một lữ khách Ả Rập: Sau năm 879, hai nguồn thu nhập chính của Quảng Châu là thuế đánh vào muối và trà.

Marco Polo có chép, năm 1285, một vị Thượng thư bộ Hộ Trung Hoa bị cách chức vì tự ý tăng thuế trà. Cuối thế kỷ XVI, người Hà Lan mang thông tin về thứ nước uống dễ chịu chế từ lá cây dại. Các lữ hành gia như Giovanni Batista Ramusio, L.Almeida, Maffeno, Tareira cũng đồng loạt nhắc tới trà.


Đọc sách: “Trà thư” - Gặp nhau trong một chén trà ảnh 2

Cái nhìn của ông về đường đi của trà không đơn thuần là câu chuyện một thức uống mà còn là một cuộc giao lưu văn hóa, thấu hiểu nhau giữa Á-Âu và rộng ra là trong cõi người.


Năm 1610, các tàu của Đông Ấn Hà Lan đã mang những kiện trà đầu tiên vào châu Âu. Trà đến Pháp năm 1636, đến Nga năm 1638.

Trà trở thành một tham chiếu xã hội học, nhân học thú vị. Nhiều ghi chép phong phú, dí dỏm về cả sự cổ xuý trà và phản đối trà của người phương Tây. “Những văn sĩ hài hước phương Tây đã không chậm trễ pha trộn hương thơm của trà vào hương vị tư tưởng của họ”.

Nhà văn, nhà ngôn ngữ học người Anh Samuel Johnson tự họa chân dung mình như “một kẻ uống trà lỳ lợm và trơ tráo, trong suốt hai mươi năm đã pha loãng bữa ăn của mình với duy nhất một thứ nước pha từ một loại cây cỏ quyến rũ; là người tiêu khiển lúc chập tối với trà, khuây khoả lúc nửa đêm với trà và chào đón mỗi bình minh cùng với trà”…

Đọc sách: “Trà thư” - Gặp nhau trong một chén trà ảnh 3

Cùng với những “bối cảnh”, “nguồn gốc” của trà, tác giả với cái nhìn thông tuệ nhiều lĩnh vực đời sống văn hoá, xã hội phương Đông, phương Tây đã nói chuyện trà một cách sâu sắc. Đấy là các giai đoạn, trường phái trà, trong đó về cơ bản chia làm 3 giai đoạn chủ yếu: Trà đun (Đoàn trà), trà khuấy (Mạt trà) và trà ngâm (Yêm trà).

Rồi những lý tưởng về trà cũng đặc trưng cho những đa dạng về khí chất của nền văn hoá phương Đông. Rồi có thể phân thành 3 trường phái trà tương ứng: Cổ điển, lãng mạn, tự nhiên.

Và cho dù nguồn gốc, giai đoạn, cách thưởng thức ra sao, và ngay trong lúc thế giới chờ đợi những hàn gắn sau những tàn phá, thì như Okakura Kakuzo nói: “xin hãy cùng nhau thưởng thức một ngụm trà”.

CẢM NHẬN NHỮNG ĐIỀU NHỎ BÉ

________________________

“Ai không cảm nhận được sự nhỏ bé trong những điều lớn lao của chính mình thì sẽ khó mà nhận ra được sự lớn lao trong điều nhỏ bé của người khác".

Trà được tác giả nhìn dưới góc độ mối liên hệ tự nhiên với Đạo và Thiền. Và theo ông, “toàn bộ lý tưởng của trà đạo là kết quả của ý niệm thiền về sự vĩ đại trong những điều nhỏ nhặt nhất của cuộc sống. Đạo giáo tạo nền tảng cho lý tưởng mỹ học và Thiền hiện thực hoá chúng”.

“Ai không cảm nhận được sự nhỏ bé trong những điều lớn lao của chính mình thì sẽ khó mà nhận ra được sự lớn lao trong điều nhỏ bé của người khác.”

Đọc sách: “Trà thư” - Gặp nhau trong một chén trà ảnh 4

Bên cạnh đó, cùng với với câu chuyện “Trà thất”, “Hoa”, “Cảm thụ nghệ thuật”…, trà trở thành một nhân tố kết nối con người với bản thân mình và với tự nhiên, một cách trong trẻo, thuận tình nhất.

“Người nào đã đặt chân lên con đường Roji (con đường đi qua vườn đến phòng trà chính), khi bước đi trong sự bao phủ của cây xanh trên những nấc đá được xếp không đều mà cân đối, bên dưới phủ lá thông khô và bước bên cạnh những cây đèn đá đầy rêu, không thể không nhớ tinh thần của mình đã chuyển hoá vượt mọi suy nghĩ thông thường như thế nào”.

Và hoa nữa, luôn đi kèm với trà. “Khi sửa soạn xong một bông hoa theo ý thích, Trà nhân đặt nó và tokonoma, vị trí trang trọng nhất trong một căn phòng ở Nhật Bản… Nghệ thuật cắm hoa dường như xuất hiện đồng thời với Trà đạo vào thế kỷ XV”.

Một câu chuyện dài Đông và Tây trong cách thưởng thức cuộc sống. Như là chuyện một bông triêu nhan (hoa bìm bìm tím) đã bước từ khu vườn đầy hoa triêu nhan, vào phòng Trà chính và mang đến bất ngờ cho bạo chúa Taiko ra sao.

"Trà thư" được viết bằng tiếng Anh, với tâm thế của một học giả tự hào về văn hóa truyền thống nhưng hướng tới sự kết nối với thế giới. Cũng có thể xem là một cách trở về, như ông nói: “Việc Nhật Bản cách biệt khỏi phần còn lại của thế giới trong một thời gian dài góp phần thúc đẩy chúng tôi coi trọng cuộc sống bên trong, luôn tự xét mình và đó cũng chính là cơ hội vô cùng thuận lợi cho sự phát triển của Trà Đạo”.

"Trà thư" được viết bằng tiếng Anh, với tâm thế của một học giả tự hào về văn hóa truyền thống nhưng hướng tới sự kết nối với thế giới.

Đâu đó, qua những trang sách, trà để lại những ngẫm ngợi như hậu vị khó tả của chén trà ngon: “Trong ngôn ngữ dân dã, chúng tôi coi một người “thiếu Trà” khi anh ta không cảm nhận được sự hấp dẫn nửa bi nửa hài trong tấn kịch của con người. Và ngược lại, những kẻ theo chủ nghĩa duy mỹ chưa bị khắc chế-bất chấp cái bi kịch của đời sống trần tục-sống buông thả theo cảm xúc là người có “quá dư Trà”.

back to top