Cuốn sách có 5 chương, là những ghi chép, chia sẻ của tác giả theo những chủ đề nhất định trên những chặng đường mà anh và gia đình nhỏ đã đi qua. Phần 1: Đi đâu là nhà ở đó, Phần 2: Chỗ của con là ở thế giới, Phần 3: Vũ trụ của chúng ta, Phần 4: Chuyện tử tế. “Đi khi ta còn trẻ” là cuốn sách lên đường cùng bạn đọc, có thể “nhâm nhi” từ bất cứ chương nào hoặc câu chuyện nào trong sách mà ta thích, ta quan tâm. Không có điều gì quá to tát, là cuộc sống, quan niệm, những quan sát thường ngày ở đâu đó trong một thế giới đã trở nên “phẳng” hơn ta nghĩ.
“Trẻ” ở đây cũng là một khái niệm tương đối, một cảm hứng hơn là một giới hạn độ tuổi. Và “đi” có lẽ cũng là một thái độ sống hơn là một giới hạn của hành động lên đường.
KHI NÀO TA LÊN ĐƯỜNG?
Phần 1: “Đi đâu là nhà ở đó” đặt ra những câu hỏi thú vị quanh chuyện lên đường. Nó là một phản chiếu của sự chuyển đổi trong lối sống, nếp sống, sự va đập, đan cài giữa cái cũ và cái mới, giữa văn hoá truyền thống và xu thế hội nhập… “Quê hương là đâu?”, “Đi khi ta còn trẻ”, “Đi khi ta về già”, “Tiền đâu mà đi?”, “Đi khi con còn nhỏ”, “Đi khi ta một mình”, “Đi khi ta phải lòng những nơi chưa từng tới”…
Như tác giả bày tỏ: “Bạn đi đâu với trái tim rộng mở, tri thức được chuẩn bị kỹ càng, kỹ năng sống của bạn tốt, khả năng hoà nhập cao, thì đâu cũng có thể là nhà. Nhà đối với tôi không còn là một khái niệm vật lý, chỉ căn nhà ta đang sống hay một giá trị tài sản nữa”. Có lẽ đây cũng là suy nghĩ của nhiều bạn trẻ trong một thế giới xê dịch khi mà điều kiện vật chất và nhu cầu tinh thần của con người ngày một được nâng cao.
Vậy thì quê hương ở đâu và câu chuyện “đi để trở về” được thế hệ hôm nay “định nghĩa” cũng như ứng xử thế nào? Trương Anh Ngọc chia sẻ: “Và quê hương Việt Nam của con tôi đơn giản là tình cảm gia đình, là những đồ ăn bà làm cho, bánh cuốn và nem, là những tin nhắn của mẹ và bố, là niềm tin gia đình dành cho con, thúc đẩy con đi đến những chân trời mà con muốn hướng tới…”
Sự “trở về” có lẽ cũng được tái định nghĩa một cách đầy đủ hơn, không còn bó buộc trong giới hạn dịch chuyển cơ học, mà là trong tâm tưởng và hành động hướng về nơi đã ta cho ta phần máu thịt, tâm hồn.
Bạn đi đâu với trái tim rộng mở, tri thức được chuẩn bị kỹ càng, kỹ năng sống của bạn tốt, khả năng hoà nhập cao, thì ĐÂU CŨNG CÓ THỂ LÀ NHÀ. Nhà đối với tôi không còn là một khái niệm vật lý, chỉ căn nhà ta đang sống hay một giá trị tài sản nữa.
- Nhà báo Trương Anh Ngọc -
“Đi khi ta còn trẻ” cũng chia sẻ với độc giả những lo toan thực tế, những tỉnh táo cần thiết của việc lên đường. Và điều này là thiết thực cho người trẻ, người mới bắt đầu những chuyến viễn du. “Phải phân biệt rõ hai kiểu đi, thứ nhất là đi nghỉ dưỡng, thứ hai là đi trải nghiệm”, “Đi trải nghiệm thì không cần nhiều tiền, mà đòi hỏi biết lên kế hoạch chi tiết, tính toán các chi phí một cách phù hợp… và phần thưởng cho bạn sẽ là những trải nghiệm phong phú chân thực về cuộc sống, bạn sẽ đến được những góc thiên nhiên mà khách sạn không thể đưa bạn tới và những món ăn độc đáo mà resort không thể cung cấp.”
Rồi khi đi có trẻ con thì trên xe sắp xếp ra sao, làm thế nào để đứa trẻ và cha mẹ cùng nhau có một chuyến đi vui vẻ… Không hẳn là những lời khuyên, cuốn sách kể câu chuyện của người trong cuộc để người đọc có thêm một gợi ý, tham khảo.
(Ảnh: Nhã Nam) |
ĐI LÀ MỘT CÁCH THẤU HIỂU
Một trong những điều thú vị nhất của cuốn sách là những món quà cuộc sống ta nhận được sau mỗi hành trình. Một thế giới phong phú hơn ta nghĩ, một sự đa dạng văn hoá mà ta phải học cách tôn trọng và thấu hiểu, cũng từ đó mà trân quý phần văn hoá máu thịt ta đã được trao truyền.
________________________________
“Đi khi ta còn trẻ” dành nhiều trang sách nói về câu chuyện con cái trong gia đình hôm nay. Một câu chuyện lớn mà thời đại nào cũng đáng quan tâm, nhưng sự quan tâm trong bối cảnh hôm nay lại có thêm những điều mới mẻ, đáng sẻ chia.
__________________________________
“Ở trường con đã học nghệ thuật như thế” trong phần 2: “Chỗ của con là ở thế giới” là một câu chuyện thú vị. Tác giả kể về ngôi trường của con gái anh đã học tại Ý: “Có thể tin được không, những đứa trẻ khối lớp năm của con tôi cùng nhiều học sinh nhỏ tuổi khác sẽ trình diễn vở opera: Người thợ cạo thành Sevilla của Gioacchino Rosini!... Vở diễn ấy nằm trong chương trình ngoại khoá về nghệ thuật cuối năm của bọn trẻ”.
Những trải nghiệm này khiến ta nghĩ nhiều hơn về sự cần thiết của việc học nghệ thuật đối với trẻ, về những băn khoăn gọi là “môn chính, môn phụ” trong trường học, về sự giáo dục thực chất cho trẻ em nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá…
"ĐI nhiều hơn nghĩa là hiểu biết hơn, là trở nên bao dung và khiêm tốn hơn." - Nhà báo Trương Anh Ngọc - |
Cũng như vậy, “Đi khi ta còn trẻ” dành nhiều trang sách nói về câu chuyện con cái trong gia đình hôm nay. Một câu chuyện lớn mà thời đại nào cũng đáng quan tâm, nhưng sự quan tâm trong bối cảnh hôm nay lại có thêm những điều mới mẻ, đáng sẻ chia.
Trên mỗi chuyến đi như thế, cũng là dịp để gia đình gần nhau, để kéo gần khoảng cách thế hệ, để đồng hành cùng con cái trưởng thành.
Đi cũng là cách dạy con gián tiếp, hiệu quả về những bài học cuộc sống. Chi tiết cuốn sổ đặc biệt của con gái tác giả kín chữ ký và những dòng cảm nghĩ của những người mà cô bé gặp trên khắp những chuyến đi là một chi tiết thú vị.
Có thể nói, cuốn sách nhỏ mang đến những cảm hứng tích cực, khơi dậy niềm ham sống và giục giã ta “đi” theo cách của mình. Dẫu là bước chân ra đến một quốc gia khác, một thành phố khác, một ngôi làng khác, một con đường mới… cũng đều đáng trân trọng như nhau. Chỉ cần ta chú ý nhận ra trong mỗi bước đi một vẻ đẹp cuộc sống hiện diện.