Đó là “Khai nguyên rồng tiên” - công trình được xem như “lần đầu tiên hệ thống, cung cấp các dẫn liệu dân tộc học lịch sử về sự trôi nổi của huyền thoại rồng tiên trong cộng đồng Việt-Mường-Thái, đồng thời, thử chú giải cho các sự kiện Đại Việt sử ký toàn thư theo cái nhìn đa tộc người… Sự mở rộng các chú giải dân tộc học vào miền núi Thanh Hóa, nhất là các xứ Thái, cung cấp cho người đọc một tri thức căn bản về cội nguồn tiên khởi đa tạp về truyền thống chính trị tộc người Việt-Mường-Thái mà tổ tiên là đoàn quân Lam Sơn năm nào…”
Có thể nói với cuốn sách hơn 300 trang này, Nguyễn Mạnh Tiến tiếp tục tinh thần nhìn từ núi, phương pháp tiếp cận liên ngành, lối viết sinh động dẫn dắt người đọc tới một hành trình của hiểu biết và cộng cảm về tính đa sắc trong thực thể thống nhất của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
“Khai nguyên rồng tiên” có hai phần lớn là “Huyền thoại Rồng-Tiên và những ràng buộc lịch sử Đại Việt đa tộc người thế kỷ XV” và “Miền núi Thanh Hoá và những tiểu luận về người Thái”.
Trong đó, phần I có những câu chuyện tưởng quen thuộc mà lại mới mẻ “Cha rồng-Mẹ tiên: Nhân dân cùng chung một bọc”, “Tập đoàn Mường-Thái-Việt: Sự khai sinh nhà Lê và sự chuẩn định huyền thoại nguồn gốc dân tộc”, “Rồng/rắn/nước-chim/tiên/cạn: Thân tộc huyền thoại Thái”...
Ở phần II, nhà dân tộc học dẫn bạn đọc tiến vào miền núi Thanh Hóa với những câu chuyện về các cộng đồng người Thái - vốn được ghi nhận phần nhiều qua sống trải thực địa trên nền những tư liệu ít ỏi về tộc người trong lịch sử. Trong phần này lại có phần dẫn và các phần nhỏ như: “Các xã hội tộc người miền núi Thanh Hóa”, “Mường giữa hai ngã ba sông: Người Phủ Tày Mường CaDa”...
Thoạt nhìn, dễ thấy những đi sâu dân tộc học có vẻ quá chi tiết, khó tiếp cận với cách đọc phổ thông. Nhưng kỳ thực, bên cạnh những chú giải sâu cho nhà nghiên cứu, những bài viết chính trong mỗi phần đều là những câu chuyện được Nguyễn Mạnh Tiến chắt lọc, tái hiện dưới góc nhìn phản biện, giọng văn linh hoạt, lôi cuốn của anh.
Vì vậy, cuốn sách có thể đọc nhẩn nha trên một hành trình sống trải nào đó của bạn đọc để tìm kiếm sự đồng cảm hoặc thậm chí là phản biện với tác giả. Cách nào thì sự đọc ấy cũng làm sâu dày thêm tri thức và một tinh thần hiểu lịch sử, văn hoá sâu sắc hơn.
Một hiểu biết đa sắc, sinh động
Cuốn sách có thể đọc nhẩn nha trên một hành trình sống trải nào đó của bạn đọc để tìm kiếm sự đồng cảm hoặc thậm chí là phản biện với tác giả. Cách nào thì sự đọc ấy cũng làm sâu dày thêm tri thức và một tinh thần hiểu lịch sử, văn hoá sâu sắc hơn.
Nói ngắn gọn thì tưởng tượng tập thể quen thuộc với chúng ta về chuyện Cha rồng-Mẹ tiên lâu nay thường được xem như cơ bản thuộc về cộng đồng đông đảo nhất của quốc gia là người Kinh, thậm chí sử gia nước ngoài cho rằng nó có ảnh hưởng từ Trung Hoa. Điều này còn được chuẩn định trong công trình Đại Việt sử ký toàn thư vào cuối thế kỷ XV.
Nhưng bằng những bước chân thực địa suốt nhiều năm và phương pháp xử lý tư liệu đa ngành, Nguyễn Mạnh Tiến dần chỉ ra, rằng huyền thoại về nguồn gốc này có tính bản địa với những khởi nguồn từ các nhóm tộc người quan trọng như Mường-Thái đã làm nên sức mạnh của quốc gia Đại Việt thời ấy.
Như vậy, huyền thoại rồng tiên được dẫn liệu và phân tích như một cảm quan bản địa đa tộc người. Nguyễn Mạnh Tiến đã hệ thống phẩm chất bản địa trong một huyền thoại quen thuộc và phần nhiều được phản ánh trong lịch sử với góc nhìn lệ thuộc Trung Hoa.
Tiếp cận này không chỉ giúp người đọc bổ sung cho nhận thức của mình về huyền thoại nguồn gốc mà còn mở rộng, củng cố tri thức về cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Qua những bước chân của tác giả ngược về miền núi Thanh Hoá, nơi khởi nguồn đoàn quân Lam Sơn lừng lẫy năm xưa, những hiểu biết về cộng đồng dân tộc cũng hiện diện một cách đa sắc, sinh động thay vì đơn sắc, bất biến.
Ví như, “người Thái tỉnh Thanh Hoá dù chỉ chiếm khoảng 14,5% người Thái toàn quốc nhưng trong quá khứ - một quá khứ đã không được ý thức hết tầm quan trọng của nó - cộng đồng Thái tỉnh này lại tham dự vào rất nhiều biến cố quyết định cho số phận Việt Nam. Sự ảnh hưởng của nhóm Thái-Mường trong tập đoàn Lam Sơn, sự trung hưng nhà Lê, biến động Cần Vương cùng nhiều biến động nhỏ hơn mang tầm mức quốc gia mà người Thái Mường và các tộc người Thanh Hóa đã chủ động can dự…”
Từ đây, dễ thấy, điều một nhà dân tộc học có thể mang đến cho người đọc chính là khả năng kết nối sâu sắc với vùng đất, cộng đồng. Sự kết nối vượt không gian, thời gian, có thể chạm tới cái ta sâu sắc bên trong mỗi người.
Tiếp tục tinh thần nhìn từ núi
Nghiên cứu, phân tích từ câu chuyện huyền thoại nguồn gốc của Nguyễn Mạnh Tiến thể hiện sự thận trọng, cầu thị, đánh động trong người đọc sâu một tư duy phản biện-một thái độ dè chừng cần thiết với “những kết luận mang tính tri thức phổ thông được chấp nhận lâu nay” để tiến tới một sự thông hiểu. Cũng là để những hiểu lầm, sai lệch về miền núi và cộng đồng dân tộc thiểu số. Đó thực sự là cái “hiểu” với tư cách như một thôi thúc bên trong chứ không phải một cái “biết” thụ động từ bên ngoài. Hiểu miền núi để nhìn bằng bộ lọc miền núi với một phần thực thể, tâm hồn Việt Nam là đồng bào các dân tộc ở mọi miền đất nước.
Chẳng hạn, bạn đọc có thể nghĩ về câu chuyện này khi đặt chân tới Thường Xuân, Thanh Hóa. Rằng, “ở những khúc sông sâu người Thái thường coi đó là nơi trú ngụ của mẹ Rồng, và nó được hình dung là thông lên các đỉnh núi cao, nơi có cha Chim trú ngụ. Đây chính là những địa điểm người Thái xưa lập đền thờ mẹ nước…, ngày nay, nổi bật hơn cả người ta có thể tìm thấy di tích này ở bản Chiền, mường Luộc (xã Xuân Lộc), huyện Thường Xuân”.
Nghiên cứu, phân tích từ câu chuyện huyền thoại nguồn gốc của Nguyễn Mạnh Tiến thể hiện sự thận trọng, cầu thị, đánh động trong người đọc sâu một tư duy phản biện-một thái độ dè chừng cần thiết với “những kết luận mang tính tri thức phổ thông được chấp nhận lâu nay” để tiến tới một sự thông hiểu.
Nguyễn Mạnh Tiến cũng dẫn ra huyền thoại Mường về cuộc hôn phối của mẹ Hươu và bố Cá, với giọng điệu nhẹ nhàng, hài hước: “Giống như cuộc đời này, sau phút đầu tình yêu ngọt ngào, hôn nhân chứa đựng nhiều phiền toái, nhất là lại đẻ lắm, tới trăm đứa con, bất hòa nổ ra, nàng Hươu và chàng Cá thường xuyên cãi vã, cuối cùng đường ai nấy đi. Nàng Hươu dẫn 50 con lên núi đồi khai sinh dòng vua áo đen, còn chàng Cá đem 50 con về miền cửa sông khai sinh dòng vua áo vàng”.
“Khai nguyên rồng tiên” cũng có những trang viết về những tên tuổi tướng quân người Thái đã có công không nhỏ trong đoàn quân của vua Lê đánh giặc Minh giải phóng đất nước. Những trang viết khá gần gũi, dễ tiếp nhận với bạn đọc, minh chứng cho những nhận định của tác giả.
Tướng quân Khằm Ban “dáng người to cao, tai to ngực rộng bước đi mạnh mẽ, ông xăm chân tay, ngực lưng nhìn rồng (rùng) rợn nên ông còn có tên là ông Chu Kha La (Ông Xăm Mình)… Hưởng ứng lời gọi của vua Lê Thái Tổ, ông cùng binh mã theo vua Lê đánh giặc Minh. Ông được phân đánh giặc ở vùng Lũng Cú, Đồng Văn, Đồng Đăng, Kỳ Lừa… Cánh quân của ông đánh giặc mưu trí lôi kéo được nhân dân trong vùng tham gia đánh thắng nhiều trận liên tiếp…”
Có thể nói những tri thức tộc người từ các cá nhân của miền núi đã giúp Nguyễn Mạnh Tiến “lần theo các nẻo đường mòn để tìm về một phần lịch sử quan trọng bị chìm sâu trong lãng quên của vùng đất”. |
Có thể nói những tri thức tộc người từ các cá nhân của miền núi đã giúp Nguyễn Mạnh Tiến “lần theo các nẻo đường mòn để tìm về một phần lịch sử quan trọng bị chìm sâu trong lãng quên của vùng đất.” Và với anh, nếu không nhờ những tri thức sống cũng như tư liệu được truyền lại ấy thì “một khoảng sinh động của núi rừng đã lụi tàn trước cánh cửa thời gian”.
“Khai nguyên rồng tiên” hay trước đây là công trình “Những đỉnh núi du ca - Một lối tìm về cá tính H’Mông” có thể xem như sự nhất quán trong nỗ lực nhìn từ núi của nhà dân tộc học để cùng bạn đọc hiểu rõ hơn về một Việt Nam đa tộc người.