Người Tây Nguyên có tính cộng đồng rất cao, tính cộng đồng ấy trước hết và chủ yếu là cộng đồng làng. Nhà rông chính là linh hồn của làng. Người Ba Na gọi một ngôi làng không có nhà rông là “làng đàn bà”, tức cũng gần như nói một cái làng chưa ra làng, chưa xứng đáng là làng. Đó mới chỉ là một tập hợp rời rạc những cái nhà chưa có hồn, trong đó chứa những sinh linh cũng chưa có hồn, chưa thật sự là con người.
Nhà rông là nơi diễn ra toàn bộ đời sống cộng đồng làng, nơi dân làng tụ họp chuyện trò, tổ chức ca hát, chơi đùa; kể cho nhau nghe, truyền tai nhau những kinh nghiệm sống giữa chốn rừng núi, tổ chức lễ hội tưng bừng hay tiến hành các nghi lễ tín ngưỡng thâm trầm… Đây cũng là nơi làng tiếp đãi khách, tức là ngôi nhà đại diện của làng giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Nhà rông còn đặc biệt là nơi ngủ bắt buộc của tất cả thanh niên chưa có vợ trong làng, bởi họ là lực lượng trực chiến của làng, sẵn sàng bảo vệ làng chống lại mọi cuộc tiến công đến từ mọi phía. Vì vậy trong làng, nhà rông thường ở vị trí cao nhất, có thể phát hiện kẻ thù đến từ xa, là sở chỉ huy của các cuộc chiến đấu bảo vệ làng.
Nhà rông của người Ba Na thường cao vút, đồ sộ và bề thế, nhưng thanh thoát. Hình dáng lạ mắt tạo nên ấn tượng về sự hoành tráng và vẻ đẹp đặc trưng của nhà rông. Nóc nhà cao phổ biến khoảng 15 đến 20m, có kiến trúc hình chữ A, với đỉnh nóc được trang trí bằng một dải hoa văn độc đáo. Bốn mái nhà rông được lợp cỏ tranh. Hai mái chính rất lớn, được phủ bằng một tấm đan, trùm xuống nhiều hay ít tùy làng, có khi gần kín mái, trông đẹp hơn và lại có tác dụng bảo vệ mái nhà khi gió to. Hai mái đầu hồi hình tam giác cân.
Sàn nhà rông thường cao từ hơn 2m đến khoảng 3m, hình oval đã cắt bỏ hai đầu. Mặt sàn được chia dọc thành hai phần bằng nhau. Phía bên trong nhà rông được hình thành từ tám trụ gỗ lớn, với kiến trúc phổ biến là nhà ba gian; thường được trang trí công phu với những hoa văn và tác phẩm điêu khắc phức tạp. Cửa ra vào mở ở chính giữa mặt trước nhà, qua sàn sân rồi đến cầu thang.
Nhà rông được dân làng tạo dựng hoàn toàn bằng vật liệu tự kiếm được trong rừng, như gỗ, tre, nứa, dây rừng, cỏ tranh…, không hề có vật liệu kim khí. Công cụ làm nhà rông là những vật dụng đa năng như rìu, dao… với kỹ thuật không phức tạp, cũng không dùng bất kỳ loại máy móc nào ngoài sức người của tập thể trong làng.
Một thời kỳ dài, nhà rông bị mai một trầm trọng. Những năm gần đây, phong trào phục dựng nhà rông được chú trọng, với sự tổ chức và đầu tư của Nhà nước và do người dân thực hiện. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhà rông kiểu mới thường xuất hiện dưới dạng mái lợp tôn, sàn và vách thường làm bằng ván gỗ xẻ, nhiều nhà rông dựng bằng cột, xà bê-tông đúc, lắp cửa kính… Bởi vậy, việc dân làng dựng nhà rông kiểu cổ truyền được khích lệ, nhất là ở tỉnh Kon Tum. Nhiều ngôi nhà rông mái tranh được dựng lên, có nhiều làng chối bỏ kiểu nhà lợp tôn và tự trở lại với mái tranh quen thuộc.
Những nhà rông truyền thống đã và đang là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách đến tìm hiểu, khám phá văn hóa, con người Ba Na.
Dù nhà rông nay có thể không đủ cao lớn và đẹp như xưa, nhưng người Ba Na vẫn tha thiết, tìm mọi cách giữ gìn nguyên bản kiến trúc nhà rông của mình. Bởi văn hóa Ba Na không thể thiếu vắng nhà rông.