Nằm ở vùng núi phía bắc Thái Lan, với diện tích lên tới 20.000km2 và dân số gần 1,8 triệu người, Chiang Mai hiện là tỉnh lớn thứ hai ở Thái Lan. Chiang Mai đã từng là kinh đô của Vương quốc Lanna sau khi vương quốc này được thành lập năm 1296.
Ngày nay, với những tàn tích cổ được bảo tồn từ hàng trăm năm qua, cùng sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc thiểu số và vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, Chiang Mai là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Thái Lan. Năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các điểm du lịch của tỉnh Chiang Mai đã đón 10,8 triệu lượt du khách, trong đó có 70% là người Thái Lan và 30% là người nước ngoài, giúp tỉnh thu về cho ngân sách 100 tỷ bạt (tương đương gần 3 tỷ USD).
Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch Thái Lan nói chung cũng như tỉnh Chiang Mai nói riêng. Các biện pháp hạn chế để phòng dịch, sự thiếu vắng du khách quốc tế đã khiến hàng loạt khách sạn, nhà hàng phải đóng cửa, nhân công trong ngành phải bỏ nghề đi tìm việc khác. Từng đóng góp tới 68% vào GPD của Chiang Mai, sự suy thoái của ngành du lịch đã gây ra những tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, xã hội trong tỉnh. Các doanh nghiệp của người Thái gốc Việt trong tỉnh cũng không tránh khỏi xu thế này.
Cộng đồng người Thái gốc Việt ở tỉnh Chiang Mai được xem là tương đối nhỏ so với các tỉnh khác ở Thái Lan khi chỉ có số lượng khoảng 300 người. Hiện phần lớn gia đình người Việt ở Chiang Mai là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Mặc dù không có ai kinh doanh trong ngành du lịch, nhưng hầu như chẳng ai tránh được những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Nằm trong một con ngõ nhỏ ở gần trung tâm thành phố Chiang Mai, xưởng sửa xe của ông Bùi Văn Chính đã hoạt động được 46 năm nay. Khi đến thăm xưởng, thấy chúng tôi nhìn chiếc biển tên “Xưởng cơ khí Việt Nam” treo bên ngoài cửa, chị Nit (tên tiếng Thái là Nittaya Suksri), con gái ông Chính nói đầy tự hào: “Cái biển đó được bố tôi treo từ hồi xưởng bắt đầu mở cửa đến giờ đấy”. Trong khu xưởng rộng hàng trăm mét vuông, hàng chục chiếc xe vẫn đang nằm chờ sửa chữa. Chúng tôi đến thăm xưởng đúng vào ngày nghỉ nên trong xưởng không có khách mà chỉ có một vài thợ kỹ thuật và học việc đang lúi húi bên những chiếc xe để nghiên cứu, trao đổi với nhau.
Ông Bùi Văn Chính, chủ xưởng sửa xe Việt Nam ở Chiang Mai. |
Ông Chính tiếp chúng tôi trong phòng khách của xưởng. Năm nay đã 90 tuổi nhưng ông vẫn còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ông say sưa kể cho chúng tôi chuyện ông đã lưu lạc từ Việt Nam sang Lào, rồi sang Thái Lan, chuyện lập nghiệp của ông. Năm 1945, khi từ Lào sang Thái Lan, ông từ vùng đông bắc Thái Lan tới Chiang Mai, làm đủ mọi nghề trước khi mở xưởng sửa xe đạp đầu tiên. Từ một xưởng sửa xe đạp, ông cứ phát triển dần dần thành xưởng sửa chữa, bán phụ tùng xe máy, rồi chuyển sang sửa ô-tô.
Ông bảo: “Tôi có được đi học sửa xe ở đâu đâu. Tất cả đều là tự học và tích lũy từ kinh nghiệm làm việc thôi”. Sau này, khi có tuổi, ông chuyển xưởng cho người con trai thứ tư của mình quản lý. Rồi con trai ông mở thêm hai xưởng sửa xe khác lớn hơn nên chị Nit, là con thứ ba của ông Chính, tiếp quản xưởng để nối tiếp truyền thống và gìn giữ cơ nghiệp của gia đình.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nit cho biết, trong thời gian xảy ra đại dịch, xưởng của gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch, công việc ít đi, kinh doanh gặp khó khăn cùng các hạn chế đi lại trong đại dịch. Bởi vậy, thời gian sử dụng xe cộ của mọi người cũng ít đi, lượng xe mang đến xưởng sụt giảm đáng kể. Trong khi đó, chị vẫn phải tìm cách để nuôi sống gia đình, đồng thời vẫn phải bỏ chi phí để duy trì nhà xưởng, nhân công.
Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành thăm và tặng quà gia đình ông Chính. |
Chị cho biết: “Để vượt qua những khó khăn trong đại dịch, chúng tôi luôn cố gắng làm việc hết mình, thẳng thắn và trung thực với khách hàng, đúng như bản chất của người Việt Nam. Nhờ đó, xưởng đã cố gắng cầm cự được trong suốt mấy năm qua. Mặc dù lượng xe đến xưởng sửa ít hơn rất nhiều, nhưng chúng tôi đã cố gắng giữ khách bằng sự trung thực, kiên trì cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ. Các khách hàng đều thông cảm với chúng tôi. Ngoài ra, cũng nhờ uy tín mà cha tôi đã tạo dựng trong suốt mấy chục năm qua, chúng tôi cũng duy trì được lượng khách quen của mình”.
Đến nay, khi dịch Covid-19 đã giảm, mọi thứ trở lại bình thường, kinh tế Thái Lan được khôi phục thì tình hình của xưởng cũng được cải thiện nhiều. Ngoài các xe đến sửa theo hợp đồng của công ty bảo hiểm, lượng khách mang xe đến sửa trực tiếp cũng tăng lên, trong đó có cả khách nước ngoài.
Chị bày tỏ hy vọng tình hình của xưởng sẽ sớm trở lại như hồi trước dịch và chia sẻ: “Cha tôi đã từng dạy tôi rằng, để thành công trong kinh doanh thì cần có sự trung thực và chân thành với khách hàng. Có được đức tính đó, chúng tôi có thể vượt qua mọi trở ngại dù khó khăn đến đâu, gặp bất cứ vấn đề gì”.
Khác với cảnh ngày nghỉ yên tĩnh ở nhà ông Chính, tại xưởng sang chiết gas của nhà bà Lương Thu Thảo, chúng tôi vẫn chứng kiến cảnh nhộn nhịp xe ra vào. Bà Thảo chia sẻ với chúng tôi: “Cái nghề này không có ngày nghỉ cháu ạ. Mỗi năm xưởng của cô chỉ đóng cửa trong vài ngày lễ, Tết lớn thôi. Còn những ngày nghỉ khác hay cuối tuần, các nhân viên vẫn chia ca kíp để làm việc và nhận lương gấp hai lần theo quy định của nhà nước”.
Các công nhân đang sang chiết gas tại xưởng nhà bà Thảo. |
Từng làm giáo viên dạy tiếng Việt ở tỉnh Udon Thani, bà Thảo lập gia đình và theo chồng lên Chiang Mai được 39 năm. Trước đây, gia đình bà cũng mở xưởng sửa chữa ô-tô, sửa điều hòa sau đó mới chuyển sang nghề bán gas được 30 năm nay. Hiện nay, ngoài xưởng sang chiết gas đun nấu cho gia đình, khách sạn ở gần nhà, gia đình bà còn có ba cửa hàng khác ở ven đường quốc lộ, chuyên bán khí hóa lỏng dùng cho cho xe ô-tô.
Trong cái nắng oi ả đầu hè, hơn chục công nhân trong xưởng hối hả nhận các bình gas rỗng mà các cửa hàng nhỏ mang tới. Họ nhanh chóng nạp gas mới đầy bình, kiểm tra kỹ lưỡng, đóng niêm phong rồi lại chuyển lên xe cho khách.
Chỉ vào một dãy máy bơm, cân gas đang nằm phủ bụi ở gần đấy, bà Thảo bảo: “Đợt trước khi có dịch, những cái máy này không có lúc nào dừng làm việc đâu cháu ạ. Còn khoảnh sân trước xưởng thì lúc nào cũng kín xe đỗ để chờ đổi gas”. Bà cho biết, thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, mỗi tháng nhà bà bán được khoảng 100 tấn gas. Đội xe chở gas 5 chiếc của nhà bà chạy liên tục để vận chuyển mà vẫn không kịp, bà phải thuê thêm xe ngoài.
Bà Lương Thu Thảo, kiều bào tại tỉnh Chiang Mai, Thái Lan. |
Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt các nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp sử dụng gas của gia đình bà phải đóng cửa. Doanh thu các cửa hàng sụt giảm nghiêm trọng. Trong suốt ba năm vừa qua, doanh thu của gia đình bà chỉ còn khoảng 40%-50% so với trước. Lợi nhuận thì xuống mà chi phí thì không giảm. Gia đình bà đã phải cố gắng hết sức để cầm cự qua đợt khó khăn này. Ngoài việc tiết kiệm tối đa các khoản chi phí thường xuyên, bà còn phải cắt giảm bớt nhân công, thu nhỏ quy mô kinh doanh để tồn tại qua thời gian khó khăn.
Bà tâm sự với chúng tôi: “Cũng may là gas là thứ mà mọi người phải dùng đến hằng ngày. Nấu cơm thì phải nấu cho chín, không thể nấu nửa chừng thì tắt bếp để tiết kiệm một nửa lượng gas được. Vậy nên mấy năm rồi cô chỉ bị mất các khách hàng trong ngành du lịch, khách sạn và các doanh nghiệp cần dùng đến gas. Còn khách hàng là các cửa hàng bán gas đun bếp cho các gia đình thì vẫn còn duy trì được”.
Đến cuối năm 2022 và đầu năm 2023, khi tình hình dịch được cái thiện, Thái Lan và nhiều nước trên thế giới mở cửa du lịch, dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Ngành du lịch của Thái Lan dần được phục hồi. Cùng với đó, công việc kinh doanh của gia đình bà Thảo cũng đã tốt dần lên. Đến nay, doanh thu của gia đình bà đã trở lại được bằng khoảng 60% so với thời trước dịch. Và với đà phục hồi của nền kinh tế Chiang Mai, việc kinh doanh của gia đình bà vẫn đang tiếp tục có sự phục hồi ổn định.
Khi chia tay chúng tôi, bà Thảo tỏ ra rất lạc quan bởi bà tin rằng chỉ đến cuối năm nay, công việc kinh doanh của gia đình sẽ sớm hồi phục. Bà nói: “Cô hy vọng là đến cuối năm nay, cả thế giới sẽ mở cửa hết để du lịch và các ngành nghề khác được hồi phục. Và những ngành này nó cũng giống như chiếc bánh xe. Khi bánh xe đã quay được nó sẽ kéo cả cỗ xe chạy về phía trước”.
Với bản tính chịu thương chịu khó, sự cần cù, thông minh của người Việt, các doanh nghiệp kiều bào ở Chiang Mai đã đang hết sức nỗ lực vượt qua khó khăn để phục hồi công việc kinh doanh sau đại dịch. Với những nỗ lực của mình, những doanh nhân kiều bào không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình mà còn có nhiều đóng góp cho kinh tế của tỉnh, góp phần nâng cao hình ảnh của người Việt trên mảnh đất miền bắc Thái Lan.