Doanh nghiệp Vĩnh Phúc tham gia chuỗi sản xuất ô-tô, xe máy

Các doanh nghiệp cơ khí chế tạo của tỉnh Vĩnh Phúc đang cung ứng những linh kiện và công đoạn quan trọng cho các khách hàng doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia châu Âu.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác tại Công ty TNHH Denko Việt Nam.
Sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác tại Công ty TNHH Denko Việt Nam.

Sự phát triển của các doanh nghiệp ô-tô, xe máy như Honda, Toyota, Piaggio ở Vĩnh Phúc, Yamaha ở Hà Nội và nhiều doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng phụ thuộc không nhỏ vào ngành cơ khí chế tạo.

Nhiều năm nay, đi đầu trong lĩnh vực cơ khí chính xác của tỉnh Vĩnh Phúc là Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 của Đài Loan (Trung Quốc). Sau nhiều năm phát triển, công ty trở thành một trong những nhà cung cấp linh kiện xe máy, ô-tô chính tại Việt Nam nhờ chuỗi tổ hợp các công đoạn sản xuất hoàn chỉnh.

Tiếp theo là một doanh nghiệp của Nhật Bản là Công ty TNHH Hirota Precision Việt Nam, chuyên sản xuất khuôn mẫu và một số loại chi tiết cơ khí chính xác dùng để lắp ráp linh kiện điện, điện tử, phụ tùng ô-tô, xe máy. Nhờ bề dày kinh nghiệm, năng lực tài chính dồi dào và thương hiệu mạnh, hoạt động của hai công ty FDI này ảnh hưởng lớn đến ngành cơ khí chế tạo ở Vĩnh Phúc.

Phải cạnh tranh quyết liệt với các "ông lớn" FDI, các công ty cơ khí chế tạo với quy mô nhỏ hơn vẫn tìm được hướng đi của riêng mình.

Ông Bùi Duy Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thiện Mỹ cho biết: Với ba dây chuyền mạ hiện đại, công ty trở thành đối tác lâu dài của nhiều khách hàng lớn như Toyota, Honda, Yamaha, Piaggio, Denso. Giai đoạn từ năm 2009 đến nay, tăng trưởng bình quân đạt 10%. Để tăng năng suất, công ty đầu tư mua sắm máy móc hiện đại, thu hút lao động kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu cao của khách hàng doanh nghiệp FDI. Sản phẩm linh kiện ô-tô, xe máy sau khi được mạ sẽ được kiểm tra bằng máy quét lớp mạ, máy sốc nhiệt để bảo đảm ổn định trong môi trường từ -300C đến 900C. Đến nay, Công ty Thiện Mỹ đã tạo dựng được uy tín vững chắc đối với các khách hàng.

Việc lệ thuộc lẫn nhau giữa đơn vị cung ứng linh kiện và các doanh nghiệp sản xuất ô-tô, xe máy là tất yếu. Có những doanh nghiệp chỉ sản xuất một linh kiện nhất định cho xe ô-tô, như Công ty TNHH Công nghệ Thành Thắng, chuyên sản xuất linh kiện của ghế xe ô-tô cho các công ty Toyota và Yahata Việt Nam.

Công ty TNHH Denko Việt Nam duy trì liên kết sản xuất các sản phẩm cơ khí như giá kệ, bàn thao tác, sản phẩm cơ khí chính xác, cung cấp cho các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản.

Là một doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, chuyên xây lắp các dự án, công trình xây dựng, cơ khí dân dụng, công nghiệp, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Cơ khí Đức Phát muốn liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Tới đây, công ty sẽ thuê mặt bằng Khu công nghiệp Bình Xuyên để ổn định sản xuất.

Đặc điểm chung của các doanh nghiệp cơ khí chế tạo là đều cần lao động kỹ thuật để vận hành máy móc có độ chính xác cao, mức độ tự động hóa cao, sử dụng ít lao động, có kinh nghiệm làm việc với đối tác quốc tế. Các doanh nghiệp mong muốn tỉnh Vĩnh Phúc sớm thành lập Hiệp hội cơ khí Vĩnh Phúc, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối với khách hàng ngay tại địa bàn tỉnh.

Một số doanh nghiệp đề nghị Chính phủ tiếp tục nới lỏng quy định, cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vì thực tế nhiều máy móc cũ do Nhật Bản, Đức sản xuất có giá cả phù hợp và chất lượng tốt. Vĩnh Phúc nên quy hoạch một khu vực riêng cho ngành nghề cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp sản xuất tác động đến môi trường, để các doanh nghiệp bắt tay nhau, bảo hộ nhau cùng phát triển.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hoàng Xuân Phú, để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù. Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, có hơn 50 doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng trên địa bàn có đủ điều kiện trở thành nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 cho các hãng sản xuất sản phẩm ô-tô, xe máy, điện, điện tử; có 10 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn.

Đề án "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025" đưa ra các giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; trong đó có giải pháp củng cố, nâng cấp các mô hình sản xuất tập trung, liên kết sản xuất hiện có để phát triển hình thành các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thuộc năm ngành tiềm năng là: Công nghệ thông tin; công nghiệp điện tử; công nghiệp cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông sản.

Các doanh nghiệp sẽ được tỉnh hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, được hỗ trợ về đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật; liên kết sản xuất và kinh doanh; kết nối và mở rộng thị trường; thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng và hỗ trợ lãi suất cho vay.

Làn sóng đầu tư vào Vĩnh Phúc đang tăng nhanh, thu hút nhiều doanh nghiệp FDI quy mô lớn. Đó là cơ hội để các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trên địa bàn tỉnh có thêm những khách hàng tiềm năng. Với đà phát triển như hiện nay, Vĩnh Phúc đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ của vùng đồng bằng sông Hồng.