Điều tra chống bán phá giá và tự vệ chiếm tỷ lệ cao
Ngày 12/11, tại Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo “Thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu hàng hóa và nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương”.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cùng đại diện các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số địa phương lân cận.
Sự kiện được tổ chức nhằm cập nhật, trao đổi thông tin về tình hình thị trường, cơ hội và thách thức thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng sang thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương cũng như kinh nghiệm phối hợp, ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường này.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực châu Á-châu Phi đạt khoảng 250 tỷ USD, tăng khoảng 15% so cùng kỳ năm 2023, chiếm gần 67% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực châu Á đạt gần 89 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm 2023; khu vực châu Đại Dương và châu Phi lần lượt đóng góp gần 3,5 tỷ USD và 1,5 tỷ USD, tăng khoảng 27% và 6% so cùng kỳ năm 2023.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng cho biết, những năm qua, Việt Nam đã chú trọng tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia khu vực châu Á, châu Phi và châu Đại Dương nhằm đẩy mạnh xuất khẩu tại khu vực tiềm năng này.
Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Cùng với cơ hội hợp tác từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác khu vực, hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường này có nhiều khởi sắc và dư địa mở rộng thị trường còn rất lớn.
Tuy vậy, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những thuận lợi, vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế. Trong đó, thương mại tự do mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đem đến khó khăn liên quan chính sách bảo hộ, rào cản thương mại của các nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, phòng vệ thương mại nổi lên là một trong các công cụ hợp pháp, hữu hiệu và được nhiều thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sử dụng. Do xuất khẩu nhiều sang thị trường Á-Phi và châu Đại Dương, Việt Nam phải đối mặt với các vụ việc về phòng vệ thương mại tại các thị trường này.
Chủ động phòng vệ thương mại
Cụ thể, Thứ trưởng Phan Thị Thắng dẫn thống kê của Bộ Công thương cho biết, có tới 14/25 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại dương đã điều tra 145/268 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các nước điều tra nhiều nhất là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Indonesia, Philippines…
Chỉ riêng trong khu vực ASEAN, 4 nước Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan đã điều tra tới 52 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa của ta, còn tại châu Đại Dương, Australia cũng đã điều tra 19 vụ việc với Việt Nam.
Bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, cho biết, tính đến ngày 31/10, trong số các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, các vụ điều tra chống bán phá giá (147 vụ việc) và tự vệ (54 vụ việc) chiếm tỷ lệ cao nhất, tương ứng là 54,8% và 20,1%.
Trong khi đó, các vụ việc điều tra chống trợ cấp (29 vụ việc) chiếm tỷ lệ nhỏ hơn do tính chất phức tạp của vụ việc, tuy nhiên đang có xu hướng gia tăng do hiệu ứng domino, xu hướng bảo hộ.
Ngoài ra, điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (38 vụ việc) đang có xu hướng gia tăng và trở thành một công cụ bảo hộ được các nước ngày càng áp dụng nhiều.
Riêng đối với thị trường châu Á, châu Phi, châu Đại Dương, các mặt hàng các khu vực này đang điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam gồm thép cán nóng, thép không gỉ cán nguội, ống đúc đồng (châu Á); nhôm, đèn huỳnh quang (châu Phi); thép mạ hợp kim, ống và ống dẫn bằng thép, tháp gió (châu Đại Dương)…
Giải pháp ứng phó hiệu quả
Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại và xu hướng thị trường quốc tế… (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ ngành nhôm Việt Nam, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, cho biết, để ứng phó tốt với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ứng phó thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại và xu hướng thị trường quốc tế, đồng thời nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó cho nhân viên, bên cạnh việc xây dựng hệ thống lưu trữ hồ sơ chi tiết và có tổ chức để dễ dàng cung cấp khi cần thiết.
Trong quá trình ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, việc thu thập chứng cứ là bước quan trọng, trong đó doanh nghiệp cần tập trung vào 3 loại chứng cứ chính gồm dữ liệu giá cả, chứng cứ thiệt hại và hồ sơ tài chính.
Ngoài ra, việc hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra cũng là yếu tố quan trọng để bảo đảm quá trình điều tra diễn ra suôn sẻ và công bằng, cùng với tìm kiếm hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp và học hỏi từ các trường hợp thực tế, giúp doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc điều tra phòng vệ thương mại.
Đối mặt với cuộc đua phòng vệ thương mại
Trước khi một vụ việc phòng vệ thương mại xảy ra, theo bà Trương Thùy Linh, doanh nghiệp cần trang bị những kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, song song với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung xuất khẩu quá “nóng” vào một thị trường và cần tập trung cạnh tranh bằng chất lượng hơn là cạnh tranh bằng giá cả.
Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật thông tin với hiệp hội và cơ quan Chính phủ (Cục Phòng vệ thương mại), nhà nhập khẩu về khả năng một vụ việc có thể xảy ra, tham khảo danh sách các mặt hàng cảnh báo nguy cơ bị điều tra lẩn tránh thuế của Cục Phòng vệ thương mại.
Trong quá trình ứng phó, doanh nghiệp cần tham gia, hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan điều tra trong tất cả các giai đoạn của vụ việc, đồng thời phối hợp với hiệp hội và Chính phủ trong toàn bộ diễn biến vụ việc để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công thương. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Thời gian tới, để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của điều tra phòng vệ thương mại, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương, theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công thương, doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch, chủ động nắm bắt các yêu cầu của thị trường, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng và phối hợp tổ chức chương trình kết nối giao thương.
Trong đó, cần lưu ý xu hướng, thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt là những yêu cầu về tiêu dùng xanh, tiêu dùng sạch, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm, đồng thời áp dụng chiến lược quảng bá và xây dựng thương hiệu theo phân khúc thị trường phù hợp.
Về phía Bộ Công thương, bộ cũng đã triển khai hàng hoạt các công tác hỗ trợ các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương; phối hợp các cơ quan liên quan tham gia với tư cách một bên liên quan trong các vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với Chính phủ.
Bộ cũng chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo cho các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, đơn vị tư vấn, nhằm thường xuyên cập nhật các thay đổi trong pháp luật phòng vệ thương mại và thực tiễn áp dụng của nước ngoài; nâng cao kiến thức và nhận thức về phòng vệ thương mại, giúp các bên liên quan phản ứng kịp thời và hiệu quả khi vụ việc phòng vệ thương mại diễn ra.