Ngay trong tuần đầu tháng 4, các nhà sản xuất thép trong nước đã tiếp tục điều chỉnh giảm giá thép cuộn xây dựng thêm 100.000 đồng/tấn. Đây là lần giảm giá thứ ba của thép cuộn tính từ đầu năm 2024 cho tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
Sức ép cạnh tranh
Theo thông báo điều chỉnh giá của lần giảm thứ ba, tại khu vực miền bắc, giá thép Hòa Phát đã giảm 100 đồng/kg với cả hai dòng thép. Với dòng thép cuộn CB240 xuống mức 14.040 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 xuống mức 14.430 đồng/kg. Cùng mức giảm 100 đồng/kg, giá hai dòng thép cơ bản của Việt Ý lần lượt xuống mức 14.040 đồng/kg CB240; 14.540 đồng/kg D10 CB300. Với mức giảm tương tự, giá thép Việt Đức với dòng thép cuộn CB240 xuống mức 13.940 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 xuống mức 14.630 đồng/kg…
Tại miền trung và miền nam, phần lớn các hãng cũng điều chỉnh giảm 100 đồng/kg ở cả hai dòng sản phẩm chính này. Trong khi đó, các hãng thép: Việt Mỹ (VAS), Pomina, Tung Ho… lại giữ ổn định ở mức giá đã công bố đầu năm 2024.
Trở lại thời điểm đầu năm 2024, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo, hoạt động sản xuất thép của Việt Nam năm 2024 sẽ có sự tăng trưởng khả quan, kéo theo sự hồi phục lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành. Cụ thể, khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi một cách tích cực, một phần là nhờ hoạt động giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tăng trưởng của ngành thép trong năm 2024 có thể tăng 10% và năm 2025 tăng 8%.
Trong Báo cáo triển vọng ngành thép 2024, SSI Research cũng kỳ vọng tổng sản lượng tiêu thụ thép năm 2024 sẽ phục hồi hơn 6% so năm 2023, trong đó tiêu thụ nội địa đạt mức tăng trưởng gần 7%. Mức tiêu thụ thép trong năm 2024 sẽ được hỗ trợ từ sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản và tác động tích cực đến giá thép trong nước.
Dự báo tích cực và tình hình thực tế tại thị trường cho thấy các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đang gặp sức ép cạnh tranh lớn từ hàng nhập khẩu.
Gia tăng áp lực từ thép nhập khẩu
Theo số liệu báo cáo từ Tổng cục Hải quan, chỉ trong hai tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam là gần 2,65 triệu tấn, gấp gần hai lần so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thép có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập về khoảng 1,8 triệu tấn, cao gấp ba lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá so cùng kỳ. Với riêng sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), trong thời gian này, Việt Nam đã nhập 1,89 triệu tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD. Đặc biệt, nếu so với thời điểm tháng 1/2023, thì tăng 376,4% về lượng, tăng 247% về kim ngạch nhưng thấp hơn… 27,2% khi so về giá. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước lo ngại, bởi hiện công suất sản xuất ngành thép Việt Nam ở mức khoảng 30 triệu tấn/năm, vượt nhu cầu trong nước.
Nhiều chuyên gia, tổ chức đã lên tiếng cảnh báo doanh nghiệp kinh doanh thép cần cẩn trọng áp lực từ thép giá rẻ của Trung Quốc. Cụ thể, theo VSA, ngành thép trong nước đang chịu sức ép giảm giá khá lớn để cạnh tranh với thép nhập khẩu cùng loại.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, chỉ riêng trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tăng 32,6% so cùng kỳ năm trước, lên 15,9 triệu tấn, đây là mức cao nhất kể từ năm 2016. Điều này khiến ngành thép của nhiều quốc gia lo ngại về vấn đề thừa cung và sức ép giá, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Theo quy định của Việt Nam, thép không nằm trong mặt hàng nhóm 2 (nhóm gây mất an toàn) nên không yêu cầu công bố hợp quy, kiểm tra sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu. Trong khi đó, thép được nhập khẩu phần lớn được hưởng mức thuế 0%, hoặc như thép Trung Quốc cũng chỉ gánh chịu thuế chống bán phá giá rất thấp điều này là không công bằng đối với các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Giá thép trong nước vẫn phải giảm, đại diện VSA phản ánh.
Mới đây, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước như: Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã chính thức có văn bản yêu cầu điều tra chống bán phá giá, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với HRC nhập khẩu có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Quốc. Việc này cũng đã vấp phải phản ứng từ phía các doanh nghiệp nhập khẩu thép.
Về vấn đề này, theo ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường cảnh báo các nguy cơ về điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công thương cũng đẩy mạnh công tác áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp cam kết quốc tế... đối với những hành vi cạnh tranh không bình đẳng, từ đó tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
"Bộ Công thương đang tiến hành thẩm định tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ yêu cầu. Kết quả thẩm định hồ sơ, quy trình điều tra và xử lý vụ việc sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, khách quan và theo đúng quy định của pháp luật phòng vệ thương mại Việt Nam và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)", ông Chu Thắng Trung cho biết.