Chủ động phòng vệ thương mại

Trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, hàng hóa Việt Nam luôn là "đích ngắm" của nhiều quốc gia, tính đến nay, đã có đến 247 vụ khởi kiện từ 24 thị trường có sự hiện diện của hàng Việt. Ngoài những nguyên nhân chủ yếu như xuất khẩu của Việt Nam tăng, quy mô tăng trưởng hằng năm từ 5-6%, xuất siêu năm cao nhất 28 tỷ USD…, việc Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực cũng khiến không ít quốc gia lo ngại.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ hàng hóa xuất xứ trong nước thông qua những kiến nghị cơ quan chức năng thực hiện điều tra chống bán phá giá. Nguồn: HPG
Các doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ hàng hóa xuất xứ trong nước thông qua những kiến nghị cơ quan chức năng thực hiện điều tra chống bán phá giá. Nguồn: HPG

Điều này làm gia tăng tình trạng hàng Việt bị điều tra chung với hàng hóa có liên quan của một số nước khác, chưa kể, một số quốc gia có xu hướng lạm dụng phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước...

Theo Báo cáo thường niên Phòng vệ thương mại năm 2023 của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương), chỉ riêng năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng với hàng hóa xuất khẩu nước ta, bên cạnh nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hằng năm, rà soát cuối kỳ. Trong số các quốc gia khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam năm qua, Mỹ là quốc gia đứng đầu với bảy vụ việc.

Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã thoát khỏi các vụ việc phòng vệ thương mại khi công tác kháng kiện đạt được kết quả tích cực. Những minh chứng có thể kể đến là việc phía Mỹ đã đưa ra kết luận thép dây không gỉ xuất xứ từ Việt Nam không lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp dụng với Hàn Quốc, một số sản phẩm ống thép không lẩn tránh thuế phòng vệ đang áp dụng với Đài Loan (Trung Quốc), doanh nghiệp pin mặt trời lớn của Việt Nam không lẩn tránh thuế và miễn thuế tạm thời với những mặt hàng này…

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục gia tăng, giải pháp để giảm bớt các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu là xác minh việc cấp chứng nhận xuất xứ, cân nhắc khi ban hành các chính sách khiến Việt Nam có thể bị cáo buộc trợ cấp, hay bị một số quốc gia đưa vào diện nghi ngờ, xem xét.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác quản lý giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa lẩn tránh phòng vệ thương mại cần được tăng cường nhằm giải quyết tình trạng doanh nghiệp "mạnh ai nấy chạy", đua xuất khẩu theo giá thấp... Các ngành xuất khẩu cũng cần tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước, đa dạng hóa thị trường, tuân thủ xuất xứ và trước khi thực hiện hợp đồng cần trao đổi kỹ với đối tác nhập khẩu, tránh rủi ro về phòng vệ thương mại.

Ở chiều ngược lại, sau những động thái khá tích cực từ phía các doanh nghiệp trong việc chủ động bảo vệ hàng hóa xuất xứ trong nước thông qua những kiến nghị cơ quan chức năng thực hiện điều tra chống bán phá giá một số mặt hàng giá rẻ bất thường từ nước ngoài đã mở đường cho những phương thức bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Và chắc chắn khi ngành Công thương gia tăng công tác cảnh báo sớm, xây dựng quy trình điều tra, kịch bản ứng phó, phối hợp các hiệp hội và doanh nghiệp liên quan trong việc trao đổi với các cơ quan điều tra nước ngoài nhằm bảo vệ, hỗ trợ để ngành xuất khẩu Việt Nam được đối xử công bằng theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới… thì quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước sẽ được bảo đảm ở cấp độ cao hơn.