Thực thi hiệu quả về phòng vệ thương mại

Suy thoái kinh tế toàn cầu do tác động của dịch bệnh cũng như xung đột kinh tế, địa chính trị đã khiến thương mại thế giới tiếp tục chững lại và chưa có dấu hiệu hồi phục. Điều này dẫn tới xu hướng bảo hộ thương mại tại nhiều quốc gia cũng diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina (Quảng Ninh). (Ảnh AN KHÁNH)
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina (Quảng Ninh). (Ảnh AN KHÁNH)

Là nước có nền kinh tế với độ mở lớn, xuất khẩu đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Singapore), các ngành xuất khẩu của Việt Nam vừa phải chịu tác động từ thương mại toàn cầu suy giảm, vừa phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Bảo hộ ngày càng gia tăng

Chính sách bảo hộ thương mại có nhiều hình thức, trong đó thuế quan là biện pháp được sử dụng chủ yếu. Ngoài ra còn có các rào cản phi thuế quan như tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh, hạn ngạch, yêu cầu về thủ tục hải quan hay quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt.

Chính sách bảo hộ thương mại cho phép các chính phủ áp dụng thuế quan và hạn ngạch để hạn chế hàng hóa, dịch vụ nước ngoài trên thị trường vì hàng hóa được nhập với thuế suất cao sẽ có giá cao, khả năng cạnh tranh bị giảm xuống. Ngược lại, các chính sách này cũng bảo hộ nhà sản xuất trong nước, thúc đẩy thương mại và sản xuất của doanh nghiệp nội địa, thậm chí giúp các nhà sản xuất nội địa xâm chiếm ngược lại thị trường nước ngoài.

Vì vậy, trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, để bảo vệ cũng như kích cầu nền sản xuất trong nước, việc các quốc gia đẩy mạnh áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng là điều dễ hiểu.

Theo Báo cáo thường niên về phòng vệ thương mại năm 2022, giai đoạn từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2022, Mỹ là quốc gia khởi xướng điều tra chống bán phá giá nhiều nhất với 101 vụ việc, tiếp đó là Ấn Độ 58 vụ việc, Trung Quốc 32 vụ, Liên minh châu Âu (EU) 20 vụ,... Trong khi đó, Ấn Độ là quốc gia áp dụng nhiều biện pháp chống bán phá giá nhất với 73 vụ, kế tiếp là Mỹ với 69 vụ, Canada 26 vụ, EU là 22 vụ, Nam Phi là 18 vụ,...

Việt Nam là nước xuất khẩu lớn, lại là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng, hàng xuất khẩu Việt Nam đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn tại nhiều thị trường nước ngoài. Do đó, cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu, hàng hóa Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước khác.

Tính đến thời điểm hiện tại, hàng xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 235 vụ việc điều tra liên quan phòng vệ thương mại. Riêng trong tháng 8/2023, đã có bốn vụ việc điều tra được các nước khởi xướng liên quan hàng hóa Việt Nam, bao gồm: Mỹ khởi xướng điều tra xem xét phạm vi sản phẩm đối với bánh xe kéo bằng thép nhập khẩu từ Việt Nam; Indonesia (KADI) khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm Polypropylene Copolymer có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam; Ủy ban châu Âu (EC) thông báo khởi xướng hai vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội của Việt Nam.

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó

Để ứng phó các vụ điều tra từ nước ngoài, thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp các đơn vị liên quan triển khai có hệ thống hàng loạt hoạt động như cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại cụ thể; tham gia cung cấp, giải trình các chính sách của Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc trợ cấp; tham gia phản biện pháp lý đối với các vi phạm, khả năng vi phạm cam kết quốc tế của cơ quan điều tra nước ngoài; tiến hành các hoạt động giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế để góp phần nâng cao năng lực phòng vệ thương mại.

Qua đó, Việt Nam đã xử lý thành công nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài thông qua việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá, Chính phủ không trợ cấp cho doanh nghiệp hoặc không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu; chứng minh doanh nghiệp xuất khẩu không có các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với nước thứ ba. Nhờ vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu đã không bị áp thuế phòng vệ thương mại, được dỡ bỏ lệnh áp thuế hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cục trưởng Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) Trịnh Anh Tuấn cho biết: Từ đầu năm đến nay, nhiều vụ việc điều tra của nước ngoài đã có kết luận sơ bộ hoặc kết quả cuối cùng rất tích cực. Đơn cử, Việt Nam đã chứng minh việc các doanh nghiệp xuất khẩu không có hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với nước thứ ba trong vụ việc Mỹ điều tra chống lẩn tránh với thép dây không gỉ dạng tròn; các doanh nghiệp xuất khẩu pin mặt trời sang Mỹ được miễn thuế phòng vệ thương mại tạm thời; Australia chấm dứt điều tra chống bán phá giá với amoni nitrat từ Việt Nam;...

Theo các chuyên gia, ngoài nguyên nhân lớn nhất làm gia tăng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là xu thế bảo hộ, còn có nguyên nhân đến từ sự thiếu kiến thức về pháp luật phòng vệ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam. Cá biệt, một số doanh nghiệp có thể còn lợi dụng chính sách thuận lợi hóa thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu để thực hiện hành vi gian lận.

Để giảm số lượng vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng như tác động tiêu cực gây ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, các cơ quan quản lý cần có biện pháp tổng thể và lâu dài.

Thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc điều tra do nước ngoài khởi xướng, trong đó tập trung vào vụ việc chống lẩn tránh với các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như gỗ, pin năng lượng mặt trời, thép,... do tác động lớn và mức thuế chống lẩn tránh thường áp dụng ở mức cao. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng vệ thương mại tới doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Các hiệp hội, doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu cũng như chuẩn bị nguồn lực, kế hoạch ứng phó trong trường hợp vụ việc xảy ra. Khi hàng hóa bị điều tra, doanh nghiệp cần hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu; cung cấp thông tin đầy đủ, nhất quán và đúng thời hạn và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời và nắm bắt thông tin chuẩn xác.