Đây là thông tin được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế 2023 - Cùng doanh nghiệp “vượt sóng” diễn ra chiều ngày 17/11, tại Hà Nội.
Diễn đàn nhằm phân tích, dự báo tình hình kinh tế năm 2023, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị, cùng các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược kinh doanh phù hợp.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, trong văn bản góp ý Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.
Mục tiêu của VCCI mong muốn là doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, năm 2030 có đóng góp 20% của GDP.
Hiện tại, con số đóng góp mới khoảng 9% GDP. Có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ.
Đặc biệt, sự phát triển của doanh nghiệp cũng cần phát triển theo hướng phát triển bền vững: Đến năm 2025, có ít nhất 20% số doanh nghiệp sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn.
Cũng theo ông Phòng, bất chấp những bất ổn của thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn hồi phục khá ấn tượng sau đại dịch Covid-19 và được các tổ chức quốc tế ghi nhận.
Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng “đáng kinh ngạc” 13,7% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, tăng đáng kể so với mức dự báo 5,3% đưa ra 4 tháng trước.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022, cao nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng còn lớn, điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia tham dự đều cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục tập trung thay đổi cấu trúc kinh tế, cải cách cơ chế sao cho khối doanh nghiệp tư nhân hấp thụ được nhanh nhất, tốt nhất nguồn vốn hỗ trợ. Mở ra không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững như kinh tế số bằng cách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kỹ năng lao động gắn với số hóa, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, cần cơ chế tạo động lực và áp lực cho doanh nghiệp thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đối với lĩnh vực du lịch, cần đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương bên cạnh liên kết giữa chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước; đổi mới mô hình liên kết có sự tham gia đồng hành của doanh nghiệp, vai trò điều phối của cơ quan quản lý nhà nước, dựa vào thế mạnh địa phương gắn với từng nhiệm vụ, sự kiện, dự án cụ thể.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các nút thắt của môi trường đầu tư, kinh doanh liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng…
Trong bối cảnh khó khăn, những người lao động trong các doanh nghiệp vẫn là đối tượng cần được quan tâm hơn nữa. Điều này có thể thấy rõ khi Việt Nam trải qua 2 năm đại dịch.
Do đó, bên cạnh các gói hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp cần phối hợp với các bên để có những gói an sinh xã hội cho người lao động.
Để vượt qua khó khăn khủng hoảng rủi ro, các thông tin của doanh nghiệp, các thông tin về chính sách cần kịp thời hơn, cần được minh bạch hơn, rõ ràng hơn để các cơ quan nghiên cứu có những số liệu thật về tình hình của doanh nghiệp. Từ đó có những phản ánh đến các cơ quan bộ ngành trung ương để có những dự báo phù hợp với thực tiễn, giúp doanh nghiệp vượt qua sóng gió, thách thức của năm 2023.