Bài 3: Doanh nghiệp công nghệ vượt thách thức khi ra biển lớn

Bài 3: Doanh nghiệp công nghệ vượt thách thức khi ra biển lớn

NDO - Thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin toàn thế giới trị giá hơn 1.800 tỷ USD, trong đó có khoảng hơn 1.000 tỷ USD dành cho các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ phần mềm và hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin. Đây là cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp Việt. Nhưng đi kèm với cơ hội, là nhiều thách thức đặt ra với các doanh nghiệp công nghệ thông tin muốn chinh phục các thị trường thế giới.

Dấu chân công nghệ Việt đi ra biển lớn

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay có khoảng trên 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài với doanh thu ước tính khoảng 7,5 tỷ USD. Doanh thu thị trường xuất khẩu nước ngoài đang đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế trong nước đang bị suy giảm và thị trường CNTT nội địa gặp khó khăn, chủ trương đưa doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài đã mở ra không gian mới, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và khẳng định uy tín của thương hiệu sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam", khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới.

Tuyến bài Dấu chân công nghệ Việt đi ra biển lớn ghi lại những câu chuyện xúc động của hành trình 25 năm nỗ lực vươn ra biển lớn của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từ đó đưa ra định hướng làm thế nào để đạt được mục tiêu “từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính” trong thời gian tới.

THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA LỚN

Có khoảng hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài với ước tính doanh thu của thị trường nước ngoài hiện nay khoảng 7,5 tỷ USD, đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trong bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều tiềm năng và doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh, việc đưa doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và khẳng định sự uy tín của thương hiệu sản phẩm công nghệ số make in Vietnam, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới và đóng góp giá trị cho ngành.

Bài 3: Doanh nghiệp công nghệ vượt thách thức khi ra biển lớn ảnh 1

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Xếp hạng về ủy thác dịch vụ phần mềm (Software Outsourcing), theo Báo cáo Chỉ số địa điểm dịch vụ toàn cầu (Global Service Location Index) năm 2023 của Tập đoàn A.T. Kearney, Việt Nam được nêu bật như một trung tâm kỹ thuật số toàn cầu và tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới cũng như Top 10 khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong số 78 quốc gia được xếp hạng.

Xếp hạng về ủy thác dịch vụ phần mềm (Software Outsourcing), theo Báo cáo Chỉ số địa điểm dịch vụ toàn cầu (Global Service Location Index) năm 2023 của Tập đoàn A.T. Kearney, Việt Nam được nêu bật như một trung tâm kỹ thuật số toàn cầu và tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới cũng như top 10 khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong số 78 quốc gia được xếp hạng.

Trong 4 chỉ số thành phần cấu thành chỉ số chính gồm: Sức hấp dẫn tài chính; Kỹ năng và sự sẵn có của con người; Môi trường kinh doanh và Cộng hưởng kỹ thuật số (hoạt động chuyển đổi số), Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao về chỉ số Sức hấp dẫn tài chính và Cộng hưởng kỹ thuật số.

Năm 2023, doanh nghiệp chủ lực của ngành công nghệ thông tin là FPT lần đầu tiên đã cán mốc 1 tỷ USD dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài, chính thức gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp tỷ USD trên toàn cầu. Các doanh nghiệp khác cũng tăng trưởng rất cao từ 20-40% thậm chí VMO, Rikkeisoft doanh thu từ thị trường nước ngoài tăng 50-60% so với năm 2022.

Doanh thu sản xuất phần mềm năm 2023 đạt khoảng 4,3 tỷ USD trong đó doanh thu xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD đóng góp tới 98% giá trị gia tăng cho Việt Nam. Trong khi đó, tiềm năng tăng trưởng công nghệ thông tin của thị trường thế giới vẫn còn rất lớn và tăng đều ổn định theo từng năm.

Phó Tổng Giám đốc FPT Software kiêm Giám đốc FPT Nhật Bản Đỗ Văn Khắc cho hay, thị trường Nhật Bản còn quá rộng lớn và tiềm năng đối với toàn bộ các doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin khác của Việt Nam tại Nhật hoàn toàn có thể phát triển và thành công hơn nhiều lần, nếu họ cùng nhìn dài hạn, cùng đào tạo, xây dựng nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực kỹ sư nói tiếng Nhật.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường Nhật Bản, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho hay, Việt Nam đã trở thành đối tác lớn trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin với Nhật Bản. Trong số gần 500 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường này có khoảng 10 doanh nghiệp lớn của Việt Nam có quy mô trên dưới 1.000 lao động như FPT, Rikkeisoft, Luvina, Fujinet, VMO, VTI....

"Trước đây, chúng ta phải mất 2-3 năm mới có hợp đồng với khách hàng Nhật thì nay việc đó rút ngắn lại, có công ty đã ký kết ngay được hợp đồng tại các chương trình xúc tiến thương mại", bà Nguyễn Thị Thu Giang nói.

Thị trường Mỹ cũng nhiều tiềm năng nhưng cũng là thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm được “thị trường ngách” để tiếp cận khách hàng.

Với thị trường châu Âu, theo phân tích của bà Giang, chi phí ở châu Âu đắt đỏ nên các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tại đây tổ chức ngắt quãng. Sự hiện diện của Việt Nam ở các nước châu Âu không nhiều nên việc quảng bá thương hiệu doanh nghiệp CNTT còn nhiều hạn chế.

Thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Đông Nam Á hiện là bán giải pháp cho khách hàng. Hiện FPT đang bán các giải pháp rất tốt trong khu vực và khi doanh nghiệp này thành công, VINASA sẽ ngồi lại với các doanh nghiệp hội viên để trao đổi, cùng “đánh” vào thị trường này.

Bài 3: Doanh nghiệp công nghệ vượt thách thức khi ra biển lớn ảnh 2

FPT khai trương văn phòng thứ 15 tại Nhật Bản.

Thị trường tiềm năng mới nổi là Hàn Quốc hiện cũng đã có hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp. Một thành công điển hình của Việt Nam là Tập đoàn CMC đã hợp tác với Samsung, phục vụ hệ sinh thái Samsung tại Việt Nam và Hàn Quốc và đang tiếp tục mở rộng hoạt động tại Nhật Bản, mở sang thị trường Hoa Kỳ.

Hay như FPT, hiện đang cung cấp các giải pháp và dịch vụ đẳng cấp quốc tế đến nhiều doanh nghiệp hàng đầu xứ sở kim chi như LG Group, Shinhan Bank, Shinsegae I&C. Tập đoàn này cũng đặt mục tiêu tiếp tục giữ mức tăng trưởng trên 50% năm 2024 tại thị trường Hàn Quốc và dự định mở thêm văn phòng tại nhiều khu vực công nghệ trọng điểm như Gangnam, Pangyo.

“TUỆ BÁN XE SỐ XANH” DẪN ĐƯỜNG

Việt Nam và khu vực châu Á đang có sự gia tăng vượt bậc về nhu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp và tổ chức đang tìm cách tận dụng công nghệ để cải thiện hiệu suất và tạo ra giá trị mới. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã nêu ra định hướng chuyển đổi số năm 2024 là: Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Ngành ô-tô đang thay đổi vũ bão và Việt Nam có lợi thế vô cùng trọng yếu đó là nguồn nhân lực.

Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình cho rằng, để khai thác tiềm năng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh, Việt Nam cần đi tiên phong phát triển các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, xe điện thông minh trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Cần tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trọng điểm này.

"AI, bán dẫn và công nghệ ô-tô là ba hướng đi khối công nghệ FPT sẽ tập trung. Ở cả ba hướng đi này, FPT có nền tảng tích lũy qua nhiều năm. FPT có đội ngũ chuyên gia AI đông đảo, xây dựng trung tâm Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn và tham gia vào liên minh AI thế giới do IBM và Meta khởi tạo. FPT hiện có khoảng 9.000 chứng chỉ AI do NIVIDIA cấp và sẽ phấn đấu đạt con số hàng vạn chứng chỉ trong tương lai.

Ở lĩnh vực chip bán dẫn, FPT Semiconductor là công ty Việt Nam đầu tiên thiết kế chip thương mại hóa, có đơn đặt hàng 70 triệu chip cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… và hợp tác với nhiều tổ chức, công ty tại Nhật Bản, Mỹ.

Ngoài ra, tập đoàn có đội ngũ 4.000 chuyên gia trong mảng công nghệ phần mềm ô-tô và nhiều đối tác, khách hàng là các hãng tên tuổi lớn toàn cầu, thành lập công ty FPT Automotive. Để đạt mục tiêu lớn, FPT nghĩ quan trọng nhất là con người, hạnh phúc và chúng tôi dùng AI giúp con người, cuộc sống hạnh phúc hơn”, ông Trương Gia Bình khẳng định.

Nhận định về tương lai của doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, Tổng thư ký VINASA Nguyễn Thị Thu Giang, cho hay, trí tuệ nhân tạo đang là xu hướng ứng dụng vào các giải pháp cho các khách hàng hiện nay, là mảnh đất tiềm năng cho doanh nghiệp khai phá.

Việt Nam có "cửa" với lĩnh vực bán dẫn, nhưng cơ hội khá hẹp và Việt Nam chỉ có một khoảng thời gian ngắn để đặt được chân của mình vào vị trí ngành bán dẫn thế giới. “Nếu doanh nghiệp Việt Nam chọn ngách mới mà các quốc gia đều đang bắt đầu như AI chip, cộng với nguồn nhân lực dồi dào của ta thì sẽ là thời cơ, vận hội lớn cho ngành”, bà Giang nhận định.

VINASA đã thành lập Ủy ban công nghiệp bán dẫn Việt Nam để tập hợp lực lượng chuyên gia trong nước và quốc tế cùng bàn với nhau về mặt tài chính, chính sách, chuẩn bị nhân sự, chiến lược, mô hình hợp tác trong ngành bán dẫn. Ngày 1-5/8 tới, VINASA sẽ cùng một số đơn vị tổ chức hội nghị "diên hồng" bán dẫn tại Đà Nẵng, tập hợp 100 chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức trong nước, quốc tế cùng bàn về mô hình hợp tác giữa các bên.

Lĩnh vực ô-tô cũng là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp cùng phát triển. Xu hướng về Electronic EV-car, xe vận hành, xe tự lái mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Bà Giang cho biết, hiện các đối tác của Nhật Bản đang trao đổi với Việt Nam hợp tác phát triển ô-tô tự động hóa, xe tự vận hành.

Chuyển đổi xanh là mảng mà nhiều doanh nghiệp chưa nhìn ra thời cơ, chưa đầu tư phát triển giải pháp, nhưng đây là cơ hội lớn không chỉ cung cấp cho Việt Nam mà còn cho thế giới.

Tổng thư ký VINASA Nguyễn Thị Thu Giang

Về cung cấp giải pháp số liên quan chuyển đổi xanh, nhiều doanh nghiệp chưa nhìn ra thời cơ, chưa đầu tư phát triển giải pháp. Nếu doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt kịp thời, nhưng đây là cơ hội lớn không chỉ cung cấp cho Việt Nam mà còn cho thế giới.

“VINASA đang định hướng cho các doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội. Về mặt chính sách, Chính phủ cần làm thế nào để khuyến khích doanh nghiệp tận dụng cơ hội làm nghiên cứu, phát triển, đưa ra giải pháp ứng dụng cho các mảng chuyển đổi xanh. Đây là ngành xanh, hàm lượng chất xám cao, tăng trưởng nhanh, mang lại ngoại tệ lớn cho Việt Nam cần phải có sự đầu tư xúc tiến thương mại ra thế giới”, bà Giang nói.

VƯỢT QUA THÁCH THỨC KHI RA BIỂN LỚN

Hiệp hội doanh nghiệp Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), cho biết, nếu như ở giai đoạn phát triển đầu tiên vào năm 2003, ngành phần mềm Việt Nam chỉ có doanh thu 500 triệu USD với khoảng 5.000 nhân lực, thì đến năm 2022, ngành này đạt doanh thu 148 tỷ USD với tổng nhân lực trên 1,2 triệu người, gấp hơn 300 lần về doanh thu và gấp 240 lần về quy mô nhân lực.

Tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng phát triển mạnh về cả chất lẫn lượng. Trình độ công nghệ của lao động Việt Nam cũng được nâng cao rõ rệt, từ chỗ chỉ làm những công đoạn đơn giản như lập trình (coding), kiểm thử (testing)..., tới nay các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể tham gia vào các giai đoạn từ nghiên cứu, thiết kế tới triển khai các dự án chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ mới như Cloud, Big Data, AI, Blockchain, VR/XR.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VINASA, trước đây doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam làm gia công xuất khẩu chủ yếu. Nhưng trong 4-5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp làm gia công đã tích cóp nguồn lực, cùng kinh nghiệm làm cho thị trường quốc tế để phát triển giải pháp riêng phục vụ cho thị trường và bán các giải pháp. Hiện nay, gần 100% công ty làm với thị trường xuất khẩu có mảng R&D (Research and Development), chuyên nghiên cứu, tạo ra sự đổi mới và phát triển sản phẩm phù hợp với yêu cầu của khách hàng.

Hiện nay, thế mạnh của doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam chính là bán sản phẩm giải pháp trong khu vực Đông Nam Á. Như vậy, bên cạnh các công ty đang cung ứng sản phẩm gia công, hiện có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin cùng đồng hành để bán giải pháp cho khách hàng này. Sự đồng hành đó là chìa khóa để tìm kiếm khách hàng tại các nước trong khu vực. “Hiện một số startup của Việt Nam đang cung cấp giải pháp cho thị trường trong khu vực, chủ yếu thành lập các trụ sở chính tại Singapore, sau đó phát triển sang Malaysia, Indonesia…”, bà Giang nói.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng dễ cầm trên tay triệu USD khi xuất khẩu công nghệ số vì tiềm lực hạn hẹp và khả năng hiểu biết thị trường còn hạn chế. Trong hành trình ấy, nhiều đắng cay họ cũng đã từng nếm trải.

Bài 3: Doanh nghiệp công nghệ vượt thách thức khi ra biển lớn ảnh 3

Sự kiện của NTQ Solution tại châu Âu.


Ông Phạm Thái Sơn, CEO của NTQ Solution cho hay, vươn ra toàn cầu là cả một quá trình dài hơi, đòi hỏi bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần thấu hiểu rất rõ về đặc thù thị trường, xác định rõ nhu cầu và không ngừng củng cố chất lượng dịch vụ, sản phẩm của mình. Do đó, với các doanh nghiệp còn non trẻ đang có dự định vươn ra thị trường quốc tế, việc lựa chọn đúng các thị trường phù hợp là rất quan trọng. Các doanh nghiệp có thể bắt đầu từ chính những thị trường đang khan hiếm về nguồn lực, hoặc lựa chọn cung cấp các mô hình dịch vụ giải pháp đang có nhu cầu lớn.

Song song với việc phát triển kinh doanh, các doanh nghiệp khi hoạt động tại thị trường nước ngoài nên hiểu rõ và chấp hành nghiêm túc những luật lệ của nước sở tại. Để gia tăng hiểu biết về thị trường bản địa, những nguyên tắc và văn hóa của nước sở tại, việc xây dựng và đầu tư một đội ngũ nhân sự bản địa sẽ giúp công ty gia tăng sự thấu hiểu và hòa nhập nhanh hơn vào thị trường mới. Đồng thời, để có thể phát triển bền vững ở các thị trường phát triển khó tính, yếu tố chất lượng sản phẩm, dịch vụ cần đặt lên hàng đầu, hướng tới những tiêu chuẩn “world-class” (đẳng cấp thế giới) là yêu cầu kiên quyết.

Chúng ta còn đang yếu về khả năng hiểu các bài toán của thế giới.

Ủy viên Ban chấp hành VINASA Lâm Quang Nam

Ông Lâm Quang Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho hay, về khả năng kỹ thuật và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam hoàn toàn đủ sức tham gia giải các bài toán của thế giới. Tuy nhiên ngoài các doanh nghiệp tiên phong và đã thành công nhiều năm ở thị trường quốc tế, chúng ta còn đang yếu về khả năng hiểu các bài toán của thế giới.

“Để hiểu các bài toán này, chúng ta cần hiểu văn hóa làm việc của thị trường mục tiêu, khả năng kết nối với khách hàng và đối tác tại thị trường mục tiêu, khả năng tài chính cũng như niềm tin để tồn tại ở thị trường mục tiêu trước khi đạt mức độ am hiểu cần thiết”, ông Nam bày tỏ.

Nhìn nhận còn nhiều khó khăn với các doanh nghiệp Việt Nam đi ra nước ngoài, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá, Việt Nam không có mạng lưới khách hàng tiềm năng. Để khắc phục khó khăn này, các doanh nghiệp trong nước có thể liên kết với các công ty tư vấn (consulting) bản địa, nếu tiềm lực mạnh thì có thể mua cổ phần để hợp tác và biến họ thành cầu nối.

Bài 3: Doanh nghiệp công nghệ vượt thách thức khi ra biển lớn ảnh 4

Ông Lâm Quang Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA).

Bên cạnh đó, văn hóa và ngôn ngữ là một trong những rào cản cần vượt qua. Chúng ta cần hiểu cách nghĩ, cách đặt vấn đề của người bản xứ để đưa ra định hướng, sản phẩm phù hợp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa định hình sản phẩm, dịch vụ của mình cần phải phù hợp với thị trường hướng đến. “Có một số doanh nghiệp đề nghị Nhà nước hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường nhưng quan điểm của tôi là chỉ có chính doanh nghiệp mới khảo sát tốt nhất thị trường phù hợp với mình. Nhà nước có thể thực hiện kết nối doanh nghiệp với một số hiệp hội, đối tác để có đầu mối phối hợp, triển khai”, ông Nghĩa chia sẻ.

Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị MISA cho rằng, nếu đơn độc bước ra thị trường quốc tế thì doanh nghiệp Việt sẽ gặp rất nhiều khó khăn. “Chúng tôi rất mong có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc truyền thông và kết nối. Giá như các chuyến công du, xuất ngoại của các quan chức nhà nước sẵn sàng mang theo các doanh nghiệp Việt để kết nối doanh nghiệp Việt với các doanh nghiệp tại quốc gia ghé thăm, qua đó thu hút được truyền thông của nước sở tại, tuyên truyền quảng bá cho các doanh nghiệp Việt, thì chúng tôi sẽ có những khởi đầu đặt chân thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Long đề xuất.

Bài 3: Doanh nghiệp công nghệ vượt thách thức khi ra biển lớn ảnh 5

Misa ký kết hợp tác với Condor POS Solutions.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của sứ quán trong việc kết nối, tìm hiểu thông tin của địa phương cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị phần quốc tế.

Vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Chẳng hạn trong Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), các thành viên hiệp hội thường xuyên chia sẻ để giúp nhau có được tri thức kinh nghiệm, nhằm tránh được những thất bại, nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công khi ra nước ngoài.

Tinh thần sẵn sàng đi ra biển lớn, “săn cá voi” với những chiêu thức riêng, không chỉ thể hiện tinh thần sáng tạo, đổi mới của người Việt mà còn truyền đi cảm hứng về việc cùng nhau gây dựng, phát triển cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam một cách bền vững tại nước ngoài.

back to top