1.500 doanh nghiệp công nghệ không hề đơn độc khi đi ra biển lớn, đằng sau họ có sự hậu thuẫn của nhiều cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội. Đại sứ của ta ở các thị trường nước ngoài trọng điểm đều đang hoạt động như một “đại sứ công nghệ”. Thúc đẩy ngoại giao kinh tế trong lĩnh vực công nghệ chính là cách mở đường để ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam tiến xa hơn.
Để doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam tự tin “ra khơi bắt cá”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên đề xuất xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số Việt để “đánh cá voi” ở nước ngoài; xây dựng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” phục vụ cho thị trường toàn cầu.
Thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin toàn thế giới trị giá hơn 1.800 tỷ USD, trong đó có khoảng hơn 1.000 tỷ USD dành cho các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ phần mềm và hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin. Đây là cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp Việt. Nhưng đi kèm với cơ hội, là nhiều thách thức đặt ra với các doanh nghiệp công nghệ thông tin muốn chinh phục các thị trường thế giới.
Tinh thần sẵn sàng đi ra biển lớn, “săn cá voi” với những chiêu thức riêng đã truyền cảm hứng về việc gây dựng, phát triển cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam một cách bền vững tại nước ngoài.
Bằng tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực “vá” hàng nghìn lỗi cho dự án số hóa bản đồ với khách hàng Nhật Bản trong hơn 3 tháng, 120 kỹ sư phần mềm Việt đã nhận được hành động tri ân đặc biệt từ hơn 500 nhân viên người Nhật. Đó là khoảnh khắc đẹp mà người làm phần mềm ở FPT nhắc nhớ mãi khi kể về những dấu ấn của 25 năm, từ năm 1999, lúc “cuộc chiến” xuất khẩu phần mềm bắt đầu được phát động ở Việt Nam.