Cùng tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên.
Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2004/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tỉnh Hưng Yên làm rõ nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên và giải pháp khắc phục; hạn chế về trình độ của một bộ phận giáo viên, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin; việc chi trả cho hoạt động tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; mức độ đáp ứng của giáo viên và học sinh trong dạy tích hợp và tổ hợp bộ môn; công tác tiếp nhận ý kiến, đóng góp của dư luận xã hội về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; công tác xã hội hóa các loại hình đào tạo, xã hội hóa về cơ sở vật chất…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn giải trình với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã giải trình các nội dung, yêu cầu của Đoàn giám sát về tiếp tục rà soát, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo các môn học, xây dựng phương án sắp xếp, điều chuyển giáo viên tại đơn vị, địa phương; ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực; đẩy mạnh xã hội hoá trong giáo dục để giảm áp lực trong hệ thống giáo dục công lập…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung làm việc của tỉnh, đáp ứng yêu cầu của Đoàn giám sát. Các báo cáo được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, cơ bản đầy đủ, nhiều kiến nghị cụ thể, xác đáng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng chỉ rõ: tỉnh Hưng Yên cần nghiên cứu kỹ nội dung Nghị quyết 88 và các văn bản hướng dẫn để khẳng định rõ nội dung nào thực hiện tốt, nội dung nào thực hiện chưa tốt; việc gì đã làm, đang làm, chưa làm. Nhất là những vấn đề dư luận xã hội, nhân dân quan tâm nhiều như: nội dung, chương trình dạy và học; về bộ sách giáo khoa, về giá cả sách giáo khoa.
Đồng thời Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý tỉnh Hưng Yên cần quan tâm giải quyết: Quy mô, cơ cấu, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý ở một số cơ sở giáo dục chưa phù hợp, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên các môn học, cấp học. Các chỉ tiêu chưa đạt như tỷ lệ giáo viên trên chuẩn; tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng của giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.
Một số trường thiếu phòng chức năng, trang, thiết bị đồ dùng dạy học. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy-học và quản lý giáo dục ở một số cơ sở giáo dục chưa hiệu quả; chưa thật sự quan tâm đến công tác giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thực hành...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị tỉnh Hưng Yên tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung cơ bản sau đây: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo; tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ nhà giáo và học sinh, sinh viên. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành.
Tỉnh Hưng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tỉnh Hưng Yên cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm để nhân dân hiểu hơn, từ đó đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ nhiều hơn cho ngành giáo dục đào tạo. Thực hiện hiệu quả phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, nhất là phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, tạo động lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.