Băn khoăn giá sách giáo khoa mới

Năm học 2022-2023 sắp tới, “Chương trình giáo dục phổ thông 2018” sẽ được triển khai với khối lớp 3, 7 và 10. Giống như hai năm học trước đã áp dụng với lớp 1 và lớp 6, năm nay chủ đề giá sách giáo khoa (SGK) mới đắt hơn sách cũ lại làm “nóng” dư luận.

Giá SGK mới cao gấp 2 đến 3 lần so sách của chương trình cũ. Ảnh: NHẬT THỊNH
Giá SGK mới cao gấp 2 đến 3 lần so sách của chương trình cũ. Ảnh: NHẬT THỊNH

Sách mới đắt gấp 2-3 lần sách cũ

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa công bố giá SGK của các lớp bắt đầu áp dụng “Chương trình giáo dục phổ thông 2018” từ năm học 2022-2023. Theo đó, một bộ SGK lớp 3 có giá từ 177.000 đồng đến 183.000 đồng; bộ SGK lớp 7 từ 208.000 đồng đến 209.000 đồng; bộ SGK lớp 10 từ 246.000 đồng đến 301.000 đồng. Tất cả các bộ sách này đều chưa bao gồm sách môn tiếng Anh, song giá đã đắt gần gấp đôi so với sách của chương trình cũ, chỉ dao động từ 58.000 đồng đến 172.000 đồng.

Tuy số tiền không phải quá lớn nhưng trong bối cảnh lạm phát đang gia tăng, mức sống của nhiều gia đình đã bị bào mòn đáng kể sau hai năm đại dịch, thì đây cũng là một vấn đề đáng suy ngẫm. Giá sách tăng thêm, chương trình học đổi mới liên tục khiến cho SGK năm cũ không dùng lại được càng tạo thêm gánh nặng chi phí cho các gia đình.

Trao đổi ý kiến với PV báo Thời Nay, chị Hồng Hạnh, một phụ huynh có hai con năm nay vào lớp 7 và lớp 3 cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch, hai năm qua thu nhập của vợ chồng chị đã giảm sút đáng kể, nên giờ đây xăng tăng, thực phẩm tăng, học phí tăng, SGK tăng giá… chị đều sợ. “Thoạt nhìn chỉ 200-300 nghìn đồng một bộ sách nhưng với bộ sách đầy đủ gồm cả sách tiếng Anh, các sách tham khảo, bộ dụng cụ học tập… thì năm nào cũng gần một triệu đồng. Sau đó là tiền học, tiền ăn, tiền đồng phục, tiền bán trú, quản lý ngoài giờ, học thêm, các khoản đóng góp đầu năm… Còn ba tháng nữa mới vào năm học mới mà tôi đã cảm thấy rất áp lực”, chị Hạnh chia sẻ.

Câu chuyện giá SGK không chỉ là mối quan tâm của nhiều gia đình mà đã trở thành vấn đề được các đại biểu Quốc hội khóa XV đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ ba đang diễn ra (từ ngày 23/5 đến 16/6). Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội sáng 2/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương; Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho biết, gần đây cử tri rất quan tâm khi giá bán SGK tăng, trong khi cuộc sống của số đông người dân vẫn đang chịu ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch.

Theo đại biểu đoàn Hải Dương, phần đông dư luận cho rằng, việc tăng giá SGK tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đang đi học, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, các hộ nghèo. Nhiều phụ huynh không cần SGK phải khổ to, in bốn mầu đẹp như Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) từng giải thích, mà cần giảm chi phí để con em họ có thể tiếp cận được đầy đủ 
bộ sách. 

Cùng quan điểm, đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) cho rằng, việc thay đổi SGK là hợp lý khi thay đổi nội dung chương trình học, tuy nhiên tăng giá SGK là chưa thực tế, chưa phù hợp với những tỉnh, những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa… “Theo tôi, nội dung cuốn sách quan trọng hơn hình thức được in ấn thế nào. Hiện nay, một số sách có giá bán cao, nhiều phụ huynh không có đủ điều kiện mua sách cho con, chỉ mua được sách cơ bản, còn những sách nâng cao hoặc tham khảo thì không đáp ứng được”, bà An quan ngại.

Trước đó, sáng 25/5, tại phiên thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội, trước nhiều ý kiến về bất cập trong đổi mới SGK, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những giải thích làm rõ. Ông Sơn nói rằng, theo chủ trương của Quốc hội tại Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông thì cần xã hội hóa SGK. Các bộ sách này đều được in ấn với khổ giấy lớn hơn, giấy tốt hơn. Quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.

Thừa nhận giá SGK mới đắt gấp 2-3 lần sách cũ, Bộ trưởng GD&ĐT cũng nói rằng, do các bộ sách cũ vừa được hỗ trợ giá do Nhà nước bỏ tiền rất nhiều khâu từ biên soạn, thẩm định... vừa được in ấn bằng hệ thống cũ nên khổ nhỏ hơn, giấy xấu hơn. “Các bộ sách lớp 3, lớp 7, lớp 10 của Nhà xuất bản Giáo dục năm nay dưới sự chỉ đạo rất ráo riết của Bộ, đã giảm được từ 10-15% so với các sách mới tương ứng của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên”, ông Sơn nói.

Băn khoăn giá sách giáo khoa mới -0
Việc tăng giá SGK gây thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đang đi học. Ảnh: HẢI NAM 

Đề nghị Nhà nước định giá sách giáo khoa

Để hỗ trợ những gia đình khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngay khi sách chưa phát hành thì đã có yêu cầu nhà xuất bản cung cấp file PDF lên các trang của nhà xuất bản để học sinh có thể lấy các file xuống một cách thuận tiện. Ngoài ra, Bộ đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục với mỗi bản SGK mới sẽ dành 25.000 bản để phát cho học sinh ở các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, con số này vẫn là ít. Do vậy, Bộ trưởng cho rằng, cần có các biện pháp khác.

Cụ thể, ông Sơn cho biết, Bộ đang cân nhắc triển khai làm sao để giá sách hợp lý nhất, thuận tiện cho người học. Để có giải pháp lâu dài, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để trình Quốc hội quyết định.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chính phủ căn cứ vào báo cáo của Bộ GD&ĐT sớm có những biện pháp hữu hiệu quản lý giá SGK, một mặt hàng rất đặc biệt, rất thiết yếu; tránh việc tăng giá tùy tiện, tạo dư luận không tốt trong nhân dân và tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân. Bà Nga cũng đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát, tinh giản SGK theo hướng thống kê danh mục SGK bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học. Ngoài số SGK bắt buộc đó, số sách còn lại, học sinh có thể tham khảo, tùy vào điều kiện cụ thể chọn lựa mua hoặc không mua, tùy theo nhu cầu.

Nữ đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư, hỗ trợ thư viện SGK dùng chung cho học sinh các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Với sự đầu tư ấy, học sinh khó khăn sẽ được mượn SGK hằng năm và trả lại nhà trường khi năm học kết thúc. 

Đại biểu Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An) cũng đề nghị, phải đưa SGK vào danh mục quản lý giá, theo hướng bảo đảm quyền lợi của học sinh và điều kiện kinh tế của người dân. Bộ GD&ĐT phải chỉ đạo các trường tăng cường công tác truyền thông để phụ huynh học sinh hiểu là SGK có hai loại: Loại bắt buộc và loại bổ trợ tham khảo không bắt buộc mua.

Trao đổi ý kiến với PV báo Thời Nay, GS, TS Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân) nêu quan điểm, đáng lẽ ra đã xã hội hóa SGK thì phải để thị trường tự định giá, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Hầu hết các nước đã làm thế, người dân họ cũng thay SGK hằng năm để tạo ra niềm hứng thú học tập cho học sinh. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước ta, nhiều gia đình, nhiều vùng miền còn khó khăn thì cần có giải pháp linh hoạt. 

Theo ông Cường, đã xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa SGK thì cần coi SGK cũng là một loại hàng hóa. Song giáo dục là lĩnh vực đặc thù nên SGK cần được coi là hàng hóa đặc biệt. “Tôi cho rằng, Nhà nước vẫn cần trợ giá SGK, điều này ngân sách của ta hoàn toàn đáp ứng được. Trước mắt, để thỏa mãn được số đông thì có thể sản xuất cùng một bộ SGK nhưng có những phiên bản hình thức, ai có điều kiện thế nào chọn thế ấy, vì nội dung như nhau”, ông Cường nói.

Đề xuất cấm bán sách tham khảo trong nhà trường

Theo PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Cần nói cho người dân hiểu sách tham khảo không cần mua. Nhiều nhà giáo dục kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, sách tham khảo trên thế giới chỉ dùng cho thầy, cô giáo để làm phong phú thêm bài giảng của mình. Hiện nay, sách tham khảo là nguồn lợi lớn cho các nhà xuất bản, nhưng nếu được bán trong trường thì phụ huynh vẫn sẽ mua cho con mình bằng bạn, bằng bè.

Theo tôi, nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường, đặc biệt đối với học sinh tiểu học là đối tượng không cần loại sách này.