Dự buổi làm việc có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Ban Biên tập, đại diện lãnh đạo các ban chuyên môn của Báo Nhân Dân.
Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Quốc Minh đã khái quát tình hình báo chí Việt Nam hiện nay. Theo đó, tính đến hết năm 2023, cả nước có hơn 820 cơ quan báo chí, trong đó có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Quế Đình Nguyên cùng các đồng chí lãnh đạo Báo dự buổi làm việc. Ảnh: DUY LINH |
Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41 nghìn người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 là 20.508 trường hợp. Hơn 27 nghìn người được kết nạp là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong những năm qua, báo chí luôn giữ vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân; chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.
Mặc dù vậy, theo đồng chí Lê Quốc Minh, từ sau đại dịch Covid-19, báo chí Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như tình trạng sụt giảm doanh thu, sụt giảm số lượng phát hành của báo in...
Ngoài ra, cùng với sự biến chuyển cách làm báo theo hướng hiện đại, nhiều khái niệm truyền thống trước đây cũng đã thay đổi.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và lãnh đạo Báo Nhân Dân đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận về những khó khăn đặt ra đối với sự phát triển của báo chí trong bối cảnh hiện nay, như các vướng mắc về cơ chế, kinh tế báo chí, việc cấp thẻ, quản lý phóng viên...
Trưởng Ban Nhân Dân cuối tuần Vũ Mai Hoàng báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: DUY LINH |
Liên quan đến việc thực hiện Luật Báo chí 2016, đại diện các đơn vị, ban chuyên môn của Báo Nhân Dân cho rằng: Trải qua thời gian, Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí hiện nay.
Điển hình như việc chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử; cần quy định và chế tài xử lý nghiêm tình trạng gỡ, sửa tin bài.
Ngoài ra, khi sửa đổi Luật Báo chí 2016, cần có các quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhà báo khi tương tác với mạng xã hội; hỗ trợ công nghệ kiểm soát thông tin trên mạng xã hội phát sinh từ các tác phẩm báo chí; phát triển công cụ duyệt bình luận trên fanpage phù hợp với đặc điểm Việt Nam; phát hiện và xử lý các thông tin vu khống, sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và công nghệ để các cơ quan báo chí chính thống đủ năng lực cạnh tranh với các cơ quan truyền thông trên thị trường.
Về hoạt động kinh doanh của các cơ quan báo chí, nên quy định theo hướng mở rộng hoạt động kinh doanh khác theo quy định pháp luật của cơ quan báo chí, chứ không chỉ hạn chế các lĩnh vực như Luật Báo chí hiện hành để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí có nguồn thu phát triển...
Có thể thí điểm các mô hình liên kết giữa cơ quan báo chí tự chủ tài chính với doanh nghiệp công nghệ số để tăng cường nguồn lực, đáp ứng yêu cầu về tốc độ và tính linh hoạt của chuyển đổi số.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: DUY LINH |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao những đổi mới trong thời gian qua của Báo Nhân Dân.
Đồng chí cũng khẳng định, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ ghi nhận các ý kiến đóng góp liên quan Luật Báo chí 2016, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, đào sâu thêm trong thời gian tới.