Đô thị số trên nền tảng hệ sinh thái ngân hàng mở

Việc xây dựng thành phố thông minh với hệ thống thanh toán thông minh đóng vai trò then chốt đã và đang giúp Hà Nội từng bước chuyển mình và có những đột phá trong quá trình phát triển. Từ việc triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, giao thông, an sinh xã hội đến hóa đơn điện tử và tuyến phố thanh toán thông minh, Hà Nội bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng trong quá trình phát triển đô thị số.
0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội triển khai ứng dụng công nghệ thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt.
Hà Nội triển khai ứng dụng công nghệ thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng các thành phố thông minh không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển của các đô thị hiện đại. Thành phố thông minh không chỉ giải quyết các vấn đề về tăng trưởng dân số, áp lực đô thị hóa mà còn là giải pháp hiệu quả cho các vấn đề về môi trường, giao thông, quản lý tài nguyên và năng lượng.

Với vai trò là đơn vị đang định hướng phát triển “số hóa thanh toán” để hỗ trợ thành phố Hà Nội xây dựng đô thị thông minh, ông Nguyễn Hoàng Long-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, đơn vị đang định hướng phát triển “số hóa thanh toán” để hỗ trợ thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác xây dựng đô thị thông minh.

Giao thông thông minh là một trong những lĩnh vực quan trọng mà Hà Nội đã áp dụng thanh toán thông minh để giải quyết những thách thức về quản lý và vận hành. Việc triển khai các bãi đỗ xe thông minh với hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt là một thí dụ tiêu biểu trong lĩnh vực này. Tính đến tháng 9/2024, Hà Nội đã triển khai thành công 102 điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Ba Đình,... Hệ thống này không chỉ giúp người dân thanh toán phí dịch vụ dễ dàng thông qua thẻ ngân hàng, mã QR hoặc ví điện tử mà còn giúp thành phố theo dõi và quản lý nguồn thu từ các bãi đỗ xe một cách minh bạch và hiệu quả.

Từ khi triển khai, hệ thống đã ghi nhận hơn 550.000 lượt giao dịch với tổng số tiền thu về hơn 57 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc mở rộng các ứng dụng thanh toán thông minh vào lĩnh vực giao thông không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý mà còn cải thiện đáng kể trải nghiệm của người dân khi sử dụng các dịch vụ giao thông công cộng. Hệ thống vé điện tử trong các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện đang được thành phố tích cực triển khai, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ một cách nhanh chóng, tiện lợi mà không cần phải sử dụng tiền mặt.

Thực tế đến nay tại Việt Nam, một số ngân hàng đã tiên phong trong việc tích hợp dịch vụ với các đối tác cung ứng, mở ra hướng đi mới cho ngành tài chính. Tuy nhiên, dù có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, nhưng việc phát triển hệ sinh thái ngành ngân hàng hướng tới mô hình ngân hàng mở còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức về an toàn bảo mật, công tác quản trị dữ liệu, tiêu chuẩn chung,… Do vậy, để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngân hàng mở, các chuyên gia cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, nâng cấp hạ tầng công nghệ, đồng thời bảo đảm an ninh và bảo mật dữ liệu.

Ngoài ra, việc xây dựng thành phố thông minh không chỉ dừng lại ở yếu tố công nghệ và kỹ thuật, mà còn liên quan chặt chẽ đến thể chế, luật pháp và sự thay đổi trong phương thức quản lý. Đặc biệt, tại thành phố Hà Nội- nơi có quy mô kinh tế và dân cư lớn, các thách thức này cần được xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm sự phát triển toàn diện.