Do dịch Covid-19, 31,8 triệu người chịu ảnh hưởng tiêu cực về việc làm

NDO -

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 9 năm nay, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Đó là các đối tượng bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. 

Lao động Công ty TNHH sản xuất điện tử PCB Cát Tường (Bắc Ninh) quay lại sản xuất sau đại dịch Covid-19 (Ảnh: Thái Sơn).
Lao động Công ty TNHH sản xuất điện tử PCB Cát Tường (Bắc Ninh) quay lại sản xuất sau đại dịch Covid-19 (Ảnh: Thái Sơn).

Covid-19 tác động sâu tới thị trường lao động 

Tổng cục Thống kê (GSO) cho biết, tính đến tháng 9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Con số này bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. 

Trong đó, lao động bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ) là 68,9%/ Lao động phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên là gần 40% và lao động buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 14%.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 2020 là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. 

Điều này cho thấy, sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước.

Do dịch Covid-19, 31,8 triệu người chịu ảnh hưởng tiêu cực về việc làm -0
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương tại buổi họp báo. 

Đây là thông tin từ buổi họp báo công bố tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng năm 2020 do GSO tổ chức vào sáng ngày 6-10.

GSO cũng công bố báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm tại Việt Nam. 

Theo đó báo cáo, dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới khiến nền kinh tế toàn cầu gần như “chạm đáy” vào quý II. Tuy nhiên, quý III/2020 so với quý trước, nền kinh tế đang cho thấy sự phục hồi trở lại. Tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý III năm 2020 cũng được cải thiện so với quý trước nhưng các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý III và 9 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc quý III/2020 tăng 1,5 triệu người so với quý trước và tăng chủ yếu ở nhóm lao động phi chính thức. Số người thiếu việc làm tăng 560,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng thiếu việc làm không chỉ tập trung ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản như các quý trước mà còn tăng lên ở cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý III năm 2020 là 2,5%, trong đó, khu vực thành thị là 4%, giảm 0,46% so với quý trước và tăng 0,89% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị quý III giảm so với quý II, nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. 

Tính chung chín tháng năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,48%, tăng 0,31% với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 3,88%, tăng 0,78%.

Trong quý III, thu nhập của người lao động đã cải thiện 

Thu nhập của người lao động trong quý III năm 2020 đã cải thiện so với quý trước nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm 2020, thu nhập của lao động phi chính thức thấp hơn 1,5 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức.

Kết quả Điều tra lao động - việc làm quý III năm 2020 cho thấy, người lao động vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Đây là những đối tượng quan trọng góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới. 

Vì vậy, GSO khuyến nghị các giải pháp tập trung vào đối tượng này như sau.

Trước hết, tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả. Tập trung hỗ trợ cho các nhóm lao động, bao gồm lao động phi chính thức và lao động chính thức trong các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phi chính thức nhằm giúp họ tìm kiếm việc làm và đóng góp sức lao động trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Ngoài ra, đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19. Trong đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động tại các doanh nghiệp.