Định hướng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế

NDO - Trong Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới ban hành mới đây, đã đưa ra quan điểm và định hướng "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, mà phải bổ sung các chế tài phù hợp để xử lý vi phạm", đây là nội dung đang được cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân đặc biệt quan tâm hiện nay. 
0:00 / 0:00
0:00
Khi xử lý sai phạm kinh tế bằng chế tài kinh tế thì tổn thất xã hội sẽ thấp hơn rất nhiều so với xử lý bằng biện pháp hình sự.
Khi xử lý sai phạm kinh tế bằng chế tài kinh tế thì tổn thất xã hội sẽ thấp hơn rất nhiều so với xử lý bằng biện pháp hình sự.

Đó là khẳng định của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị của Đảng Đoàn VCCI tại Hà Nội.

Theo đó, trên thế giới, nền kinh tế thị trường các nước đang áp dụng cách thức quản lý "không hình sự hóa quan hệ kinh tế”. Khi xử lý sai phạm kinh tế bằng chế tài kinh tế thì tổn thất xã hội sẽ thấp hơn rất nhiều so với xử lý bằng biện pháp hình sự.

Đơn cử, một vụ án hay một doanh nhân nếu chỉ vì quan hệ kinh tế mà bị hình sự hóa sẽ gây phản ứng rất tiêu cực. Đó là, doanh nghiệp có thể bị “sụp đổ”, người lao động mất việc làm, nhà nước thất thu ngân sách.

Có những doanh nghiệp trong một hệ sinh thái hình sự hoá thì cả hệ sinh thái đó bị ảnh hưởng, thậm chí cả một ngành bị ảnh hưởng. Còn một khía cạnh khác ít được nhắc đến khi bị hình sự hoá, đó là tinh thần kinh doanh cũng bị suy sụp.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, đây là lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam không dám lớn. Ở Việt Nam có một nghịch lý, đó là kinh tế phát triển nhưng doanh nghiệp lại không dám lớn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp Việt không dám hoặc không thích là do ở đâu đó còn có cách xử lý không phù hợp với mong muốn của doanh nhân, doanh nghiệp, nhưng cũng không phù hợp với những quy tắc của kinh tế thị trường.

Theo Nghị quyết 41-NQ/TW, Bộ Chính trị đã đưa ra quan điểm và định hướng không hình sự hóa quan hệ kinh tế, mà phải bổ sung các chế tài phù hợp để xử lý vi phạm. Tất nhiên, từ chủ trương định hướng cho đến khi đi được vào cuộc sống là cả một quá trình.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, trước tiên, phải thể chế hoá việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Sau đó còn phụ thuộc vào nhận thức của các cán bộ thực thi. Tiếp đó là áp lực từ xã hội sau khi hiểu vấn đề và không chấp nhận cách xử lý như vậy thì sẽ tạo áp lực ngược trở lại.

Do đó, để đi được vào cuộc sống có thể phải mất một vài năm. Nhưng khi đã có sự thay đổi nhận thức và quan điểm trong hệ thống chính trị thì trước sau gì điều này cũng sẽ xảy ra.

Cũng như trước đây chúng ta nói rằng, nhân dân được kinh doanh, khu vực kinh tế tư nhân được phát triển. Ban đầu chỉ là hé mở, nhưng theo thời gian sẽ có được sự phát triển lớn mạnh như ngày hôm nay.

Đây là một bước tiến rất lớn trong quan điểm xã hội về lâu dài bởi Nghị quyết số 41-NQ/TW ra đời không phải chỉ trong vòng một hay hai năm mà cho 10-20 năm tới để tạo ra sự chuyển biến sâu rộng trong xã hội, trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.