Động lực mới, yêu cầu mới của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Ban hành đúng dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 không chỉ như một “món quà” đặc biệt mà với những nội dung “đúng và trúng” của nghị quyết tôi tin rằng sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới của giới doanh nhân Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng ( thứ 4 từ bên trái sang) cùng Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh (thứ 3) từ bên trái sang thăm đảo Trường Sa
Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng ( thứ 4 từ bên trái sang) cùng Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh (thứ 3) từ bên trái sang thăm đảo Trường Sa

Đọc kỹ Nghị quyết số 41 này, tôi đặc biệt tâm đắc với nội dung: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế...”. (Trích Nghị quyết 41)

Việt Nam đang bước vào thời kỳ mà phát triển dựa vào mô hình khai thác vốn, lao động và tài nguyên giá rẻ đã tới giới hạn, đổi mới sáng tạo phải là động lực tăng trưởng mới. Có những đổi mới sáng tạo đôi khi vượt qua những quy định hiện hành. Đặc biệt, trong thời đại của công nghiệp 4.0 với sự phát triển chóng mặt của Trí tuệ nhân tạo đã tạo ra những sản phẩm ưu việt vượt ra ngoài khuôn khổ của một quốc gia, nhưng cũng có mặt trái của nó. Đôi khi những mặt trái đó vi phạm những quy định của pháp luật. Ứng xử với những vi phạm đó thế nào để lấy lợi ích của người dân và đất nước làm đại cục. Nếu hình sự hóa sẽ làm thui chột đi sự đổi mới sáng tạo - một động lực tăng trưởng quan trọng nếu không nói là trụ cột trong thời đại số.

Tôi cho rằng Nghị quyết 41 đã thực sự thúc đẩy đổi mới sáng tạo khi nhấn mạnh: “Quan tâm xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các mô hình, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới để mở rộng không gian phát triển cho doanh nhân, doanh nghiệp...”. Đây sẽ là những cơ sở rất quan trọng để tạo ra sự phát triển bùng nổ của của kinh tế sáng tạo trong thời gian tới, thúc đẩy các doanh nhân đổi mới, dấn thân.

Với riêng tôi - một doanh nhân lập nghiệp ở thành phố Nha Trang - Nghị quyết 41 cùng Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị ban hành năm 2022 về xây dựng và phát triển Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 càng tiếp thêm động lực để quyết liệt đổi mới sáng tạo. Nghị quyết 09 cũng đã nhấn mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh trên nền tảng của khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả; kinh tế xanh, tuần hoàn.

Nhiều năm qua tôi đã dành tâm huyết và công sức để phát triển trầm hương Khánh Hòa - sản vật mang chiều sâu văn hóa tâm linh được coi là linh khí của trời đất. Nhờ thực hiện đổi mới sáng tạo, với sự đồng hành, quan tâm của Đảng bộ và chính quyền địa phương, trầm hương Khánh Hòa đã tạo nên sức hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế, góp phần hướng đến mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch và kinh tế biển. Thành công đó cũng được tiếp sức từ sự đổi mới sáng tạo mạnh mẽ của tỉnh Khánh Hòa. Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đã khẳng định: “Cần thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo, nâng tầm giá trị trầm hương và yến sào để hai sản vật này vươn ra biển lớn...”.

Tôi cũng đặc biệt chú ý nội dung này trong Nghị quyết 41: “Bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ”. “Xóa bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh...” (trích Nghị quyết 41).

Động lực mới, yêu cầu mới của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao các giá trị về văn hóa, kinh tế của sản vật trầm hương Khánh Hòa, sau khi nghe doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng trình bày về lịch sử hình thành và phát triển của trầm hương.

Đây chính là sự cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc tạo ra một không gian bình đẳng, công bằng, văn minh, sẽ không còn đặc quyền, độc quyền. Chỉ trong một không gian bình đẳng, công bằng như vậy, doanh nghiệp mới có điều kiện phát triển và từ đó sẽ xuất hiện những doanh nghiệp đạt tầm khu vực và thế giới.

Nhưng nghị quyết 41 cũng yêu cầu doanh nhân cần xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tư duy của doanh nhân thời kỳ mới cần vượt ra khỏi “ao làng” để hướng ra biển lớn. Ra khơi, sóng lớn và đối diện với sự rợn ngợp của đại dương, nhưng nếu chịu dấn thân, sẽ có như thế mới bắt được “cá to”. Đó là trải nghiệm của tôi khi cách đây hơn 10 năm tôi đã “đánh liều” sang Mỹ đề nghị hợp tác với các giáo sư của Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts. Nhờ sự hợp tác đó, sản phẩm của chúng tôi đã đạt đẳng cấp quốc tế, chạm được vào cảm xúc người tiêu dùng và xuất khẩu ra nhiều thị trường lớn.

Tôi kỳ vọng nếu triển khai tốt Nghị quyết 41, trong vòng 3-5 năm tới tới chúng ta sẽ có những doanh nghiệp quốc tế, tiếp cận được khoa học-công nghệ nước ngoài để tạo ra phương thức sản xuất tiến tiến.

Nghị quyết 41 cho thấy thấy thiết kế chính sách của Đảng đang ngày càng tốt lên, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Với Nghị quyết 41, Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sáng suốt nhận ra những điều mà doanh nhân cần và mong muốn bấy lâu, để từ đó tạo ra một động lực mới, một sinh khí mới, yêu cầu mới phát triển mới.