Theo ông Nguyễn Đại, vụ khai thác trái phép rừng phòng hộ xảy ra tại lô 13, khoảnh 3, tiểu khu 319 thuộc địa bàn xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ diễn ra vào giữa tháng 6 vừa qua.
Theo đó, qua tuần tra, truy quét, đã phát hiện việc mở đường vào rừng phòng hộ tại lô 13, khoảnh 3, tiểu khu 319 để khai thác cây rừng tự nhiên trái phép. Tổng chiều dài đoạn đường được mở trái phép là 256 m, rộng 4 m, tổng diện tích đoạn đường được mở là 1.060 m2.
Tại hiện trường xác định có 40 gốc cây bị cưa hạ chủ yếu là cây dầu rái, có đường kính từ 12 cm đến 60 cm. Số lóng cây còn để lại là 42 lóng có đường kính trung bình là 20 cm, chiều dài 1,55 m với tổng khối lượng là 2,044 m3.
Mặc dù vụ phá rừng phòng hộ trái phép tại lô 13, khoảnh 3, tiểu khu 319 thuộc địa bàn xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ đã qua hơn 2 tháng nhưng đến nay, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm ra đối tượng tham gia hành vi phá rừng để xử lý.
Để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, ngày 9/9, Chủ tịch UBND xã Phổ Phong, Phan Tiến Định, yêu cầu các ban, ngành của xã phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp trên điều tra, củng cố hồ sơ vi phạm về việc mở đường vào rừng phòng hộ và khai thác cây rừng trái phép theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, có kế hoạch thu gom, đưa số lóng cây rừng khai thác trái phép còn lại tại hiện trường về tạm giữ tại UBND xã chờ điều tra, xử lý.
UBND xã Phổ Phong đề nghị cộng đồng thôn Vạn Trung cần thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ rừng phòng hộ theo đúng nội dung khi được giao rừng, phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng phòng hộ được giao quản lý, bảo vệ.
Được biết, khu vực rừng phòng hộ bị khai thác trái phép nêu trên đã được cơ quan chức năng giao cho cộng đồng thôn Vạn Trung, xã Phổ Phong quản lý, bảo vệ với mức hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, từ 2019 đến nay không có chi phí để hỗ trợ cho cộng đồng thôn dẫn đến công tác bảo vệ rừng phòng hộ bị lơ là.