Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội, hoạch định chiến lược, chính sách dân tộc

Ngày 1/7, tại xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, Tổng cục Thống kê phối hợp Ủy ban Dân tộc tổ chức Lễ ra quân Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ ra quân Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội.
Lễ ra quân Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội.

Dự lễ ra quân có đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tổng cục Thống kê; Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình.

Tại buổi lễ, đồng chí Hầu A Lềnh nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc Điều tra, góp phần đưa ra những thông tin, dữ liệu chất lượng để Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoạch định chiến lược, chính sách dân tộc trong thời gian tới...

Cấp ủy, chính quyền các địa phương trên cả nước, đặc biệt tỉnh Hòa Bình, nơi có số lượng lớn đồng bào dân tộc thiểu số quan tâm chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan chuyên môn tổ chức tốt việc điều tra, thu thập thông tin tại địa bàn theo đúng kế hoạch đề ra, nhất là quán triệt, vận động người dân thuộc các địa bàn điều tra ủng hộ, tham gia tích cực, góp phần cho cuộc điều tra đạt kết quả tốt.

Ban Dân tộc, Cục Thống kế phối hợp cùng các địa phương tổ chức triển khai Cuộc điều tra bảo đảm tiến độ, thu thập số liệu chính xác, có phương pháp điều tra phù hợp, tránh qua loa, hình thức, làm cơ sở đánh giá, hoạch định chính sách.

Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội, hoạch định chiến lược, chính sách dân tộc ảnh 1

Đồng chí Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi Lễ ra quân.

Sau khi điều tra, các cơ quan liên quan phối hợp tiếp nhận, quản lý, khai thác, xử lý, sử dụng số liệu kết quả điều tra 53 dân tộc năm 2024 trên địa bàn tỉnh, triển khai báo cáo phân tích kết quả điều tra và các báo cáo phân tích sâu theo chuyên đề phục vụ xây dựng kế hoạch 5 năm 2026-2030 và báo cáo đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 tại địa phương. Công bố công khai kết quả điều tra phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo của tỉnh. Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, các bước của Cuộc điều tra, kết quả sau điều tra nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân đối với Cuộc điều tra.

Cuộc Điều tra được thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và 3 tỉnh, thành phố có các xã/phường/thị trấn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống gồm: TP Hồ Chí Minh, Long An và Hà Tĩnh.

Đối tượng điều tra năm 2024 là hộ dân cư người dân tộc thiểu số, nhân khẩu thực tế thường trú tại các hộ dân tộc thiểu số tính đến thời điểm điều tra (bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang hiện đang ăn, ngủ tại hộ), không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và Công an. Tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục của xã thuộc khu vực III, khu vực II và khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và các xã không thuộc các khu vực trên nhưng có địa bàn vùng dân tộc thiểu số.

Thời điểm điều tra từ ngày 1/7/2024 đến ngày 15/8/2024. Nội dung điều tra đối với hộ gồm các thông tin về: Nhân khẩu học của dân số; Giáo dục; Di cư; Hôn nhân; Sử dụng bảo hiểm y tế; Việc làm; Lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của nữ từ 10-49 tuổi; Thông tin về người chết của hộ trong 12 tháng qua; Nhà ở và điều kiện sinh hoạt của hộ; Đất ở, đất sản xuất của hộ; Một số loại gia súc chủ yếu của hộ; Tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ.

Ngay sau Lễ ra quân, các đại biểu cùng các điều tra viên đã thực địa điều tra tại địa bàn hộ dân cư trên địa bàn xã Tu Lý, huyện Đà Bắc.