Cảnh giác với hoạt động huy động vốn đa cấp núp bóng từ thiện

Thời gian gần đây, Báo Nhân Dân nhận được nhiều thông tin phản ánh của bạn đọc ở một số địa phương như: Bắc Giang, Hải Dương, Nghệ An xuất hiện loại hình câu lạc bộ (CLB) hoạt động dưới danh nghĩa từ thiện, hình thức như đa cấp, đã lôi kéo được hàng nghìn người tham gia. Đáng nói là, các tổ chức này chưa làm từ thiện được bao nhiêu nhưng đã kiếm lời hàng tỷ đồng từ các khoản đóng góp của người dân.

Trụ sở của Công ty cổ phần An sinh và phát triển cộng đồng Việt tại TP Hải Dương.
Trụ sở của Công ty cổ phần An sinh và phát triển cộng đồng Việt tại TP Hải Dương.

Làm từ thiện thu lợi tiền tỷ

Theo địa chỉ ghi trên tờ rơi, chúng tôi đến Công ty cổ phần An sinh và phát triển cộng đồng Việt, có địa chỉ tại số 208 Ngô Quyền, phường Tân Bình, TP Hải Dương (Hải Dương) để xin tham gia CLB từ thiện và an sinh xã hội nhưng cửa đóng im ỉm. Gọi đến số điện thoại của công ty, chúng tôi được một người xưng tên là Đức hướng dẫn thủ tục: người tham gia đủ 18 tuổi trở lên, có chứng minh nhân dân (CMND), hoặc chỉ cần nhớ số CMND cũng được. Cơ bản nhất vẫn là khoản tiền nộp ban đầu, có thể lựa chọn một trong hai gói: đóng 150 nghìn đồng/tháng (1.800.000 đồng/năm) hoặc 1.500.000 đồng/tháng (18 triệu đồng/năm). Quyền lợi nhận được từ 819 triệu đồng/năm và 8 tỷ 190 triệu đồng/năm tùy theo số lượng người và tiền kêu gọi được. Hình thức này có nhiều ưu điểm như: thu nhập hấp dẫn, đầu tư thấp, không có rủi ro... tiền hoa hồng hằng tháng người tham gia nhận được thông qua dịch vụ chuyển tiền của Viettel...

Tìm hiểu kỹ hơn trong quy chế của CLB, để nhận được số tiền hoa hồng "khủng" nêu trên, người tham gia phải xây dựng được 11 tầng, tương ứng với hệ thống chân rết khoảng bốn nghìn người. Để có tiền trả hoa hồng, đơn vị này cứ thu phí hai lần mới trả hoa hồng một lần và cho một nửa số người tham gia. Sau ba tháng hoạt động đã có hơn 18 nghìn hội viên ở nhiều tỉnh, thành phố tham gia và CLB có 15 tỷ đồng ký quỹ ở Vietcombank Hải Dương, số tiền này hoàn toàn do người tham gia đóng góp. Ông Đức còn khẳng định: CLB hoạt động từ thiện và an sinh xã hội, giống như chơi hụi, không vi phạm pháp luật, ngoài ra còn có thu nhập tốt, cho nên thu hút được mọi người tham gia là đương nhiên”.

Cũng lập CLB và hoạt động từ thiện như Công ty cổ phần An sinh và phát triển cộng đồng Việt nêu trên là Công ty cổ phần Đầu tư Thiện Phước, có địa chỉ tại phường Mỹ Độ, TP Bắc Giang (Bắc Giang) do ông Nguyễn Ngọc Bích là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Ông Bích giới thiệu mô hình CLB “Chung tay vì cộng đồng đất Việt” rất hấp dẫn, được nhiều người dân tham gia. Theo đó, mỗi người tham gia sẽ được cấp một mã số tương ứng với một triệu đồng nộp vào, mức hoa hồng mà người tham gia khi đạt được 12 tầng (cao nhất) lên tới gần tám tỷ đồng. Tháng đầu tiên, người tham gia được nhận khoảng 300 nghìn đồng cho mỗi một triệu đồng nộp vào. Từ tháng thứ hai trở đi, được nhận tiền theo cấp số nhân nếu kêu gọi được từ hai người nữa trở lên tham gia (tất nhiên là không kêu gọi được thì không có). Hình thức tiếp nhận và trả tiền hoa hồng là lấy tiền đóng của người sau trả người trước (người giới thiệu) và được trả đều đặn vào thứ sáu hằng tuần (nếu có). Công ty này ban hành quy chế hoạt động và liên tục thay đổi, nhưng người dân cũng chẳng quan tâm. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, CLB này đã mở rộng chân rết đến nhiều tỉnh phía bắc như: Hà Giang, Bắc Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Dương... với hàng chục nghìn người tham gia.

Đáng chú ý, quy chế CLB “Chung tay vì cộng đồng đất Việt” đề ra mục đích là làm từ thiện và “hỗ trợ kinh phí và vốn cho hội viên thoát nghèo bền vững”, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Sau gần nửa năm hoạt động, số tiền mà CLB này huy động được lên tới 21 tỷ đồng, trong khi số tiền chi cho từ thiện theo báo cáo của công ty chỉ khoảng 400 triệu đồng. Phần lớn số tiền còn lại được dùng để chi trả hoa hồng hay còn gọi là tiền tri ân cho người tham gia. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Độ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang Phạm Khánh Chi, CLB chung tay vì cộng đồng đất Việt hoạt động nhưng không xin cấp phép, quy chế hoạt động cũng không đúng quy định, cho nên chúng tôi đã buộc đơn vị này tháo dỡ biển, bảng. Tuy nhiên, hiện nay họ vẫn hoạt động và do Công ty cổ phần Đầu tư Thiện Phước quản lý. Ngoài ra, bên công an cũng đang điều tra, xác minh các nội dung liên quan…

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo nhận định của Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương) Lê Xuân Hiền thì Công ty cổ phần An sinh và phát triển cộng đồng Việt đăng ký kinh doanh đa ngành nghề, nhưng không có mục nào về việc huy động vốn của người dân cho mục đích từ thiện. Trong khi đây lại là hoạt động chính của các đơn vị này như giới thiệu của họ được quảng bá bằng hình ảnh tràn ngập trên trang web của công ty. Thậm chí, nhân viên của Công ty cổ phần An sinh và phát triển cộng đồng Việt cam kết hoạt động của CLB an sinh xã hội không phải là đa cấp mà là kiểu huy động vốn “giống như chơi hụi, họ và được pháp luật cho phép. Mục đích chính là tạo tiết kiệm kinh tế để tăng thu nhập cá nhân, sau đó mới là xây dựng và bảo đảm thu nhập cộng đồng Việt, xây dựng nhà dưỡng lão, khu vui chơi cộng đồng, giúp đỡ người nghèo”.

Tuy nhiên, những thắc mắc như, vì sao mô hình hoạt động của CLB lại là hình tháp 11 tầng, hoa hồng là tiền của người sau trả người trước cũng như đầu tư nguồn tiền như thế nào để sinh lời… thì lãnh đạo các công ty này không giải đáp rõ ràng. Quả thật, với mô hình hoạt động như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ "vỡ quỹ" khi số người tham gia không được nối tiếp. Tức là không có người tham gia sau để trả tiền hoa hồng cho người đến trước.

Thế nhưng, cho đến thời điểm này, cả Công ty cổ phần Đầu tư Thiện Phước lẫn Công ty cổ phần An sinh và phát triển cộng đồng Việt và các CLB họ lập ra vẫn hoạt động bình thường. Làm việc với chúng tôi, Trưởng Công an phường Tân Bình, TP Hải Dương (Hải Dương) Đinh Văn Thu cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra, nhưng họ chưa có dấu hiệu sai phạm cho nên trước mắt cũng chỉ nắm bắt tình hình, chưa có biện pháp xử lý”. Cũng theo ông Thu, rất nhiều ngành, nghề mà Công ty cổ phần An sinh và phát triển cộng đồng Việt đăng ký nhưng không hoạt động, còn tài khoản của CLB từ thiện tại ngân hàng tăng đều. Điều này chứng tỏ số người tham gia hoạt động của công ty không hề giảm. Họ cũng đưa ra nhiều hình ảnh đi từ thiện nhưng cụ thể là bao nhiêu thì không rõ và cũng chưa bao giờ họ làm từ thiện tại địa phương…

Tương tự như vậy, CLB Chung tay vì cộng đồng đất Việt chi trả tiền hoa hồng rất nhanh chóng, dễ dàng bằng chính khoản tiền đóng góp của người tham gia nhưng làm từ thiện cũng như hỗ trợ cộng đồng một cách nhỏ giọt. Dựa trên quy chế của CLB, có thể khẳng định đó là mô hình huy động vốn kiểu đa cấp. Vẫn là cách tác động vào tâm lý hám lợi của người dân, nhất là người nghèo, ít được tiếp cận thông tin để mồi chài họ tham gia. Việc mượn danh nghĩa từ thiện hoặc an sinh xã hội, phát triển cộng đồng thực chất để che mắt cơ quan chức năng, đồng thời tạo sự tin tưởng cho người tham gia.

Trước mắt, khi nguồn tiền được quy về một mối cho nên các CLB này vẫn có thể gánh những khoản hoa hồng lên tới cả tỷ đồng mỗi tháng. Thế nhưng, do không được đầu tư sinh lợi cho nên khi không có thêm người tham gia sẽ rất khó cho các CLB này tồn tại. Đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các CLB cũng như các công ty chủ quản núp bóng từ thiện nêu trên để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trước những chiêu bài kiếm tiền dễ dàng đến đáng ngờ của cá nhân, tổ chức núp bóng từ thiện đang nở rộ hiện nay.