Điều chỉnh quy hoạch thành phố Hải Dương đến năm 2040

NDO - Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040 nhằm khai thác và phát huy tối đa mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng hạ tầng đô thị xanh, thông minh, hiện đại, phát triển nhanh và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Bộ Xây dựng trao bộ hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng trao bộ hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040.

Ngày 11/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương phối hợp Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040 theo Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định, phạm vi lập Quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hải Dương bao gồm: 19 phường và 6 xã với tổng diện tích khoảng 111,68km2. Phía bắc giáp huyện Nam Sách, phía nam giáp huyện Gia Lộc và huyện Tứ Kỳ, phía đông giáp huyện Kim Thành và huyện Thanh Hà, phía tây giáp huyện Cẩm Giàng.

Dân số toàn thành phố Hải Dương đến năm 2030 khoảng 485.000 người, đến năm 2040 khoảng 668.500 người. Giai đoạn đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 7.241ha. Giai đoạn đến năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 8.993ha.

Thành phố Hải Dương sẽ phát triển theo mô hình trục vành đai và các trục xuyên tâm với hạt nhân là đô thị trung tâm hiện hữu, lấy sông Thái Bình và sông Sặt là trục không gian phát triển chính, cùng với tuyến vành đai 1, vành đai 2, vành đai 5 vùng Thủ đô và các tuyến đường xuyên tâm. Trong đó, khu trung tâm đô thị hiện hữu được bảo tồn phát huy giá trị văn hóa con người xứ Đông, quy hoạch cải tạo các khu vực đô thị theo định hướng phát triển chung để hoàn thiện tiêu chí đô thị loại I.

Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị, hình thành các khu nhà ở xã hội, khu nhà ở cho người có thu nhập thấp tập trung có đầy đủ các thiết chế văn hóa, hạ tầng đô thị hiện đại, kiểm soát môi trường của khu, cụm công nghiệp. Khai thác và kết nối các không gian dọc sông Thái Bình và sông Sặt, di chuyển các nhà máy xí nghiệp, các cơ quan để bảo đảm điều kiện môi trường và hoạt động đô thị.

Không gian sông Thái Bình và sông Sặt là trục cảnh quan chính của đô thị, tạo nên cấu trúc đô thị hai bên sông. Tổ chức các cầu mới qua sông bảo đảm các điều kiện kỹ thuật, phát huy các giá trị cảnh quan phát triển công trình công cộng, dịch vụ, thương mại, du lịch, công viên, cây xanh.

Khai thác cảnh quan sông Sặt, tổ chức không gian cây xanh công viên thể dục thể thao, vui chơi giải trí, bảo đảm các điều kiện môi trường và thoát nước đô thị.

Khai thác lợi thế tuyến vành đai 5 vùng Thủ đô và tuyến vành đai 1, hình thành các trung tâm văn hóa, trung tâm triển lãm, trung tâm logistics, chợ đầu mối của đô thị. Phát triển các khu đô thị sinh thái, duy trì hệ sinh thái nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng ven sông, du lịch nông nghiệp.

Khai thác quỹ đất phía nam gắn với hệ thống trung tâm cấp vùng và đô thị về giáo dục, y tế, thể dục thể thao, tổ chức các công viên đô thị mới, các khu vui chơi giải trí thể dục thể thao cao cấp. Phát triển hạ tầng kết nối vành đai 1 và 2 cùng các tuyến xuyên tâm tạo nên một cực phát triển mạnh cho toàn đô thị.