Tập trung chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo để nâng tầm vị thế Hải Dương

NDO - Sáng 16/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022 và định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Theo Tỉnh ủy Hải Dương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng. Năm 2045 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại; giữ gìn, phát huy di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông; đảm nhiệm vai trò đầu mối giao lưu kinh tế-xã hội giữa các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía bắc với vùng Đông Bắc, vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân trên 9%/năm.

Tập trung chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo để nâng tầm vị thế Hải Dương ảnh 1

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Về quan điểm phát triển: tập trung khơi dậy khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh với quan điểm phát triển xuyên suốt, bao trùm: “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương”.

Tập trung chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo để nâng tầm vị thế Hải Dương ảnh 2
Các cán bộ chủ chốt tỉnh Hải Dương tham dự buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chiến lược phát triển gồm: Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm, ba đô thị động lực - Bốn trục phát triển.

Tập trung chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo để nâng tầm vị thế Hải Dương ảnh 3
Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành tham dự buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Bốn trụ cột: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; Phát triển nông nghiệp đa giá trị; Dịch vụ chất lượng cao; Đô thị xanh, hiện đại, thông minh. Trong đó, lấy phát triển công nghiệp công nghệ cao làm mũi nhọn để dẫn dắt phát triển dịch vụ, nông nghiệp và đô thị. Ba nền tảng: Văn hóa và con người Hải Dương; Môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch; Hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Một trung tâm và Ba đô thị động lực: Trung tâm phát triển là thành phố Hải Dương và các đô thị động lực Chí Linh, Kinh Môn, Bình Giang. Bốn trục phát triển: Trục Bắc - Nam, Trục Đông - Tây phía Bắc, Trục Đông - Tây trung tâm, Trục dọc các tuyến sông.

Tập trung chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo để nâng tầm vị thế Hải Dương ảnh 4
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng trình bày báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023: về kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trên 9%; tỷ lệ vốn đầu tư phát triển so với tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 33%; thu ngân sách nội địa tăng từ 10% so với dự toán giao; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 194 triệu đồng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt 12,4%; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trên 15%.

Về xã hội: tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ đạt 32,5%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi có BHXH đạt 48,6%; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,6%; tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia đạt 82,6%; đạt 32 giường bệnh/10.000 dân và đạt 9,7 bác sĩ/10.000 dân; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 giảm còn 1,6%.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hải Dương đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, đã góp phần vào thành tựu chung của cả nước.

Về phương hướng, nhiệm vụ, về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng nêu rõ, tỉnh cần quán triệt một số quan điểm sau: tư duy và phương pháp luận luôn đặt trong sự vận động để phát triển kịp thời. Quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm; các Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mang lại hiệu quả cao.

Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu, nguyên tắc cơ bản xuyên suốt nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu dứt điểm đến đó, việc nào xong việc đó; xác định rõ 3 đột phá chiến lược, những vấn đề nào tỉnh cần ưu tiên, chẳng hạn là đường kết nối với các cảng biển, sân bay, hành lang kinh tế, các tỉnh chung quanh.

Tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả; những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội; phát huy mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên nội lực (là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa…), từ bàn tay, khối óc, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh; biến không thành có, biến khó thành dễ; khắc phục bằng được những hạn chế, tồn tại; suy nghĩ phải chín, quyết tâm phải cao, hành động quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, chủ động hơn, sáng tạo hơn.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp; khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ; công tác này phải làm công khai, minh bạch.

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện hiệu quả Chiến lược “Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm, ba đô thị động lực - Ba trục phát triển" với trọng tâm là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương dựa trên các trụ cột: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại; bảo đảm môi trường và an sinh xã hội; khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; tận dụng sự lan tỏa của các trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh; phát huy tiềm năng về con người, truyền thống văn hóa lịch sử; quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Về mục tiêu, Thủ tướng nêu rõ: đánh giá cao mục tiêu đề ra cho các giai đoạn tiếp theo (đến năm 2030 vào nhóm 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước; trung tâm công nghiệp động lực vùng Đồng bằng sông Hồng…), thể hiện rõ quyết tâm, khát vọng, nhận thức về vai trò, vị trí của tỉnh trong sự phát triển của Vùng và cả nước.

Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch đi trước một bước, để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, từ đó kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư; quy hoạch có tính kế thừa, ổn định và phát triển; quy hoạch tập trung vào tạo việc làm, từ đó mới phát triển các lĩnh vực khác; coi quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược; bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. Về thẩm định quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm là chính, phải là người quyết; cố gắng trong tháng 3 hoặc tháng 4 này phải xong quy hoạch tỉnh.

Đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác công - tư, lấy nguồn lực Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt mọi nguồn lực ngoài nhà nước, kích hoạt các nguồn vốn xã hội; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung đầu tư kết nối giao thông giữa khu vực Đông Bắc của Tỉnh với Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, mở ra không gian phát triển mới; thúc đẩy hợp tác đầu tư theo hình thức BOT, nghiên cứu cả hình thức BT; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo không gian cho khởi nghiệp; tập trung ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tăng cường đối thoại, nắm bắt kịp thời tình hình để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của tỉnh; lắng nghe, cầu thị, khuyến khích doanh nghiệp góp ý, không nên tạo rào cản, khoảng cách; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thanh niên lập nghiệp; tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng (cơ khí, chế tạo máy, thiết bị, thiết bị điện, điện tử, hóa chất, phụ trợ…) theo hướng nâng cao nội địa hóa, thiết kế sản phẩm; phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm OCOP.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị truyền thống; phối hợp các bộ, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ đề cử công nhận Quần thể di tích "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là Di sản thế giới; giao tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang thực hiện việc này; nghiên cứu quy hoạch tổng thể để kêu gọi, thu hút nguồn lực của các doanh nghiệp đầu tư mở rộng, nâng cấp Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. Thủ tướng cũng lưu ý Hải Dương tập trung xây dựng thương hiệu của tỉnh; quan tâm bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; coi trọng đầu tư đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Tập trung giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu trong thực hiện nhiệm vụ, biểu hiện “lợi ích nhóm”, “thao túng chính sách”; chú trọng xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...