Điện tử hóa cấp giấy chứng nhận tiêm vaccine phòng Covid-19

NDO -

Bộ Y tế chuẩn bị đưa Hệ thống cấp chứng nhận vaccine Covid-19 điện tử vào vận hành. Ứng dụng của hệ thống cũng bắt đầu được cung cấp trên “chợ ứng dụng” cho IOS và Android và đồng thời áp dụng với Sổ sức khỏe điện tử.

Giao diện ứng dụng của hệ thống cấp chứng nhận vaccine Covid-19 điện tử.
Giao diện ứng dụng của hệ thống cấp chứng nhận vaccine Covid-19 điện tử.

Đây là cấu phần mới được triển khai thuộc Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia, làm nhiệm vụ tự động tiếp nhận thông tin tiêm chủng, xét nghiệm từ các phần mềm quản lý cơ sở tiêm chủng xét nghiệm và gửi dữ liệu tập trung về Bộ Y tế. Dữ liệu có xác minh tính chính xác và chống chối bỏ ở từng cơ sở nhờ sử dụng chữ ký số. Hệ thống cũng thực hiện việc phê duyệt, ký số và cấp ban hành chứng nhận tiêm chủng cho người dân dưới định dạng mã QR với quy cách đóng gói theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh châu Âu (EU).

Thực tế hiện nay, việc cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 đang áp dụng theo 2 hình thức: Cấp giấy chứng nhận có đóng dấu tại điểm tiêm hoặc cấp mã QR cho người tiêm qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Việc vận hành hệ thống mới sẽ điện tử hóa 100% quy trình cấp giấy chứng nhận này. Theo đó, mã QR sẽ tự động được chuyển tới người dân qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế, hoặc 1 số ứng dụng khác trên điện thoại được Bộ Y tế công nhận.

Bên cạnh đó, người dân cũng có thể tự lấy chứng nhận trên trang điện tử của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), in ra bản giấy mang theo người. Năng lực ký và cấp chứng nhận của hệ thống ở mức 10 triệu bản/ngày nên hoàn toàn đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh tiêm chủng hiện nay.

Ưu điểm lớn nhất của hệ thống là bảo đảm tính xác minh, chống làm giả chứng nhận tiêm chủng - vấn đề mà rất nhiều nước châu Âu như Pháp, Đức… đang gặp phải; đồng thời, hỗ trợ bảo đảm chuỗi xác minh từ cơ sở tới cấp Bộ, minh bạch, chính xác cho từng người dân và từng chứng nhận tiêm chủng. Mặt khác, hệ thống cũng đáp ứng yêu cầu liên thông quốc tế theo tiêu chuẩn do WHO và EU ban hành.

Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) cũng khuyến nghị các nước áp dụng tiêu chuẩn chứng nhận tiêm chủng xét nghiệm này để thực hiện “luồng xanh” trên toàn thế giới với Hộ chiếu điện tử. Hiện có 32 nước trên toàn thế giới đã tham gia làm chứng nhận tiêm chủng theo tiêu chuẩn này.

Đối với mỗi người dân, hệ thống không tạo ra thêm công đoạn mới hay thay đổi phức tạp, người dân khi khai báo trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc 1 số ứng dụng khác được Bộ Y tế công nhận là có thể nhận chứng nhận tiêm chủng dưới định dạng QR. Với người dân đã sử dụng Sổ sức khỏe điện tử, chứng nhận tiêm chủng đạt chuẩn WHO và EU dưới dạng QR sẽ tự động cập nhật trên phần mềm của mỗi cá nhân.

Việc triển khai hệ thống sẽ giúp các cơ quan chức năng quản lý tốt chứng nhận tiêm chủng, bảo đảm trong tình hình mới khi người được tiêm đủ 2 mũi sẽ được lưu thông; tránh chứng nhận tiêm chủng làm giả và người chưa tiêm hoặc chưa xét nghiệm âm tính đi ra đường với giấy tờ giả, từ đó lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, đây là giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập khi chứng nhận tiêm chủng có thể liên thông quốc tế và ngược lại, người nước ngoài vào Việt Nam cũng sẽ được kiểm tra và xác minh rõ ràng về tình trạng tiêm phòng Covid-19.

Cùng với chiến lược vaccine của Chính phủ, bên cạnh việc đẩy mạnh nhanh tiêm chủng, việc quản lý xác minh người đã tiêm đủ 2 mũi để tạo “luồng xanh” lưu thông cho các hoạt động trong nước là điều ngành y tế đang nỗ lực hết mình để thúc đẩy sớm mở cửa trở lại nền kinh tế, cũng như mở rộng cánh cửa liên thông hội nhập quốc tế.

Hệ thống được thực hiện dưới sự cho phép của Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục Công nghệ thông tin và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế); được thực hiện dưới sự tài trợ của Tập đoàn Tân Hiệp Phát và CTCP Mạng y tế cộng đồng - Medcomm; phối hợp triển khai bởi Trung tâm Chứng thực số Quốc gia NEAC - Bộ Thông tin truyền thông  và Ban Cơ yếu Chính phủ (Bộ Quốc phòng).

Chiến dịch tiêm vaccine nhanh, an toàn, hiệu quả cho toàn dân