Diện mạo mới ở các xã đảo Tây Nam Bộ

Các xã đảo, hải đảo ở Tây Nam Bộ có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế và quốc phòng, an ninh. Đây cũng là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng hào hùng và vẻ vang; cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm,... sinh sống, gắn bó, đoàn kết lâu đời.
0:00 / 0:00
0:00
Xã đảo Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh sẽ được kết nối hạ tầng giao thông với đất liền khi cầu Cổ Chiên xây dựng nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Trà Vinh.
Xã đảo Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh sẽ được kết nối hạ tầng giao thông với đất liền khi cầu Cổ Chiên xây dựng nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Trà Vinh.

Nhiều năm qua, các tỉnh, thành phố trong vùng đã khơi dậy, phát huy mọi nguồn lực, nhất là nội lực, tiềm năng, lợi thế riêng để phát triển nhanh và bền vững. Đến nay, các xã đảo vùng cực nam của Tổ quốc đang thay da, đổi thịt từng ngày, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao…

Huy động nhiều nguồn lực kết nối hạ tầng

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của người lính hải quân, ông Hoàng Tư Kim về thăm quê hương tỉnh Thái Bình một thời gian ngắn rồi quay lại gắn bó với xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Ông Kim cưới vợ và lập nghiệp trên xã đảo Tiên Hải từ sau ngày 30/4/1975 đến nay. Theo ông Kim, trước đây, điều kiện sinh sống của cư dân rất khó khăn, điện, đường, trường, trạm chưa có. Người dân sinh sống chủ yếu bằng việc đánh bắt hải sản. “Nay thì khác rồi, xã đảo Tiên Hải giờ không thiếu thứ gì. Muốn vào đất liền thì đi tàu cao tốc chưa đầy 45 phút xuống là tới. Kể từ khi có điện lưới quốc gia, đời sống của người dân trên đảo thay đổi về mọi mặt. Các con của tôi đều thành đạt, vợ chồng tôi gần 80 tuổi sẽ gắn bó trọn đời nơi đây”, ông Kim chia sẻ.

Năm 2019, từ nguồn vốn Trung ương, lưới điện quốc gia được kéo từ thành phố Hà Tiên ra đến xã đảo Tiên Hải, dài 28km với tổng mức đầu tư 182 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của 446 hộ dân với gần 1.700 nhân khẩu. Đường bê-tông 7km chạy quanh xã đảo; hồ chứa nước ngọt 50.000m3, trường học từ mẫu giáo đến trung học cơ sở được đầu tư xây dựng, giúp nhân dân yên tâm sinh sống và phát triển kinh tế gia đình trên đảo.

Thực hiện mô hình phát triển du lịch cộng đồng, năm 2022, xã Tiên Hải đón gần 58 nghìn lượt khách đến tham quan du lịch, đạt doanh thu hơn 31,7 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021. Hằng ngày, hai chuyến tàu cao tốc chở du khách, người dân, cán bộ, chiến sĩ, hàng hóa, nhu yếu phẩm từ thành phố Hà Tiên ra xã đảo và chiều ngược lại vận chuyển hải sản tươi ngon từ biển vào đất liền.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các xã đảo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã huy động mọi nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Hệ thống trường lớp, trạm y tế, các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao được xây mới phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.

Năm 2020, xã đảo An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Đến nay, xã còn 17 hộ nghèo, chiếm 0,87%; 91 hộ cận nghèo, chiếm 4,64%. Xã đảo An Thạnh 1 hiện có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho thu nhập từ 500 triệu đến 600 triệu đồng/ha/năm, như mô hình trồng xoài Cát Chu giúp nhà vườn thu nhập 500 triệu đồng/ha/năm; trồng nhãn xuồng, chanh bông tím, bông thiên lý, thu nhập 200-300 triệu đồng/ha/năm.

Huyện Cù Lao Dung, nơi có nhiều xã đảo, năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 37 triệu đồng/người, tăng gấp hai lần so với trước khi triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Theo Quyết định số 878/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, dự án cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng triển khai thực hiện đến hết năm 2026 với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thành, giao thông các xã đảo An Thạnh 1, An Thạnh 2, An Thạnh 3, An Thạnh Đông, An Thạnh Tây, An Thạnh Nam, Đại Ân 1 và thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung thông suốt liền mạch với tỉnh Sóc Trăng và kết nối liên vùng.

Từ nguồn vốn ODA hỗ trợ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, vốn ngân sách địa phương, dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang sẽ triển khai với tổng mức đầu tư hơn 28.500 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, dự án triển khai xây đường cấp 3 đồng bằng, xây 5 cầu vượt sông lớn và giai đoạn 2 tiếp tục triển khai sau năm 2025.

Tuyến đường bộ ven biển đưa vào khai thác sẽ kết nối giao thông liên vùng và rút ngắn hơn 70km quãng đường từ các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh đến Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, cầu bắc qua sông Cổ Chiên nối liền hai xã đảo Long Hòa, Hòa Minh của tỉnh Trà Vinh.

Xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh

Trà Vinh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu với hơn 65km bờ biển, là cửa ngõ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long ra Biển Đông; có lợi thế về phát triển kinh tế biển, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch.

Theo ông Lữ Minh Tâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải (Trà Vinh), khi dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu triển khai, các xã Đông Hải, Long Khánh, Long Vĩnh, thị trấn Long Thành trở thành xã đảo. Thời gian qua, xã Đông Hải huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng nông thôn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là các công trình hạ tầng điện, đường giao thông đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, đi lại của người dân. Ngoài nguồn lực Nhà nước, xã vận động hộ dân góp tiền kéo điện trung thế, hạ thế phục vụ nuôi tôm công nghiệp mật độ cao, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.

Xã đảo Đông Hải có tiềm năng lớn về năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều, đã thu hút nhiều doanh nghiệp, công ty trong nước, quốc tế đến đầu tư. Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 tại vị trí biển V1-7, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải được Tập đoàn Trungnam Group xây dựng với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Với quy mô 25 tua-bin gió, tổng công suất 100MW, nhà máy đã đưa vào vận hành thương mại và bổ sung khoảng 330 triệu kW giờ năng lượng xanh mỗi năm vào lưới điện quốc gia.

Mới đây, Công ty cổ phần TGS Trà Vinh Green Hydrogen khởi công xây dựng nhà máy sản xuất hydro xanh tại ấp Cồn Cù, xã Đông Hải với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Đây là dự án sản xuất hydro từ công nghệ điện phân nước biển, sử dụng điện năng lượng tái tạo để tạo ra nguyên liệu hydro xanh và oxy. Hydro được lưu trữ dưới dạng khí lỏng, dễ dàng vận chuyển và được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp nặng. Sản phẩm phụ của quá trình sản xuất khí hydro là oxy có thể dùng trong lĩnh vực y tế. Khi dự án hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ sản xuất 24.000 tấn hydro/năm, 195.000 tấn oxy y tế/năm; tạo việc làm từ 300 đến 500 lao động địa phương.

Sóc Trăng có đường bờ biển dài 72km, kết quả khảo sát cho thấy, vùng đất bãi bồi ven biển, cồn mới nổi của tỉnh có chủng loài tôm, cá, nghêu, sò rất đa dạng với giá trị kinh tế cao. Ngoài lợi thế và tiềm năng từ biển mang lại thì vùng biển của tỉnh đang ngày càng hứng chịu nhiều tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 xã đảo thuộc các huyện Kế Sách, huyện Cù Lao Dung; cùng với đó, cồn Châu, cồn Bửng 1, cồn Bửng 2,… được lập hồ sơ tài nguyên hải đảo. Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quyết định về việc phê duyệt hồ sơ tài nguyên hải đảo trên địa bàn tỉnh, giúp cho các cấp quản lý đưa ra chính sách, định hướng bảo vệ, bảo tồn và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên hải đảo phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) Nguyễn Văn Đắc cho rằng, quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đáp ứng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.Các đơn vị liên quan cần chú ý lĩnh vực giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn để thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu, giảm tác hại của thiên tai. Tăng cường phối hợp với xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản, các quy định, chỉ thị khai thác thủy, hải sản an toàn, bền vững…