Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong lĩnh vực năng lượng. Các hồ chứa nước phải ưu tiên chức năng chống lũ thay vì phát điện, khiến cho việc bảo đảm nguồn cung điện ổn định trở nên khó khăn hơn. Điện gió và điện mặt trời hiện có giá thành cao, khó tiếp cận với nhiều người dân.
Ưu điểm của năng lượng từ dòng hải lưu
“Dòng điện hải lưu ở miền trung và Nam Bộ Việt Nam là nguồn năng lượng tiềm năng đáng để khai thác”, kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khoa học, kỹ thuật và Kinh tế biển Thành phố Hồ Chí Minh nói.
Châu Âu tìm kiếm năng lượng từ lòng đất
Qua khảo sát, miền trung Việt Nam có 7 điểm (trong số 12 điểm) có dòng chảy mạnh nhất bờ tây Thái Bình Dương, khoảng từ 1,05 m/s đến 1,26m/s. Với tốc độ dòng hải lưu 1m/s, độ sâu từ 10m đến 35m, độ rộng 24km và chiều dài dòng hải lưu 1,000km, Việt Nam có thể tạo ra một nguồn năng lượng mới vô cùng lớn, hoàn toàn có khả năng thay đổi bộ mặt kinh tế của Việt Nam.
Để lấy được điện từ dòng hải lưu, các nhà máy điện cần sử dụng mô hình “trống quay”. Tuabin mới hình trụ rỗng có gờ nhận lực từ nước để lực đẩy Archimedes làm trống nổi lơ lửng trong nước.
Lực tác dụng vào cánh trống tạo thành moment quay, thuận theo mọi tốc độ của dòng chảy một chiều hoặc hai chiều. Dự kiến, trống có thể chuyển đổi động năng thành cơ năng đạt đến 99,6% với mức tổn thất năng lượng chỉ 10%.
Trên thế giới, các máy phát điện bằng gió khi chuyển đổi từ cơ năng thành điện năng thì hiệu suất đạt được 70%. Máy phát điện bằng dòng hải lưu theo phương pháp “trống quay” dự kiến đạt hiệu suất 63%.
Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng trình bày về mô hình điện hải lưu. |
Nếu xây dựng một nhà máy gồm 52 module lớn với chiều dài 2.050m, dự kiến sẽ cung cấp nguồn năng lượng 94.728 Megawatt (MW) - con số lý tưởng giải quyết được vấn đề năng lượng của quốc gia.
Điện hải lưu sử dụng hệ thống tuabin mới, do đó không phụ thuộc vào trọng lượng của cánh quạt và thế năng như thủy điện. Hệ thống có thể vận hành với tốc độ dòng chảy thấp, dễ bảo dưỡng, hệ thống máy chủ yếu là bê-tông cốt thép đặt dưới đáy biển có tuổi thọ cao.
Với lượng điện rất lớn và giá thành thấp, điện hải lưu giải quyết được bài toán giá điện cho người dân.
Cần hỗ trợ mạnh mẽ để hiện thực hóa
Để hiện thực hóa tiềm năng của điện hải lưu, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cơ chế chính sách.
Qua đó, các chuyên gia đề nghị, Thành phố Hồ Chí Minh đứng ra đầu tư làm mô hình thật sự, từ kết quả đó có thể huy động thêm nguồn lực.
Chính phủ nên quan tâm thành lập ra một nhóm gồm nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực để thực hiện dự án, nếu không đây sẽ chỉ là một nghiên cứu cơ bản.
Các đại biểu cũng cho rằng, đây là một ý tưởng lớn và cần sự góp sức của các tổ chức để thực hiện. Trước mắt, cần kêu gọi các nhà đầu tư thử nghiệm ở quy mô nhỏ… trước khi triển khai nhà máy dài hơn 2.000m.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổng kết hội thảo. |
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh xác định đây là một dự án “xanh” phù hợp với khoa học. Cần có đề cương kêu gọi nhà đầu tư để đưa thành quả nghiên cứu này ứng dụng, trước mắt là ứng dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong tương lai gần, với sự nỗ lực của các tổ chức, sự đồng lòng của các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân, kỳ vọng điện hải lưu hứa hẹn sẽ trở thành một nguồn năng lượng xanh, góp phần vào sự phát triển năng lượng và mục tiêu Net Zero của Việt Nam.